TTCT - Trong bất kỳ ngành nghề nào, rào cản ngôn ngữ luôn gây bất tiện. Riêng với nghề y, trở ngại này còn lớn hơn, do liên quan đến việc phát triển chuyên môn và cứu sống người bệnh. Nhưng cũng có bác sĩ vừa hành nghề y, vừa làm thông ngôn. Mối duyên với nghềVới bác sĩ Đặng Tuấn Anh, phiên dịch viên tự do có kinh nghiệm hơn 20 năm đang sống và làm việc ở Úc, và bác sĩ huyết học Trần Quang Hưng, đang làm quản lý y tế tại chuỗi phòng khám Jio Health, đến với ngành phiên dịch y khoa là một sự tình cờ.Từng xuất bản ba đầu sách về việc học ngoại ngữ và công tác tại BV Nhi đồng 1 khi còn ở Việt Nam, sang Úc, bác sĩ Tuấn Anh phiên dịch nhiều lĩnh vực khác nhau như tin học, kinh tế, chứng khoán, quốc phòng… Cơ duyên dịch y khoa đến khi một công ty dược tham gia sự kiện vi tính do ông đảm nhiệm phần dịch thuật và mời ông dịch cho công ty, vì thấy ông là bác sĩ."Thời điểm ấy, các công ty dược chỉ áp dụng việc dịch nối tiếp vì các phiên dịch viên song song không có kiến thức ngành y nên không dịch được phần chuyên môn. Người trong ngành y có kiến thức chuyên môn nhưng tiếng Anh và tiếng Việt không đủ trôi chảy để dịch song song. Dần dà, các công ty dược nhận thấy ưu điểm vượt trội của việc dịch song song nên áp dụng việc này nhiều hơn" - ông cho biết.Theo bác sĩ Tuấn Anh, so với dịch nối tiếp (phiên dịch viên nghe hết câu rồi mới dịch lại), việc dịch song song giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo tính liên tục trong hội thảo, báo cáo viên không mất hứng khi không phải dừng chờ phiên dịch nối tiếp. Ở các phiên thảo luận cũng có sự tương tác cao hơn, chuyên nghiệp hơn, do hai bên hiểu được nhau.Bác sĩ Tuấn Anh trong cabin dịch. Ảnh: NVCCỞ Việt Nam, bác sĩ Tuấn Anh là phiên dịch viên cabin tự do làm tại các sự kiện trong và ngoài ngành y, từ hội thảo tại bệnh viện, đến các cuộc họp lãnh tạo, đầu tư, tập huấn... Ở Úc, ông dịch tại tòa án, cơ quan chính phủ, trường học, bệnh viện, phòng khám và tại nhà người Việt. Ông có chứng chỉ phiên dịch quốc tế NAATI của Úc.Với ông, "công việc phiên dịch giống như phi công tích lũy giờ bay và kinh nghiệm, cần nắm vững ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích, học hỏi liên tục để tránh bị đào thải". Làm biên phiên dịch tự do giúp ông làm quen với nhiều chuyên ngành và kiến thức mới, biết những sai sót trong từ điển y khoa hoặc cách dịch từ chuyên môn.Trần Quang Hưng là phiên dịch viên cabin chuyên về chính chuyên môn y khoa của anh: huyết học. Bắt đầu công việc biên dịch sách y khoa khi còn là sinh viên, hỗ trợ các bác sĩ đàn anh dịch nghiên cứu khi là bác sĩ nội trú năm 1, Hưng tới với nghề thông ngôn sau khi có cơ hội phiên dịch cabin nhân dịp Trường Y Đại học Harvard ký kết đào tạo với Trường đại học Y Dược TP.HCM năm 2016.Đó là một thử thách với một bác sĩ mới ra trường, dù có vốn tiếng Anh nhưng chưa có kỹ thuật dịch. Anh phải đọc mọi tài liệu liên quan và trao đổi với những người phát ngôn trước khi buổi lễ diễn ra. Dù phần dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt diễn ra khá suôn sẻ, nhưng khâu dịch phần phát biểu cho bộ trưởng y tế lại có khó khăn do anh chưa nắm rõ nội dung.Bác sĩ Trần Quang Hưng trong một phiên phiên dịch cabin. Ảnh: NVCCHiện không còn khám bệnh nhiều như trước để tập trung quản lý chuỗi phòng khám, bác sĩ Hưng cho rằng mỗi lần phiên dịch là cơ hội để ôn bài lại và cập nhật kiến thức điều trị mới. "Tôi luôn tự giới hạn bản thân trong những đề tài mình quen thuộc và thấy tự tin, vì mình nắm rõ thông tin, từ khóa đó. Tôi từng từ chối lời mời phiên dịch cho một hội nghị ngoại khoa vì bản thân không có thời gian học về kỹ thuật mổ và hình dung được tường trình cuộc mổ" - anh nói.Ở Việt Nam, vấn đề của phiên dịch viên y khoa không chỉ ở kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng mềm tốt, mà còn là vấn đề sức khỏe (để tiết kiệm chi phí, thường chỉ có một người dịch ở hội nghị chuyên sâu, thay vì hai), và kỹ thuật (không có màn hình trong cabin, vấn đề đường truyền khiến người nghe không nghe được lời của phiên dịch viên…).Không đi theo con đường phiên dịch quốc tế chuyên nghiệp, bác sĩ Hưng hiện có chứng chỉ biên phiên dịch của Trường đại học Y Dược TP.HCM.Giấc mơ tủ sách y khoa bằng tiếng ViệtGiáo trình Hướng dẫn khám lâm sàng và hỏi bệnh sử Bates thường được trích dẫn làm tài liệu tham khảo trong sách triệu chứng học chính quy của các trường đại học y khoa khắp cả nước, được các giảng viên giới thiệu trong giờ học. Nhiều thế hệ sinh viên y phải vật lộn với sách gốc bằng tiếng Anh, cho tới năm 2020, khi bản dịch tiếng Việt đầu tiên ra đời.Viết trong lời đề tựa quyển sách này, bác sĩ Mạc Văn Hòa, trưởng khoa nội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, kể ông đã phải vào thư viện Đại học Y Dược TP.HCM photocopy quyển sách, ấn bản lần thứ 6 năm 1995. "Lúc đó giá sách là 150.000 đồng, trong khi một chỉ vàng có giá 300.000 đồng". Lứa người đọc tiếp theo của Bates "sướng" hơn thời bác sĩ Hòa rất nhiều.Các vấn đề dịch tễ trong giáo trình khám lâm sàng Bates bản tiếng Việt được chỉnh sửa phù hợp với Việt Nam, cập nhật những tình huống thăm khám lâm sàng mang tính thời sự (ví dụ: hướng dẫn nhận định trẻ bị bạo hành).Bác sĩ Lê Khắc Tiến (phó khoa đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Mỹ Đức, trưởng dự án biên dịch sách) chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: Ý tưởng khởi xướng dự án đến từ bác sĩ Nguyễn Quan Vinh (bác sĩ gia đình, chuyên gia nội - thận hiện đang sống ở Thụy Sĩ), ông chỉ là người hiện thực hóa tâm huyết này.Hằng năm, Helvietmed - tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận, gồm những chuyên gia y tế Thụy Sĩ gốc Việt và những chuyên gia y tế khác có mối quan tâm gắn bó với Việt Nam - trao học bổng cho nhiều sinh viên có thành tích học tập tốt, ngoại ngữ giỏi đến từ nhiều trường y trên khắp cả nước. Thấy rằng mỗi trường có một giáo trình thăm khám lâm sàng khác nhau và nhiều kiến thức đã cũ kỹ, bác sĩ Vinh gợi ý đội ngũ dịch sách Bates. Đó là năm 2017, cùng thời điểm sách Bates cập nhật ấn bản mới nhất. Theo trưởng dự án, đội ngũ dịch sách cốt lõi gồm những thành viên trong Helvietmed vốn có đóng góp tích cực cho tổ chức và mạng lưới các chuyên gia trong ngành."Để dịch sách, chúng tôi chia làm hai bước. Các sinh viên và bác sĩ trẻ đảm nhiệm phần dịch thô và đọc chéo - đưa cho một người ở chuyên khoa khác đối chiếu lại. Những chuyên gia đầu ngành chịu trách nhiệm hiệu đính từng chương. Trong quá trình hiệu đính, chúng tôi đảm bảo sự thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ tiếng Việt để nội dung trong các chương được liền mạch. Ví dụ, chữ "đái" và "tiểu" xuất hiện trong cùng một quyển sách đã cho thấy thiếu sự đồng nhất về mặt nội dung" - ông kể. Bác sĩ Tiến nhận phần biên dịch đề tài sản phụ khoa trong sách Bates.Bác sĩ Lê Khắc Tiến (thứ hai từ phải sang) đại diện Helvietmed trao tặng sách Bates và sách Bí quyết Thận học cho Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Ảnh: NVCC"Khi dịch sách, chúng tôi đề ra nguyên tắc diễn giải nội dung trong sách sao cho thuần Việt nhất có thể. Trong quá trình trao đổi với đại diện Nhà xuất bản Elsevier, chúng tôi có góp ý về những nội dung mà đội ngũ không cảm thấy phù hợp khi liên hệ với bối cảnh Việt Nam - yếu tố nguy cơ, thời tiết, khí hậu xa lạ hay chủng vi rút không có ở nước mình. Nếu đội ngũ chỉ dịch sách một cách rập khuôn, máy móc thì sách mất đi giá trị và khó tiếp cận với độc giả. Bên Elsevier đồng ý và chia sẻ rằng họ cần những đóng góp đa dạng về mặt văn hóa, dịch tễ (tình hình bệnh thật) với nhiều quốc gia khác nhau".Với bác sĩ Tiến, hành trình dịch sách là hành trình tự học không ngừng nghỉ, bắt đầu từ việc biên dịch nội dung từ website của các tổ chức y khoa nước ngoài cho trang HelloBacsi. "Trong lúc làm việc, tôi nhận ra nước mình rất thiếu thông tin y khoa thường thức cho bệnh nhân. Việc giỏi tiếng Việt giúp người dịch diễn giải nội dung sao cho thật dễ hiểu đến người đọc, khác với lối dịch của Google. Khi đi làm, tôi dịch nhiều tài liệu mang tính học thuật hơn, diễn giải cho người trong chuyên ngành. Thời gian dịch sách cũng là lúc tôi đang được đào tạo chuyên môn trong bệnh viện. Việc biên dịch giúp tôi có được cách tiếp cận và hình thành khung làm việc bài bản, hệ thống hơn trong thực hành lâm sàng và cả những công việc khác trong chuyên môn" - bác sĩ Tiến nói.Sau thành công của sách Bates bản tiếng Việt, nhóm dịch Helvietmed đã xuất bản thêm Bí mật thận học và cũng nhận được phản hồi tích cực. "Để có dự án dịch tốt và thành công thì người khởi xướng dự án và lựa chọn đầu sách dịch phải dày dạn kinh nghiệm khám chữa bệnh và lâm sàng y khoa. Đồng thời, khi biên dịch sách, nhóm bác sĩ chúng tôi làm một cách tự nguyện, không vì lợi nhuận và hướng đến tủ sách y khoa chất lượng cho sinh viên Việt Nam. Đó là điều mà đơn vị thuần về xuất bản không có chuyên môn y hay người chỉ thuần về chuyên môn không thực hiện được" - bác sĩ Tiến chia sẻ. Từ góc nhìn người tiếp nhận dịch vụ, T.V. - giám đốc y khoa của một hãng dược đa quốc gia - chia sẻ: "Trong y khoa, một phiên dịch viên có thể nhận rất nhiều đề tài và phải đọc rất rộng. Một người nhận quá nhiều show phiên dịch y khoa có thể khó đảm bảo quá trình chuẩn bị và chất lượng. Thử thách nằm ở việc họ có khả năng dịch tình huống lâm sàng và phần hỏi - đáp, vì điều này đòi hỏi sự am tường, diễn giải tinh tế của người dịch. Với trường hợp ca lâm sàng có sẵn trong slide của báo cáo viên và câu hỏi được thu thập trước, khâu chuẩn bị dịch không quá khó khăn. Với những câu hỏi thực hành trong phần thảo luận, trong nhiều trường hợp phiên dịch viên không thể chuyển ngữ được toàn bộ và báo cáo viên nước ngoài không hiểu hết ý nên mất thời gian giải thích, nhắc lại ý". Tags: Bác sĩNgành YPhiên dịchBiên dịchNghề y
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?