Phóng to |
Ông Nguyễn Quân - Ảnh: K.H. |
* Thưa ông, việc ban hành danh mục các lĩnh vực mà tư nhân được thành lập tổ chức KH&CN sẽ tác động ra sao đến hoạt động khoa học trong thời gian tới?
- Trong 7-8 năm qua, kể từ khi có Luật KH&CN, đến nay cả nước có trên 150 tổ chức KH&CN do cá nhân hoặc một nhóm cá nhân thành lập. Nói chung, các tổ chức này hoạt động rất tốt, có đóng góp cho khoa học và tập hợp được nhiều nhà khoa học có năng lực, trình độ không thuộc biên chế của Nhà nước.
Danh mục các lĩnh vực tư nhân được thành lập tổ chức KH&CN gồm bảy lĩnh vực lớn: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y, dược và sức khỏe, khoa học nông nghiệp, dịch vụ KH&CN. Căn cứ cơ sở danh mục này, các nhà khoa học đăng ký thành lập các tổ chức KH&CN và các cơ quan nhà nước cấp đăng ký hoạt động cho tổ chức KH&CN.
Điều này nhằm tránh những vướng mắc không cần thiết cho cả tổ chức KH&CN lẫn cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động KH&CN. Việc ban hành danh mục các lĩnh vực tư nhân được thành lập tổ chức KH&CN sẽ tạo điều kiện cho các sở KH&CN địa phương cấp đăng ký chuẩn mực hơn, tránh được những vi phạm không cần thiết, tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN tư nhân hoạt động tốt hơn, giúp hoạt động khoa học minh bạch hơn.
* Với những tổ chức KH&CN do cá nhân thành lập trước đây đăng ký hoạt động không đúng bảy lĩnh vực được phép (nhưng đã được cấp giấy đăng ký) thì tới đây phải xử lý thế nào?
- Thủ tướng đã yêu cầu rà soát, nếu giấy chứng nhận nào phù hợp thì vẫn được hoạt động bình thường, còn nếu không đúng với quy định mới thì phải làm lại hồ sơ cấp giấy chứng nhận mới. Tổ chức nào vi phạm pháp luật trong thời gian qua chưa có điều kiện xử lý, ví dụ kinh doanh trốn thuế, hoạt động trái với quy định của pháp luật thì cũng nhân đợt rà soát này có thể thu hồi, chấm dứt hoạt động. Những tổ chức lập ra mà không hoạt động (tối đa 12 tháng) cũng sẽ phải chấm dứt hoạt động.
* Cùng với việc ban hành danh mục lĩnh vực tư nhân được thành lập tổ chức KH&CN, theo ông, làm thế nào để các tổ chức KH&CN tư nhân hoạt động có hiệu quả và cạnh tranh lành mạnh với các tổ chức KH&CN của Nhà nước?
- Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền bình đẳng trong hoạt động khoa học. Xưa nay chúng ta vẫn nghĩ tổ chức của Nhà nước thì được ưu đãi hơn bởi thực tế đầu tư của Nhà nước chỉ dành cho khu vực nhà nước, còn tổ chức tư nhân thì tự đầu tư, nhưng cơ hội để tiếp cận các đề tài, chương trình nghiên cứu của Nhà nước là như nhau. Từ năm 2000 chúng ta đã thực hiện tuyển chọn đề tài nghiên cứu (theo cơ chế đấu thầu). Khi có danh mục các vấn đề cần nghiên cứu, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền nộp hồ sơ và các hội đồng sẽ tuyển chọn công khai.
* Nhưng thực tế các tổ chức KH&CN tư nhân rất khó giành được các hợp đồng nghiên cứu lớn do Nhà nước đặt hàng?
- Chúng ta đã thực hiện cơ chế đấu thầu để chọn tổ chức KH&CN thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Nhà nước. Vấn đề là tiềm lực của các tổ chức KH&CN vì hội đồng tuyển chọn sẽ căn cứ vào hồ sơ, kinh nghiệm nghiên cứu, đội ngũ cán bộ, trình độ, cơ sở vật chất, trang thiết bị... để quyết định. Nếu các tổ chức của tư nhân được hội đồng tuyển chọn tin tưởng thì họ hoàn toàn đủ khả năng giành được các hợp đồng nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.
* Thưa ông, việc ban hành bảy lĩnh vực tư nhân được thành lập tổ chức KH&CN đồng nghĩa với việc những nội dung nghiên cứu nằm trong bảy lĩnh vực này không còn bị coi là nhạy cảm? - Danh mục này đã loại trừ những vấn đề được coi là nhạy cảm. Các tổ chức KH&CN do tư nhân thành lập được nghiên cứu những nội dung nằm trong bảy lĩnh vực đã quy định. Sở dĩ Luật KH&CN phải quy định hạn chế lĩnh vực hoạt động đối với tổ chức KH&CN do tư nhân thành lập bởi các tổ chức này hoạt động tương đối độc lập, không có cơ quan chủ quản, mức độ tự do trong hoạt động cao hơn các loại hình tổ chức KH&CN khác. |
- Dù là tổ chức của Nhà nước hay của tư nhân thì Nhà nước không hạn chế nghiên cứu, nhưng việc công bố kết quả nghiên cứu phải theo quy định của pháp luật. Kết quả nghiên cứu khoa học phải được hội đồng nghiệm thu đánh giá, sau đó nộp kết quả, công bố kết quả trên các tạp chí. Hiện nay việc công bố kết quả nghiên cứu của ta nhiều khi hơi tùy tiện nên có nhiều vấn đề gây bất ổn xã hội.
Các nhà khoa học có thể có quan điểm cá nhân khác với quan điểm của Nhà nước và nếu thật sự nghiên cứu nghiêm túc thì kết quả nghiên cứu đó có thể được các cơ quan của Đảng, Nhà nước tiếp thu, sử dụng.
* Sở dĩ có những trường hợp công bố kết quả nghiên cứu một cách “tùy tiện” là do những kết quả này chưa được các cơ quan chức năng xem xét một cách nghiêm túc?
- Tất nhiên, các cơ quan nhà nước đôi khi có sự quan liêu, nhận được ý kiến đóng góp của các nhà khoa học nhưng không tiếp thu, không nghiên cứu một cách nghiêm túc nên người ta có những bức xúc nhất định.
* Ông có cho rằng với sự ra đời của nhiều tổ chức KH&CN tư nhân thì cũng cần phải xem xét các tổ chức KH&CN yếu kém của một số bộ ngành vốn hoạt động không hiệu quả?
- Nhà nước tôn trọng quyền tự do của các tổ chức, cá nhân khi lập ra các tổ chức nghiên cứu khoa học và Nhà nước khuyến khích phát triển số lượng càng nhiều càng tốt. Sự cạnh tranh giữa các tổ chức này sẽ tạo động lực phát triển cho KH&CN. Vì thế tôi cho rằng chúng ta không nên hạn chế mà cần khuyến khích phát triển số lượng các tổ chức KH&CN của cả Nhà nước và tư nhân. Vấn đề là làm sao để các tổ chức đó hoạt động đúng pháp luật, đúng hướng, đúng tôn chỉ mục đích.
* Theo ông, để sự ra đời và hoạt động của các tổ chức KH&CN tư nhân có hiệu quả, không mang tính hình thức thì cần nhất điều gì?
- Mỗi tổ chức KH&CN tư nhân phải tự vận động, tự tìm con đường đi để phát triển chứ không nên trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Nhà nước tạo ra cơ chế bình đẳng trong thành lập các tổ chức KH&CN và khuyến khích tất cả các hoạt động đem lại lợi ích cho xã hội. Vấn đề là các tổ chức KH&CN tư nhân phải có nỗ lực đột phá và tập hợp được các nhà khoa học trình độ cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận