Xe đạp với khóa bằng vòng xích ở Amsterdam (Hà Lan) - Ảnh: H.Hoa |
Nhiều nước ở châu Âu vốn được tiếng là yên lành. Vậy mà trên đường phố các nước mà phương tiện di chuyển cá nhân phổ biến là xe đạp như Hà Lan, Bỉ... cảnh thường thấy lại là những chiếc xe đạp được trang bị sẵn một vòng xích để dừng xe là khóa ngay vào gốc cây, hàng rào, trụ điện...
Trong những ngày lang thang tìm hiểu nhiều chuyện ở châu Âu, tôi thấy câu chuyện về những chiếc xe đạp trang bị vòng xích này lại rất đáng suy ngẫm.
Hầu như gia đình nào ở châu Âu cũng trang bị một chiếc xe đạp để di chuyển và họ có thể dựng xe đạp ở nhiều nơi mà không cần khóa xe.
Chẳng là nạn trộm cắp xuất hiện ở đây đã nhiều đến mức làm đau đầu nhà chức trách, đặc biệt là trộm cắp xe đạp - loại tài sản dễ trộm cắp nhất và dễ tiêu thụ ở châu Âu.
Chính quyền nhiều nước châu Âu đã không làm chuyện hạn chế sử dụng xe đạp (vì xe đạp là phương tiện giao thông thân thiện môi trường luôn được khuyến khích) hoặc tăng cường lực lượng cảnh sát để đối phó với tệ nạn này (vì phải tăng chi ngân sách cho lực lượng này, đồng thời phải tăng chi ngân sách cho cả bộ máy hành pháp, tư pháp và cơ sở vật chất đi kèm để xử lý tội phạm).
Chính quyền chặn tệ nạn theo phương pháp: không tạo điều kiện cho kẻ xấu phạm tội.
Họ đã kêu gọi người dân tự giác bảo vệ tài sản của mình ở mức tối đa, đồng thời kêu gọi người dân không mua hàng gian, hàng không rõ nguồn gốc để triệt tiêu đầu ra của bọn phạm tội và luôn có hình phạt rất nặng cho những ai cố tình tiêu thụ đồ gian.
Những người quen ở châu Âu kể rằng từ đó chiếc vòng xích trở thành một vật đính kèm trên nhiều chiếc xe đạp.
Và không chỉ có xe đạp, bất cứ tài sản gì có thể bị kẻ xấu lấy trộm như bàn ghế ngoài trời, thùng rác... đều được khóa xích cẩn thận. Muốn lấy cũng tốn thời gian, công phu và dễ gây chú ý chứ không dễ như trước nên bọn trộm chùn tay.
Thời gian dài không lấy được gì, có lấy được cũng không bán được cho ai nên dần những kẻ trộm cắp buộc phải tìm phương cách sống khác.
Và có thể nói hiện nay chính quyền nhiều nước phát triển ở châu Âu đã thành công trong việc xử lý nạn trộm cắp xe đạp.
Tôi thấy phương cách chống trộm cắp này vừa hiệu quả vừa hết sức nhân văn, đúng phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” của ông bà ta xưa.
Từ câu chuyện này, khi trở về VN tôi đã luôn ý thức bảo vệ tài sản của mình dù giá trị không bao nhiêu để tránh tạo cơ hội cho kẻ trộm cắp.
Tôi cũng kêu gọi bạn bè áp dụng phương châm “không tạo điều kiện cho kẻ xấu có cơ hội phạm tội”. Tôi nghĩ nếu mỗi người dân cùng cẩn thận bảo vệ tài sản của mình sẽ góp phần giảm bớt tình trạng trộm cắp vặt ở nước ta.
Bên cạnh đó, nếu chính quyền có những biện pháp hỗ trợ thêm như đẩy mạnh tuyên truyền cảnh giác cho người dân, ngăn chặn hiệu quả việc mua bán hàng trộm cắp... thì chắc chắn tệ nạn trộm cắp vặt sẽ giảm trong một ngày không xa.
Bạn có đồng tình với lập luận của tác giả bài viết? Theo bạn, còn có những cách nào nữa để làm giảm tệ nạn trộm cắp vặt? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. Chân thành cảm ơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận