22/10/2013 09:27 GMT+7

Khóa huấn luyện đặc biệt

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Những ngày huấn luyện của “đội Hồ Nam” bắt đầu tại căn cứ Khai Phong. Bãi tập rộng mấy chục hecta, nằm trong khu vực toàn doanh trại quân đội. Trong ký ức những “tân binh dù”, trên những bãi cát rộng mênh mông chỉ có củ cải ngọt, củ cải đường trồng thành từng vạt trải dài. Bãi tập không có cây lớn nên không có vật cản, rất thuận tiện cho việc huấn luyện.

R6WmY3ZN.jpgPhóng to
Trang phục của “đội Hồ Nam” tại căn cứ Khai Phong - Ảnh tư liệu của Bùi Xuân Dưỡng

Học nhảy đủ kiểu

Đại tá Dương Tuấn Kiệt (TP Đà Nẵng) nhớ lại: “Giáo viên Trung Quốc có gần chục người, đều dưới 40 tuổi, rất nhiệt tình. Dù đã có phiên dịch nhưng để cho nhanh, giáo viên phải dạy cả... tay, chân, động tác. Chúng tôi được học lý thuyết rồi học gấp dù, học kỹ thuật nhảy. Bài huấn luyện đầu tiên giáo viên yêu cầu chúng tôi tập nhảy từ trên bệ tam cấp ở nhiều độ cao khác nhau, từ 1,5m nâng dần đến 3m. Hai tay phải ôm dù phụ phía trước ngực. Mắt phải nhìn như thế nào, hai chân phải tiếp đất cùng lúc... để không bị gãy chân, trẹo giò. Nhảy không tốt, đất gồ ghề là gãy chân ngay. Có lúc lên độ cao 2,5m rồi nhảy không xuống để quen trong trường hợp gió lớn (6m/giây). Cứ tập nhảy cho thuần thục động tác tiếp đất bằng chân để rèn hai chân rồi chuyển sang nhảy đeo cáp ở đài cao 9m”.

Bài tiếp theo là nhảy từ trên mô hình cửa máy bay ở độ cao 3-4m. Người ta làm mô hình cửa máy bay cho học viên tập cách rời máy bay, cách lái dù cho đúng chiều gió, cách quay trái, phải; tiến về phía trước... Xong giai đoạn này, “đội Hồ Nam” được đeo dù có dây cáp rồi học kỹ thuật nhảy xuống như khi rời máy bay. “Toàn bộ hệ thống tập dưới mặt đất hết, thuần thục mới lên trời. Chỉ riêng phần học mô hình dưới đất đã mất 5-6 tháng” - ông Bùi Xuân Dưỡng (TP Đà Nẵng) cho hay.

Sau khi nhuần nhuyễn các kỹ thuật nhảy từ mô hình dưới mặt đất, “đội Hồ Nam” được học cách mở dù, điều khiển dù rồi được đưa lên tháp dù cao 30-40m huấn luyện tiếp đất. Phía trước đeo dù phụ nặng 8kg, sau lưng đeo dù chính nặng tới 17kg. Dù phụ chỉ dùng trong trường hợp dù chính gặp trục trặc. Khi nhảy ra được ba giây, dù chính phía sau bật thì thả tay, điều khiển dù chính. Một đầu của dù được gắn với chiếc móc câu trên sợi dây cáp lớn. Khi học viên vừa nhảy ra được ba giây, móc câu sẽ giật bung dù rồi thu móc lại. “Nhảy trong chiến đấu là nhảy độ cao thấp (dưới 1.000m), nhảy hàng loạt, nhảy đông, nhảy máy bay lớn nên phải có móc câu kéo sẵn dây dù cho dù bung ra, nhanh chóng tiếp đất” - ông Dưỡng giải thích.

Đã có không ít tình huống rắc rối với những người mới học điều khiển dù. “Tui lần đầu tiên tập động tác chưa chính xác, quên, ngoái cổ lại phía sau, nghiêng đầu khi dây dù bung ra làm trẹo cổ, xước chảy máu tai - ông Dưỡng nhớ lại - Đúng ra mặt phải úp xuống song song với mặt đất. Có anh đang nhảy, gió bất ngờ lớn 6m/giây dù quấn vô chân hoặc mở dù dự bị lại vướng vô dù chính, xử lý kiểu gì cũng không được. Xuống tiếp đất lực quá mạnh, có anh bị què chân phải dưỡng cho lành rồi lại học tiếp. Có khi gió lớn quá, kéo đi không điều khiển được dù”.

Cứ buổi sáng, “đội Hồ Nam” học kỹ thuật nhảy dù từ 6g-11g về ăn cơm; buổi chiều thể thao chạy, đánh bóng chuyền... để tăng cường thể lực. “Chế độ ăn gần như phi công - ông Dưỡng cho hay - Sáng trước khi ăn có sữa đậu nành uống. Bánh bao có nhân và không nhân, ăn thoải mái, ăn đến no thì thôi chứ không chia suất. Cơm thỉnh thoảng mới có. Họ nấu theo kiểu Việt Nam nhưng không ngon bằng mình. Trưa cũng bánh bao và có thêm canh ninh xương heo, thịt gà bồi dưỡng”.

Một ngày, “đội Hồ Nam” được giáo viên huấn luyện đưa đến một dụng cụ đặc biệt trong buổi học: khinh khí cầu! “Nhảy mặt đất thành thạo rồi, giáo viên cho chúng tôi học nhảy trên khinh khí cầu xem có dám nhảy hay không vì đây là bước chuyển tiếp để lên máy bay nhảy - ông Kiệt giải thích - Mỗi quả khinh khí cầu chở bốn người ở bốn góc, bay lên độ cao 400-500m thì giáo viên hô “nhảy” là từng người nhảy xuống. Chỉ riêng khoản này đã mất mấy tháng mới thuần thục. Phải “tốt nghiệp” từng khoa mục nhỏ dưới mặt đất rồi mới được lên máy bay thực hành nhảy dù”.

rrvHdSkI.jpg
Bìa cuốn sổ ghi chép của một sĩ quan dù trong thời gian học ở Trung Quốc - Ảnh: M.L.

Lần đầu rời máy bay

Sau khi nhảy thuần thục ở khinh khí cầu xong, một thử thách nữa của khóa huấn luyện là nhảy từ trên máy bay xuống. Căn cứ đổ bộ đường không của TQ có mấy chiếc máy bay vận tải An-2. Đây là loại máy bay nhỏ hai cánh, tốc độ chậm (dưới 200km/giờ). Họ điều một chiếc tới. “Trong ngày huấn luyện nhảy thật từ máy bay An-2, giáo viên đưa một đội vận động viên nữ mặc quân phục đến nhảy mẫu. Cô dạy trực tiếp tui tên Lý Quế Trâm. Cô Trâm còn trẻ, rất xinh, nhảy dù thiệt giỏi. Bữa đó họ nhảy từ độ cao 1.000m rơi tự do đến 700m mới mở dù” - ông Kiệt vẫn còn nhớ rất rõ về khóa học đặc biệt 54 năm trước.

Máy bay nhỏ, mỗi đợt chỉ chở được 10 người, cứ thay nhau tốp này xuống tốp kia lên. “Nói thiệt, lên trời nhảy xuống ở độ cao 1.000m, ai cũng... tâm tư ghê lắm. Càng lên cao nhìn xuống thấy mọi thứ càng lúc càng nhỏ rồi chẳng thấy gì nữa. Nhưng nghĩ người ta nữ còn nhảy được, sao mình không làm được? Lúc đầu ai cũng run nhưng không thể hiện ra ngoài. Giáo viên hô “chuẩn bị” là răm rắp đứng dậy nhảy theo thứ tự. Nhìn xuống thấy sâu thăm thẳm. Gió ràn rạt hai bên tai. Đứng trước cửa, giáo viên hô “nhảy” là nhảy ào ào. Đi là đại diện cho quân đội Việt Nam, phải làm sao để họ nghĩ bộ đội Việt Nam làm cái gì cũng được chớ. Hồi đó mình thanh niên khỏe, hăng hái, mỗi lần nhảy có mang vũ khí gì mình đều được chỉ định nhảy trước” - ông Dưỡng bật cười.

Người cựu binh dù gật gù bảo: “Mỗi lần nhảy dù là một trận chiến, phải dũng cảm. Run là sẽ bị tai nạn ngay trên không. Phải bình tĩnh để nhớ kỹ thuật rời máy bay: bước chân trái lên thành cửa máy bay, dùng sức đẩy nhẹ người ra. Mà phải nhảy ngang chứ không được cắm đầu xuống. Lao ra khỏi máy bay đếm thầm: 1, 2, 3 là giật dây mở dù. Đầu phải thẳng, song song với mặt đất, nếu nghiêng đầu qua bên nào thì bị hệ thống dây bên đó kéo sước tai, má, cằm. Có người mất bình tĩnh, cứ nhắm mắt rơi nhưng máy có chế độ tự động mở dù sau ba giây. Lúc đầu có anh cứ nhắm mắt nhảy, chỉ tin vào thầy, vào máy móc, vào dù. Đến lần thứ ba thì thấy bình thường. Lúc đầu tập nhảy dù không, sau mới có trang bị vũ khí để chiến đấu. Nhảy trong điều kiện bí mật nên tất cả thao tác phải gọn lẹ, nhanh chóng. Tiếp đất, gấp dù, giấu dù như thế nào, ở đâu và gấp rút triển khai đội hình tác chiến”.

“Giáo viên người Trung Quốc khen: Bộ đội Việt Nam dũng cảm lắm - cựu binh dù 305 Dương Tuấn Kiệt mỉm cười bảo - sư đoàn trưởng và chính ủy Sư đoàn Dù 2721 khen: Ít có đội nào dũng cảm như vậy. Ở họ, mới lên đài cao 15-20m tập nhảy xuống có dây cột mà cả một đại đội Trung Quốc có hàng chục người không dám nhảy. Vậy mà lên máy bay, bộ đội Việt Nam 100% đều nhảy và nhảy tốt!”. “Lúc đó học ngang nhau hết - ông Dưỡng cho biết - Ông mô từ cán bộ đến chiến sĩ đều học rất chăm. Mỗi người đều có một cuốn sổ tay ghi chép. Không hiểu là hỏi ngay. Học cả tuần, có mỗi chủ nhật được nghỉ vẫn xin thầy cho thực hành thêm. Đoàn tự tổ chức học ráo riết. Ở nhà dặn phải tập trung học, nắm cho được kỹ thuật trong thời gian 7-8 tháng”.

Khi mới bắt đầu học nâng cao: rơi tự do trong 10 giây rồi đến 15 giây thì ngày 12-10-1959, “đội Hồ Nam” được lệnh về nước. “Khi về ban huấn luyện tổ chức liên hoan rất ấm cúng, còn tặng cả dù và vũ khí. Giáo viên mừng lắm, bảo bộ đội Việt Nam học nhanh” - ông Dưỡng không giấu được niềm tự hào về thế hệ dù đầu tiên của Việt Nam.

Đến ngày 15-8-1960, đoàn qua lại Khai Phong học nâng cao tiếp. Nhưng ông Dưỡng nhớ lại: “Chúng tôi học gần kết thúc khóa học thì nhận được lệnh phải trở về nước gấp làm nhiệm vụ”. Đó là ngày 5-2-1961.

Kỳ tới: Nhiệm vụ đầu tiên

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên