Ngày 1-3, ông Mai Văn Anh, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Bình Thuận, cho biết cơ quan này đang xin ý kiến của Bộ Lao động - thương binh và xã hội về việc tuyển không đủ lao động cho nhà thầu Trung Quốc sau hai tháng đăng tuyển.
Công ty Guangdong Electric Power Design Institute (nhà thầu GEDI) ở TP Thượng Hải (Trung Quốc) được bộ trưởng Bộ Xây dựng cấp giấy phép nhận thầu thực hiện công việc tổng thầu EPC xây dựng Nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) vào ngày 2-7-2014. Dự án này được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10-2013.
Đến ngày 4-11-2014, nhà thầu GEDI gửi văn bản cho UBND tỉnh Bình Thuận thông báo ký hợp đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 để thực hiện gói thầu tổng thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1, đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan giới thiệu, cung ứng người lao động VN với số lượng 1.844 người.
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội Bình Thuận, thời điểm cuối năm 2014 có khoảng 200 lao động người Trung Quốc tại Vĩnh Tân. Số lượng lao động người Trung Quốc tại Vĩnh Tân không ổn định, phụ thuộc vào việc thi công các gói thầu, trong đó có tình trạng di chuyển lao động nội bộ của các nhà thầu nên cơ quan chức năng khó kiểm soát. |
Nhìn qua bảng tuyển dụng chi tiết, yêu cầu tuyển dụng lao động là quản lý, lao động kỹ thuật, kỹ sư lành nghề. Cụ thể, nhân sự phục vụ điều hành tổng thầu EPC tuyển 94 người gồm ban lãnh đạo dự án, các phòng vật tư, thiết kế, công trình, kế hoạch, hành chính...
Đây là phân khúc lao động thuộc hạng chuyên gia, lao động kỹ thuật, yêu cầu năm năm kinh nghiệm, ngoại ngữ tiếng Anh. Tuy nhiên, mức lương trả cho nhóm lao động này chỉ 13-16 triệu đồng.
1.750 suất tuyển dụng còn lại chủ yếu là kỹ sư, chuyên viên, giám đốc dự án với mức lương 12-15 triệu đồng, đa số đòi hỏi kinh nghiệm năm năm và tiếng Anh. Tất cả vị trí công việc trên có thời hạn làm việc 3-5 năm.
Trước nhu cầu tuyển dụng lao động quá lớn này, Sở Lao động - thương binh và xã hội Bình Thuận nhanh chóng triển khai đến các đơn vị tuyển dụng để phối hợp cung ứng lao động. Nhưng tới nay mới chỉ có vài ứng viên nộp hồ sơ.
Ông Cao Xuân Hùng, cán bộ tư vấn của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Thuận, cho rằng vấn đề mấu chốt là đa số người lao động không đáp ứng được yêu cầu ngoại ngữ, kinh nghiệm thiếu. Ông Mai Văn Anh nhìn nhận nhà thầu Trung Quốc yêu cầu chuyên môn quá cao, người lao động VN đáp ứng được các điều kiện này có thể xin được việc ở nơi khác với mức lương còn hấp dẫn hơn.
Anh Đỗ Văn Bình (29 tuổi, ngụ huyện Hàm Thuận Nam) nói: “Lương như vậy cũng bình thường chứ không hấp dẫn. Thời gian làm cũng có vài năm chứ không ổn định. Hết thời hạn lao động phải đi kiếm việc khác”.
Theo quy định hiện nay, trong thời hạn tối đa hai tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 người lao động trở lên mà phía VN không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động cho nhà thầu thì chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài.
Một cán bộ có chức trách của nhà thầu GEDI cho biết qua hai tháng rao tuyển không có ứng viên thì bên nhà thầu sẽ xúc tiến xin đưa lao động Trung Quốc vào thi công.
Trước tình hình này, Sở Lao động - thương binh và xã hội Bình Thuận phải xin ý kiến của Bộ Lao động - thương binh và xã hội.
Theo ông Mai Văn Anh, nhà thầu Trung Quốc thường lấy áp lực tiến độ thi công để đưa lao động Trung Quốc vào. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn để họ làm đúng pháp luật VN.
Tuy nhiên, vẫn diễn ra tình trạng phía nhà thầu đưa lao động nước ngoài vào khi chưa được cấp phép, nhiều người không có lý lịch tư pháp, không có chứng nhận chuyên môn, kinh nghiệm từ phía cơ quan chức năng của Trung Quốc” - ông Mai Văn Anh cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận