23/06/2017 12:26 GMT+7

Khoan giếng gom nước ngầm để xử lý nứt đất ở Đà Lạt

M.VINH
M.VINH

TTO - Sau gần 2 tháng tìm kiếm nguyên nhân, ngày 23-6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố chính thức nguyên nhân gây nứt đất ở hai tuyến đường trung tâm TP. Đà Lạt là Nguyễn Văn Trỗi và Trương Công Định.

Người dân vẫn chưa khắc phục những căn nhà bị nứt. Ảnh: M.VINH
Người dân vẫn chưa khắc phục những căn nhà bị nứt - Ảnh: M.VINH

Các chuyên gia địa chất của Đại học Bách khoa TP.HCM, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam và Công ty Kawasaki (Nhật) đánh giá nước ngầm và mưa lớn là tác nhân quan trọng gây nứt đất tại Đà Lạt và đã tham vấn khoan giếng sâu vào lòng đất để thu gom nước ngầm nhằm xử lý hiện tượng nứt đất. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chấp thuận xử lý theo hướng các chuyên gia đưa ra.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, sáng 26-4, người dân tại 13 căn nhà trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Trương Công Định, TP. Đà Lạt hốt hoảng vì phát hiện nhà xuất hiện vết nứt tạo thành vệt dài. Ngoài 13 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, cơ quan chức năng xác định có thêm 45 hộ có liên quan đến hiện tượng địa chất này.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân chính dẫn đến nứt đất ở hai tuyến đường trên là do kết cấu địa chất trong khu vực yếu. Khu vực nứt đất nằm trên khu vực đỉnh một quả đồi có độ dốc khoảng 30o, có lượng nước ngầm lớn lưu thông trong lòng đất. Thời điểm xảy ra vụ nứt đất có mưa lớn kéo dài khiến nước ngầm nhiều hơn mức bình thường. Mưa lớn kéo dài làm kết cấu đất cũng yếu hơn.

Máy quan trắc vẫn tiếp tục duy trì theo dõi tự động tại số nhà 27 C Nguyễn Văn Trỗi, đây là căn nhà bị hư hại nặng nhất - Ảnh: M.VINH
Máy quan trắc vẫn tiếp tục duy trì theo dõi tự động tại số nhà 27C Nguyễn Văn Trỗi, đây là căn nhà bị hư hại nặng nhất - Ảnh: M.VINH

Khi đó, nước ngầm tập trung vào vùng trũng và gia tăng áp lực nước ở những lỗ rỗng trong lòng đất. Các yếu tố trên cộng với sức ép các công trình dày đặt phía trên khiến nước bị đẩy ngược lên bề mặt gây nứt đất. Từ đó, nhà và các công trình đường, cống cũng bị nứt theo.

Kết luận này được đưa ra dựa trên quá trình theo dõi mức độ dịch chuyển mặt đất thông qua thiết bị quan trắc tự động do Công ty địa chất Kawasaki lắp đặt kết hợp với kết quả nghiên cứu thực hiện thông qua hai mũi khoan địa chất.

Lịch sử hình thành khu vực được xác định bên dưới khu dân cư là bãi rác lớn. Bãi rác này bị lấp dần sau năm 1970.

Để khắc phục sự cố, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Công ty Cổ phần Địa chất Kawasaki thiết kế và thi công giếng thu nước tại khu vực. Ngoài ra, tiếp tục cấm các loại ô tô trên 24 chỗ và xe tải từ 2,5 tấn trở lên đi vào khu vực xảy ra sụt lún đất.

Ảnh vệ tinh khu vực nứt đất - Nguồn: Google Earth
Ảnh vệ tinh khu vực nứt đất và vùng liên quan - Nguồn: Google Earth
M.VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên