15/07/2014 10:02 GMT+7

Khổ vì khai báo lưu trú

GIA MINH
GIA MINH

TT - Công dân, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam, khi lưu trú tại một địa điểm có nghĩa vụ đăng ký lưu trú tại công an sở tại. Quy định là vậy, nhưng thực hiện lại không dễ.

NjVgityB.jpgPhóng to
Anh Sơn kể lại chuyện đăng ký lưu trú trong sự bức xúc - Ảnh: Minh Hòa

Trong tâm trạng hết sức bức xúc, anh Nguyễn Linh Sơn (27 tuổi, diễn viên) tới báo Tuổi Trẻ trình bày việc bị cấm cho bạn bè là người nước ngoài tới nhà trọ của anh tại đường Hồ Biểu Chánh (P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lưu trú với lý do: người nước ngoài không được ở trong khu dân cư nếu không phải thân nhân hoặc cơ sở lưu trú không đáp ứng đủ các điều kiện về giấy phép kinh doanh, phòng chống cháy nổ...

Cảnh sát khu vực từ chối

“Tôi tham gia một trang web dành cho những người yêu thích du lịch, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ nơi ở của mình cho bạn bè từ nước khác tới, hướng dẫn, giới thiệu cho bạn bè về văn hóa, lối sống của quê hương mình. Vậy nhưng bạn tôi tới nhà thì anh cảnh sát khu vực nhất quyết không cho lưu trú lại và buộc phải ra khách sạn, nhà nghỉ ở nếu không sẽ xử phạt chủ nhà” - anh Sơn kể.

Theo lời Linh Sơn, anh từ Hà Nội vào TP.HCM thuê một căn hộ nhỏ khoảng 60m2, sống cạnh gia đình chủ cho thuê để sống và theo nghiệp diễn viên từ đầu năm 2013. Trong năm này, Sơn mời hai người bạn tới từ châu Âu về nhà ở hai ngày, khi nhóm bạn của anh đang có mặt ở nhà thì bác tổ trưởng tổ dân phố nhắc phải tới khai báo lưu trú cho bạn tại công an phường.

“Lần đầu tiên tôi tới công an phường, mang theo hộ chiếu của hai người bạn thì được cán bộ công an ở đây tiếp nhận, vào sổ bình thường. Tiếp theo đó, có hai bạn là vợ chồng từ Nga tới, tôi mời hai bạn về nhà ở nhưng khi mang hộ chiếu của hai bạn này tới công an phường khai báo lưu trú thì bị cảnh sát khu vực quản lý khu vực nơi tôi thuê trọ từ chối, yêu cầu tôi phải đưa bạn ra khách sạn ở, không được phép để bạn ở nhà. Tôi rất bức xúc, vì sao trước đó bạn tôi ở được, các anh cho đăng ký mà giờ tôi mời bạn khác về các anh lại cấm? Trả lời câu hỏi này, anh cảnh sát khu vực nói: Do cán bộ trước đó không biết nên cho đăng ký, theo quy định thì không được cho người nước ngoài ở trong nhà nếu không phải thân nhân nên không được đăng ký lưu trú” - anh Sơn kể.

Sau khi bị từ chối đăng ký lưu trú cho bạn là người nước ngoài, anh Sơn trực tiếp tới Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM để hỏi về trường hợp của mình thì được các cán bộ tại đây hướng dẫn là theo luật, anh có thể để bạn tới nhà ở. Vì vậy đầu tháng 4-2014, anh Sơn tiếp tục mời hai vợ chồng người bạn từ Pháp tới nhà ở. “Tôi mang hộ chiếu của hai người bạn tới gặp anh cảnh sát khu vực đề nghị anh này cho đăng ký lưu trú, anh cảnh sát khu vực kiên quyết không cho. Tôi hỏi anh quy định nào cấm tôi cho bạn là người nước ngoài tới nhà ở chơi, anh này nói: “Không có nghĩa vụ giải thích”. Tôi đề nghị: “Nếu anh nói tôi sai, vậy đề nghị anh lập biên bản việc tôi cho người nước ngoài ở trong nhà luôn, tôi không thể đuổi bạn tôi ra khỏi nhà lúc này được”, anh cảnh sát khu vực trả lời: “Tôi sẽ làm việc với chủ nhà” và không nói chuyện với tôi nữa.

Ngay sau đó, bác chủ nhà trọ gọi tôi mắng vì sao tôi kinh doanh trái phép trong nhà thuê, để công an rầy bác như vậy? Theo lời bác, nếu tôi để bạn là người nước ngoài ở trong nhà, bác sẽ bị phạt 7,5 triệu đồng và người thuê sẽ bị phạt 2,5 triệu đồng. Bác chủ nhà rất tức giận và thông báo tôi phải ký hợp đồng thuê nhà mới với nội dung không được cho người nước ngoài tới nhà ở. “Nếu có quy định cấm người nước ngoài ở trong nhà dân, họ có thể lập biên bản vi phạm, sau đó ra quyết định phạt, tôi sẵn sàng chấp nhận và thông báo trước điều này cho anh cảnh sát khu vực. Tại sao họ làm việc như vậy, dựa trên cơ sở nào để họ cho rằng tôi kinh doanh trái phép, gây áp lực với chủ cho thuê nhà để đuổi bạn tôi ra khỏi nhà trong đêm tối?” - anh Sơn bức xúc nói.

Ông nói gà, bà nói vịt

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Phan Hưng Yên - phó trưởng Công an Q.Phú Nhuận - cho biết do công an phường báo cáo là qua xác minh, xác định anh Sơn có dấu hiệu kinh doanh trái phép nên công an phường từ chối cho đăng ký lưu trú, còn nếu là bạn bè tới ở một hai bữa thì không vấn đề gì.

Tuy nhiên, sau đó ông Chu Quang Sính, trưởng Công an phường 11, khẳng định: “Chúng tôi có báo cáo, xin ý kiến đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận về trường hợp này và được hướng dẫn là không cho phép người nước ngoài lưu trú trong khu dân cư chứ chúng tôi không hề báo cáo anh Sơn kinh doanh trái phép. Cấp trên trả lời anh thế nào là quyền của cấp trên, tôi không biết” - ông Sính nói.

Tiếp sau đó, đại úy Nguyễn Thị Nê, đội phó đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Q.Phú Nhuận, lại cho biết: “Theo tôi biết thì anh này lách luật, không muốn khai báo kinh doanh lưu trú cho người nước ngoài để trốn thuế nên có thể phường không cho đăng ký, nhưng do cách nói không khéo”. Theo bà Nê, vào ngày anh Sơn tới công an phường đăng ký lưu trú cho người nước ngoài, bà Nê cũng đang có mặt làm việc tại phường, hỏi thì cán bộ ở phường nói anh này thuê nhà rồi cho người nước ngoài thuê lại, thấy vậy nên họ sợ. “Nếu không thì làm gì có chuyện hết người này tới người kia tới ở, vậy là vô lý” - bà Nê lý giải.

Người nước ngoài được ở trong nhà dân

Thượng tá Cao Văn Đen, phó trưởng Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, khẳng định: trường hợp anh Sơn thuê nhà, sau đó mời bạn tới nhà ở thì anh Sơn là chủ thể. Nhà anh Sơn đã thuê là của anh Sơn nên việc anh này mời ai tới nhà là quyền riêng, không thể lập lờ nói nhà đó là nhà thuê nên việc bạn của người thuê nhà tới ở là thuê phòng, là kinh doanh trái phép được. “Nếu công an phường chứng minh được anh Sơn có thu tiền của người nước ngoài tới ở nhà mình dưới bất kỳ hình thức nào thì có thể lập biên bản, xử phạt, không thể cấm bằng cách không cho đăng ký lưu trú” - thượng tá Đen nói.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên