23/07/2024 12:29 GMT+7

Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 6: Thám tử tâm linh hỗ trợ điều tra phá án

Lực lượng cảnh sát Mỹ đã từng nhờ những người được cho là có khả năng ngoại cảm để hỗ trợ điều tra. Họ được gọi là thám tử điều tra tâm linh.

Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 6: Thám tử tâm linh hỗ trợ điều tra phá án- Ảnh 1.

Nhiều người tin khả năng ngoại cảm, nhưng họ cũng thường thất bại trước thử thách

Một trong số đó là bà Nancy Myer ở Latrobe (bang Pennsylvania). Bà cho biết đã hợp tác với cảnh sát cung cấp thông tin trong hơn 300 vụ điều tra.

Trong nhiều trường hợp, khả năng của bà Myer không giải quyết được vụ án nhưng cung cấp thêm thông tin, nhờ đó các điều tra viên có cơ hội giải quyết vụ án.

IRVIN B. SMITH (đại tá cảnh sát nghỉ hưu ở bang Delaware)

Vụ án bé gái 12 tuổi bị sát hại

Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 6: Thám tử tâm linh hỗ trợ điều tra phá án- Ảnh 2.

Bà Nancy Myer, tác giả sách Đồng hành cùng cha tôi: Cuộc sống, cái chết và thám tử tâm linh - Ảnh: nancymyer-psychicdetective.com

Khoảng 3h chiều 19-2-1993 ở quận Hernando (bang Florida), bé gái Jennifer Odom (12 tuổi) xuống xe buýt trường học cách nhà 200m rồi mất tích trên đường đi bộ về nhà.

Hàng trăm người tỏa ra lùng sục. Sáu ngày sau, họ tìm thấy thi thể nạn nhân bị sát hại dã man trong rừng. Cảnh sát truy tìm nhưng hung thủ bặt vô âm tín.

16 tháng sau, nhà ngoại cảm Nancy Myer - một trong những thám tử tâm linh hàng đầu thế giới - đã được cơ quan cảnh sát mời đến hỗ trợ điều tra.

Theo chương trình truyền hình Unsolved Mysteries, do ảnh chụp hiện trường là hồ sơ mật nên bà Myer chỉ được xem ảnh để úp trên bàn, sau đó bà được đưa đến hiện trường tìm thấy thi thể nạn nhân. Bà khẳng định đây là hiện trường giả vì nạn nhân bị sát hại ở chỗ khác.

Bà mô tả chính xác một số vật dụng cá nhân của nạn nhân và đề nghị nên tìm kiếm các đồ trang sức nhỏ bằng kim loại gần đó. Bà nói đã nhìn thấy một hộp đồ có chữ bên trên. Sau đó, Sở Cảnh sát cho biết nạn nhân có cầm theo hộp kèn clarinet của người anh họ và trên hộp có chữ "LO" (tên viết tắt của người anh họ).

Tại hiện trường điểm dừng xe buýt, bà chỉ chỗ một hoặc nhiều hung thủ giả vờ hỏi đường và bắt cóc nạn nhân. Bà giải thích: "Giống như có bộ phim trong đầu tôi. Tôi như đứng cạnh nạn nhân và cố mô tả những gì tôi thấy. Thông thường điều đó rất có ích cho cảnh sát vì đôi khi họ thu thập nhiều chứng cứ lạ tại hiện trường nhưng họ lại cho rằng vô nghĩa".

Cuối cùng bà Myer tin rằng nạn nhân đã bị hai người đàn ông sát hại. Bà mô tả một người cao 1,86m, vóc dáng trung bình, cánh tay trông mạnh khỏe như tay của người lao động thường nâng vật nặng. Hai người này làm thợ cơ khí chung với nhau và một người bị ho nhiều do nghiện thuốc lá.

Hai năm sau, đồ trang sức, ba lô của nạn nhân và hộp đựng kèn clarinet được tìm thấy gần hiện trường. FBI lấy dấu vân tay trên hộp kèn để đối chiếu nhưng không khớp với cơ sở dữ liệu.

Theo báo Tampa Free Press ở Florida, 24 năm sau, vào năm 2017 Jeffrey Norman Crum bị bắt trong một vụ bắt cóc và hiếp dâm khác, từ đó xác định hắn là hung thủ trong vụ án bé Jennifer Odom. Tháng 7-2023, Crum (61 tuổi) đã bị truy tố về các tội bắt cóc, tấn công tình dục và giết người. Lúc này hắn đang thụ án hai án tù chung thân về tội giết người và tấn công tình dục trong các vụ án khác.

Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 6: Thám tử tâm linh hỗ trợ điều tra phá án- Ảnh 4.

Jeffrey Norman Crum bị bắt năm 1995 vì say rượu lái xe (trái). Bản phác thảo kẻ hiếp dâm của cảnh sát (giữa) và ảnh Crum bị bắt - Ảnh: Cảnh sát quận Hillsborough

Vì sao cảnh sát Mỹ sử dụng thám tử tâm linh?

Năm 1999, nhiều bài báo ở Mỹ đã nói đến việc cảnh sát sử dụng các nhà ngoại cảm trong công tác điều tra phá án. Rõ ràng đây là vấn đề lớn không thể bỏ qua nên CIA phải vào cuộc.

Vào tháng 8-2000, CIA công bố báo cáo có tựa đề "Sử dụng tâm linh trong thực thi pháp luật". Báo cáo nhấn mạnh mặc dù các nhà ngoại cảm "được các cơ quan thực thi pháp luật liên bang, tiểu bang và địa phương tham vấn nhưng họ không được sử dụng phổ biến trong công tác điều tra".

Báo cáo nêu trên vô hình trung đã trở thành hướng dẫn thực tế về cách thực thi pháp luật trong khi làm việc với nhà ngoại cảm. Ví dụ báo cáo gợi ý cảnh sát chỉ nên liên hệ với nhà ngoại cảm khi đã khai thác hết mọi đầu mối, điều quan trọng nhất là phải tìm nhà ngoại cảm đáng tin cậy, phải chắc chắn nhà ngoại cảm làm việc vì lý do chính đáng chứ không vì lợi ích cá nhân.

Trên thực tế, các cuộc điều tra chính thức hiếm khi sử dụng thám tử tâm linh. Nhiều sở cảnh sát ở Mỹ cấm sử dụng nhà ngoại cảm. Một số cơ quan cảnh sát khác chỉ cho phép một khi gia đình nạn nhân có yêu cầu. Đôi lúc các điều tra viên nhờ vả thám tử tâm linh khi thẩm vấn để "nắn gân" nghi phạm là người mê tín.

Thật ra các nhà khoa học đã nhiều lần kiểm tra khả năng cung cấp thông tin hữu ích của thám tử tâm linh trong điều tra tội phạm nhưng kết quả không như mong muốn. Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu tâm linh (Anh) năm 1996 đã đăng bài viết của hai nhà nghiên cứu Anh Richard Wiseman (Đại học Hertfordshire) và Donald West (Đại học Cambridge) với tựa đề "Một thực nghiệm về phát hiện tâm linh".

Trong thực nghiệm, nhóm nghiên cứu cho các nhà ngoại cảm tranh tài với các sinh viên ngành tâm lý học. Nhóm nghiên cứu đưa cho mỗi người một đồ vật liên quan đến vụ án đã giải quyết như khăn choàng, giày và yêu cầu nêu suy nghĩ, đồng thời cho xem danh sách các câu về vụ án, trong đó chỉ một số câu đúng sự thật. Rốt cuộc các nhà ngoại cảm dự đoán không giỏi hơn các sinh viên và không nhóm nào dự đoán khá hơn kết quả ngẫu nhiên. Hàng chục thử nghiệm khác vẫn cho ra kết quả tương tự.

Tuy các nhà ngoại cảm không giỏi dự đoán nhưng rất hay tự đề cao bản thân. Vào cuối cuộc thực nghiệm ở Anh nêu trên, họ tự cho điểm rất cao trong khi sinh viên chấp nhận mình đoán không tốt.

Hầu hết các nghiên cứu khác cùng đưa ra một kết luận: Các nhà ngoại cảm thường nêu rất nhiều dự đoán so với các nhóm đối chứng.

Đây không phải chuyện ngẫu nhiên, vì càng nhiều dự đoán thì xác suất đoán đúng càng cao. Song khi tính tổng thể, xác suất dự đoán đúng của họ không hơn ai. Ngoài ra, sau khi đáp án được công bố, họ thường không nhắc đến các dự đoán sai mà chỉ nhấn mạnh đến các dự đoán đúng.

Nói chung, công chúng ở Mỹ chỉ trích chuyện sử dụng thám tử tâm linh trong điều tra phá án vì phán đoán của họ không được sử dụng làm bằng chứng trước tòa.

Một số ít điều tra viên thực sự tin tưởng vào khả năng của thám tử tâm linh hoặc một khả năng đặc biệt nào đó của họ. Các nhà phân tích tâm lý tội phạm cũng có xu hướng tin nhà ngoại cảm, có lẽ vì họ cho rằng nghề của họ bao hàm nhiều yếu tố bí ẩn. Nhà ngoại cảm Noreen Renier nổi danh như cồn một phần nhờ cựu chuyên gia phân tích Robert Ressler của FBI. Ông tin bà Renier vì bà đã dự đoán đúng Tổng thống Ronald Reagan bị bắn vào năm 1981. Ông đã cử bà đến nhiều cơ quan thực thi pháp luật và sắp xếp để bà thuyết trình tại trụ sở FBI.

****************

Ngày 4-11-1979, các sinh viên Iran đã chiếm đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt giữ hàng chục nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin. Tình báo Mỹ đã lập một đội ngoại cảm sử dụng khả năng thấu thị để quan sát tình hình từ xa.

Kỳ tới: Tình báo Mỹ nghiên cứu giác quan thứ sáu

Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 1: Những vụ cháy bí ẩn ở làng CannetoKhoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 1: Những vụ cháy bí ẩn ở làng Canneto

Trong những thập niên qua, giới khoa học đã quan tâm nghiên cứu các hiện tượng dị thường (khả năng ngoại cảm, thần giao cách cảm...) để có thể giải thích dưới góc độ khoa học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên