06/08/2013 07:08 GMT+7

Khoán... khôn!

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Công ty bỏ hoang hàng trăm hecta đất nên người dân “xót của” nhảy vô cải tạo đất, trồng cây. Khi sắp thu hoạch, công ty lại đòi dân phải nộp sản phẩm cứ như chính công ty đã đầu tư giao khoán...

KAoIyLa8.jpgPhóng to
Anh Đào Xuân Hưng bên mảnh đất trồng tiêu xanh tốt đang bị công ty “khoán” lại - Ảnh: Trung Tân

Thanh tra tỉnh đang làm việc

Ông Hoàng Trọng Hải, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết những khiếu nại của người dân đã được UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận và Thanh tra tỉnh đang thanh tra để UBND tỉnh trả lời người dân. Những vấn đề người dân yêu cầu như phải cấp quyền sử dụng đất cho hộ dân, việc công khoán sản phẩm cao, không đúng quy định, việc công ty quản lý đất thiếu chặt chẽ nhưng không bị xử lý mà vẫn được cho thuê đất... sẽ được xem xét kỹ, dựa trên những quy định hiện hành của pháp luật để giải quyết.

Năm 1977, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thành lập Nông trường quốc doanh Ea Ktur (nay là Công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur, thuộc Tổng công ty Cà phê VN) và giao quản lý hơn 1.900ha đất tại hai xã Ea Bhốk và Ea Hning, thuộc huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. Phần lớn diện tích cà phê do công ty quản lý sau này đều bị bỏ hoang nên hàng trăm hộ dân đã cải tạo, phục hóa đất trồng cà phê, hồ tiêu...

Anh Đào Xuân Hưng (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho biết khi thấy đất bỏ hoang, cỏ tranh mọc um tùm, xót đất gia đình anh phát dọn hơn 5 sào đất hiện tại để trồng hoa màu, mấy năm sau thì trồng hồ tiêu. Cuối năm 2008, khi vườn tiêu của gia đình anh bước vào giai đoạn kinh doanh (thu hoạch ổn định) thì công ty yêu cầu anh phải ký vào bản hợp đồng giao khoán sử dụng đất nông nghiệp. Trong hợp đồng này công ty là bên giao khoán lại vườn tiêu, còn gia đình anh Hưng - bỏ cả chục năm trồng, chăm sóc vườn cây - là bên nhận khoán!

Ông Hoàng Văn Tứ (thôn 3, xã Ea Bhốk) cho biết công ty đưa ra hai hình thức khoán là khoán theo quy trình và khoán theo thỏa thuận đối với hai loại cây là cà phê và hồ tiêu. Đối với cà phê, người dân phải nộp 1.200-1.900kg cà phê quả tươi/ha/năm, với hồ tiêu từ 220-593kg tiêu khô (đen)/năm (tùy hình thức khoán). “Giá tiêu hiện nay khoảng 120.000 đồng/kg, 6 tạ tiêu giá khoảng 70 triệu đồng. Công ty không bỏ công sức, không giúp đỡ nông dân về vốn, kỹ thuật thì lấy cớ gì để mỗi năm buộc chúng tôi phải nộp cho công ty hàng chục triệu đồng?” - ông Tứ nói.

Còn anh Nguyễn Đình Danh (thôn 9, xã Ea Bhốk) trình bày: công ty cho biết hợp đồng giao khoán vườn cây này thực hiện theo nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8-1-2005 của Chính phủ về giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông, lâm trường quốc doanh. Nghị định này quy định bên giao khoán phải là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư 100% hoặc đầu tư cùng với bên nhận khoán (nhưng phải đầu tư giống, kỹ thuật), tuy nhiên thực tế công ty không hề bỏ vốn đầu tư trên vườn cây của người dân.

Ngoài ra, có rất nhiều hộ dân khác cũng bức xúc chuyện công ty bỏ hoang hàng trăm hecta nhưng không bị Nhà nước thu hồi, không phải chịu trách nhiệm gì, công ty buộc người dân phải ký hợp đồng giao khoán với công ty, ai không ký bị cho là chống đối chủ trương, chính sách nhà nước...

Ông Trần Minh Tâm, giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur, thừa nhận trong hơn 990ha đất mà UBND tỉnh cho công ty được thuê, chỉ có 146ha đất là do công ty đầu tư 100%, số còn lại do người dân bỏ vốn, công sức. Vì vậy khi giao khoán, phần chi phí đầu tư về nhân công, phân bón... được tính cho người dân, công ty chỉ tính chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định (trụ sở, kho bãi), thủy lợi phí để làm căn cứ giao khoán...

Nên xem xét cấp quyền sử dụng đất

Theo luật sư La Văn Tờn (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk), nghị định 135 của Chính phủ quy định có hai hình thức khoán là bên giao khoán đầu tư 100% vốn hoặc cùng bên nhận khoán đầu tư vốn. Tuy nhiên, dù hình thức khoán nào thì nguồn vốn chủ yếu thuộc về bên giao khoán (tức công ty), bên nhận khoán chỉ đóng góp sức lao động, công chăm sóc, bảo vệ vườn cây. Vì vậy, công ty phải tính toán lại mức khoán dựa trên thỏa thuận với từng hộ dân vì mỗi hộ dân đầu tư, vay vốn với lãi suất khác nhau. Hơn nữa, người dân có quyền “thu hồi vốn” đã bỏ ra để kiến thiết cơ bản vườn cây một thời gian! Ngoài ra, luật sư La Văn Tờn cũng cho biết: “Nghị định 135 của Chính phủ cũng quy định việc đất bỏ hoang lâu năm, người dân phục hóa, cải tạo và trồng cây đúng quy hoạch thì Nhà nước phải xem xét cấp quyền sử dụng đất cho họ”...

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên