Bà Geraldine Richmond trao đổi với một khách tham dự buổi nói chuyện ở Trung tâm Hoa Kỳ (quận 1) chiều 4-12 - Ảnh: Bình Minh |
Tại buổi nói chuyện, bà Geraldine Richmond cho rằng một trong những vấn đề mà các nước đang phát triển gặp phải, trong đó có Việt Nam là thời gian dành cho việc dạy lý thuyết quá nhiều, trong khi công tác nghiên cứu chưa được chú trọng.
"Khoa học sẽ rất chán nếu chỉ ngồi nghe giảng giải, trong khi người học, đặc biệt là giới trẻ, sẽ cảm thấy hứng thú hơn nhiều nếu họ có cơ hội thử nghiệm, tự bắt tay vào làm", bà Geraldine Richmond nói.
Bà Richmond kể lại kinh nghiệm của bản thân khi quyết định xin nghỉ tại một ngôi trường nhỏ ở Pennsylvania sau 5 năm làm việc vì phải dạy học quá nhiều và không có thời gian dành cho nghiên cứu.
Đặc sứ Khoa học Hoa Kỳ cũng khuyên các bậc phụ huynh luôn khuyến khích con cái đặt những câu hỏi tại sao ngay từ khi còn nhỏ để “giữ lửa đam mê”, ban đầu là về những thứ thông thường trong cuộc sống, rồi sau đó là những thứ liên quan đến khoa học.
Hãy dẫn con cái bạn đến những hội chợ triển lãm về khoa học, tạo cho bọn trẻ cơ hội được làm những thí nghiệm nho nhỏ, từ đó chúng sẽ bắt đầu yêu khoa học. |
Geraldine Richmond |
“Trong thời đại hiện nay, một nhà khoa học vẫn có thể khởi nghiệp và có thu nhập ổn định. Bill Gates là một ví dụ điển hình. Hãy vững tin với ước mơ của mình. Bạn luôn có nhiều cơ hội chứ không chỉ ngồi chết dí ở phòng thí nghiệm”, bà nói thêm.
Theo bà, thí nghiệm khoa học luôn có nhiều khó khăn, tuy nhiên, ngay cả khi chỉ có 10% thành công, thì người trẻ vẫn nên tiếp tục cố gắng và tự tin, bởi họ có thể học hỏi được nhiều sau những thất bại.
Giáo sư Geraldine Richmond nhận bằng cử nhân hóa học của Đại học Kansas State năm 1975 và bằng Tiến sĩ chuyên ngành Lý Hóa tại Đại học California, Berkeley năm 1980. Bà rất thành công trong việc nghiên cứu thí nghiệm và lý thuyết nhằm tìm hiểu đặc tính cấu trúc và hóa học của lớp vỏ phức hợp liên quan đến những vấn đề quan trọng trong sản xuất năng lượng, bảo vệ môi trường, hóa học khí quyển, bề mặt phân tử sinh học. Bà là thành viên của Viện Hàn lâm Hóa học Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ. Giáo sư Richmond cũng có vai trò quan trọng trong việc thiết lập các chương trình nghị sự khoa học quốc gia thông qua việc tham gia vào nhiều ủy ban khoa học và ban cố vấn. Trong thời gian vừa qua, bà đã đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam để làm việc với nhiều ban ngành và các trường đại học khác nhau để tìm hiểu, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học cũng như khuyến khích giới trẻ yêu và đam mê khoa học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận