Anh Nguyễn văn H, 57 tuổi làm nghề giữ xe gắn máy cho một cơ quan. Vốn tính cẩn thận, anh ăn cơm do vợ nấu và luôn giữ sạch sẽ. Vậy mà một ngày xấu trời anh thấy ớn lạnh, đau mỏi toàn thân. Bà vợ vội cạo gió cho chồng giống như mỗi khi anh bị cảm lạnh nhưng không hết. Vùng bụng của anh xuất hiện một mảng da sung huyết đỏ, đau rát, tiếp đến là những mụn nước mọc lên với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau. Từ một vết nhỏ như đồng xu nó lan nhanh ra các hướng thành mảng lớn vòng ra sau lưng. Sợ nhất là đau. Cái đau rát buốt như bị bỏng lửa, người sốt nhẹ và không sao ngủ được. Vào bệnh viện, có bác sĩ gọi "giời leo", có bác chẩn đoán “bệnh Zona”, phải chăng là một bên tiếng Tây, một bên tiếng Ta ? Sự thật như thế nào ?
Zona không phải là giời leo
Theo các nhà da liễu, bệnh Zona là do virus Varicella Zoster. Hồi bé nó gây bệnh thủy đậu, tưởng là “một đi không trở lại”, ai ngờ siêu vi không biến mất mà ở ẩn trong cơ thể chúng ta. Khi chúng ta mệt mỏi hoặc bị bệnh, sức đề kháng giảm hoặc tuổi cao sức yếu thì siêu vi bắt đầu “tái xuất giang hồ” bằng một dải đỏ, trên có mụn nước và gặm nhấm các đầu thần kinh dưới da làm bạn đau, rát kinh khủng, đau đến mức “không thể chịu được”. Vì thế Zona hay gặp ở người từ 50 đến 90 tuổi. Nếu tính suốt cuộc đời thì bệnh Zona có thể chiếm tới 20% dân số.
Còn “giời leo” thực chất là bệnh viêm da tiếp xúc do một lọai côn trùng gây ra. Bệnh xuất hiện vào mùa hè ở ngòai Bắc, ở nông thôn là mùa gặt, hoặc mùa mưa ở trong Nam. Côn trùng theo bụi rơm rạ bám vào quần áo, vào da, nếu được tắm rửa sạch sẽ thì ít khi gây bệnh. Ban đêm côn trùng bám vào màn, nhìn kỹ thấy chúng phát ra ánh sáng xanh. Chúng chuyển động nhanh, leo vào cơ thể và chạy đi cũng nhanh. Có lẽ vì thế mà bà con mình gọi là “giời leo”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn văn Hiển thì “giời leo có thể do một lọai kiến có khoang, tên khoa học là Paederus. Trong người nó có chất Pederin tương tự phospho nên phát sáng ban đêm và dính vào da thì gây bỏng. Khi côn trùng bám vào da lập tức vùng da đỏ lên, ngứa, mụn nước xuất hiện và đau rát y như bệnh Zona. Bệnh “giời leo” xuất hiện ở bất kỳ nơi nào mà côn trùng dính vào từ mắt, mặt, cổ đến toàn thân, tổn thương các mảng lẻ tẻ, có khi tạo thành một “dề” giống như vết cào xướt.
Còn Zona là một dải dính liền, phát ở ngực, bụng, lan tới kinh Nhâm ( đường chia dọc thân phía trước làm hai phần kéo tới lõm ngực) rồi vòng ra sau lan đến kinh Đốc (dọc cột sống đến giữa lưng) mới dừng lại. Y học hiện đại cho rằng virus “ăn” theo đường đi của dây thần kinh. Bệnh Zona hòanh hành dữ dội và sẽ kết thúc sau 3 tuần. Nếu không bị bội nhiễm các lọai tạp khuẩn khác thì da ở vùng đó sẽ được “đánh dấu” bởi vết thâm có khi hàng năm sau mới hòa màu với vùng lân cận..
Vì tổn thương na ná như nhau nên trong ngành y cũng nhiều bác sĩ chẩn đoán hai bệnh này là một. Tuy nhiên “giời leo” vào rồi sẽ “leo ra”nhờ thuốc chống dị ứng nên dễ chữa thường không để lại dấu vết, còn Zona không điều trị kịp thời trong 48 giờ đầu, nếu xảy ra trên bệnh nhân già yếu sẽ dẫn đến biến chứng khôn lường. Siêu vi có thể “ăn” vào dây thần kinh thị giác gây mù , “ăn” vào dây thần kinh số 7 gây liệt mặt, méo miệng, chúng “ăn” vào dây thần kinh số 8 gây điếc. Các biến chứng trên da có thể là vết loét để lại hình ảnh sẹo dúm hoặc sẹo lồi.
Chữa mẹo coi chừng nhiễm trùng
Dù là “giời leo” hay “Zona” gây ra thì bạn không nên gãi vì sẽ gây thêm trầy xướt. Phụ nữ để móng tay dài thì móng là một ổ vi khuẩn mà động tác gãi sẽ giúp chúng chui vào “bãi chiến trường”, không phải để “dọn dẹp” mà để sinh sôi nảy nở, làm nơi đây biến thành một ổ lóet. Bị “giời leo’ nên sử dụng thuốc chống dị ứng đường uống, bôi trên da bằng những thứ làm dịu như dung dịch Jarish, dung dịch sát trùng như xanh methylen. Nếu “giời” lại bị bội nhiễm thì buộc phải dùng kháng sinh.
Với Zona bà con hay nhai đậu xanh hay gạo nếp đắp lên vùng tổn thương vì tưởng lầm “giời” cần “ăn” những món đó, no thì sẽ không “ăn” da nữa, nhưng thực ra bài thuốc này chẳng có tác dụng gì mà không khéo còn bị nhiễm trùng nếu không sạch sẽ. Zona cũng có thể bôi xanh methylen, dung dịch Jarish làm mát tổn thương, làm giảm cảm giác rát bỏng. Khi tổn thương khô hãy bôi kem kháng virus như acyclovir ngày 5 lần và buộc phải chống bội nhiễm bằng kháng sinh.
Hai căn bệnh, một vì dị ứng với côn trùng, một vì siêu vi bị nhiễm từ thuở bé nay bùng lên trên da, chuyện nhầm lẫn rất dễ xảy ra. Bệnh Zona có thể phòng tránh nếu chúng ta tiêm ngừa thủy đậu. Còn “giời leo” càng dễ tránh. Bà con ở nông thôn cần mặc quần áo kín da khi đi làm đồng, về đến nhà cần tắm rửa sạch sẽ, giữ nhà cửa thóang mát, vệ sinh sạch sẽ mới tránh “giời” tự nhiên “leo” vào da thịt. Ở thành phố chung quanh nhà có nhiều cây cũng phải lưu ý, phấn hoa và côn trùng đều là tác nhân gây dị ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận