Chẳng vậy mà có vị trong hội cuồng ăn ớt đã làm thơ: “Ớt là giai nhân của đầu lưỡi, dữ dội mà đắm say”. Nhiều ông đến bữa không thấy mấy trái ớt trên bàn là quát vợ tối mặt tối mày. Bên cạnh đó, chất tạo cay - chủ yếu trong ớt (Capsaicin) tỏa nhiệt giúp giữ ấm, ngừa phong hàn. Món cay còn là con nhà võ chứa nhiều kháng sinh thực vật (alicin) ngừa cảm mạo, viêm nhiễm, tăng đề kháng…
Tài nhiều thì tật cũng lắm, mấy món cay cũng là chúa “sớm đầu tối đánh” mà nếu không cẩn thận, nhiều thực khách sẽ phải “ngậm đắng nuốt cay” vì chúng.
Món cay, nhất là ớt, với liều vừa phải, được cho là “quý nhân phù trợ” hệ tim mạch, bình ổn áp huyết, hạ cholesterol. Nhưng chỉ cần quá liều thì biết đá biết vàng ngay với mấy trái ớt. Vị cay vốn tính “cương” nên càng “cương” càng nguy cho mấy ông cao huyết áp, đau tim, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn, những căn bệnh vốn không hứa hẹn gì với những đợt trào dâng máu huyết bất tử. Nhiều ông lên tăng-xông, biết thân luôn đề cao cảnh giác với mấy khoanh ớt đỏ lòm, nhưng lâu lâu vẫn sa bẫy mấy món cay “ngọa hổ tàng long” như cà-ri Ấn, bún bò Huế chính gốc có độ nóng hổi vừa… chảy nước mắt vừa ăn.
Món cay “khoái cảm” của vị giác, nhưng lại là cú… tát tay niêm mạc vùng hầu họng, thực quản, dạ dày, đặc biệt khi chúng đang ể mình (viêm, loét, phù niêm…). Cả với vị cay “nhỏ nhẹ” nhất trong họ nhà cay là tép tỏi cũng được các bác sĩ dặn bệnh nhân khi gắp phải cân nhắc. Trong phòng cấp cứu, người ta từng chứng kiến bệnh nhân thổ huyết (vỡ phình thực quản), xuất huyết dạ dày hãi hùng đã được đưa thẳng từ bữa cơm gia đình hay bữa nhậu có mấy quả ớt đưa cay đến.
Túi mật và tuyến tụy cũng được xem là nạn nhân của trái ớt, lọ tiêu, bởi vị cay có tác dụng co thắt mạch máu, cản trở hoạt động, thậm chí khởi phát cơn đau quặn mật trên nền bệnh sẵn như sỏi mật. Nhiều người ăn cay thâm niên, thường gặp triệu chứng ậm ạch, khó tiêu, đau ngầm ngầm tại vùng đứng chân của hai cơ quan này. Vị nào không may “đứng ngồi không yên” với mấy búi trĩ, không kể nội - ngoại cũng nên kiêng dè với mấy “giai nhân đầu lưỡi”.
Các bà bầu là đối tượng rất cần ghi tên sớm vào hội “anti capsaicin” (tạm gọi là “không thích ăn cay”) bởi mấy quả ớt là kẻ đứng đằng sau chứng táo bón, tiểu tiện không tự chủ làm nặng nề thêm gánh mang nặng đẻ đau. Những sản phụ “ăn ớt như nhồng” được cảnh báo sinh con hay bị rôm sảy, cáu gắt, quấy khóc, khó ngủ (?). Sau sinh nếu mẹ tiêu thụ tiêu, ớt số lượng lớn thì thiên thần nhỏ có thể phải vừa bú vừa... nhăn mặt, hít hà, nhè hết ra ngoài vì bị mẹ cho nếm nguồn thức ăn không thể thay thế cay xé lưỡi.
Tuy vậy, những “tồn tại” trên của món cay chỉ trổ mòi khi sử dụng ở mức quá liều và quá độ (người ta đặt ra cả thang độ cay của ớt, gọi là độ scoville, tùy vào lượng chất capsaicin, theo đó một loại ớt có độ cay chạm nóc là giống Bhut Jolokia - Ấn Độ - với gần 1 triệu đơn vị scoville). Cả với người bệnh sẵn được liệt vào danh sách “uốn lưỡi bảy lần” với món cay thì việc nói không toàn cục với tiêu, gừng, tỏi, ớt, sa tế, cà-ri-nị, bún bò, ếch xào xả ớt, là không thật sự cần thiết, miễn là chừng mực, đừng “trên mức tình cảm” thái quá là được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận