Jacob Italiano (U23 Úc) đang đá cho Mönchengladbach ở Đức là một trong những ngôi sao đáng chú ý của Giải U23 châu Á 2020 - Ảnh: AFC
Để đạt thành tích tốt tại Giải U23 châu Á 2020, các đội tuyển luôn cố gắng tìm kiếm lực lượng mạnh nhất, trong đó có việc đấu tranh với các CLB ở châu Âu để họ nhả cầu thủ (Giải U23 châu Á không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA) về tham dự giải. Tuy nhiên, dù được nhả quân nhưng các ngôi sao trở về từ châu Âu này cũng không thật sự đáp ứng được sự kỳ vọng.
Cụ thể, trong ba giải U23 châu Á đã được tổ chức, không có một cầu thủ nào chơi bóng ở châu Âu tỏa sáng để đứng vào hàng ngũ cầu thủ xuất sắc nhất giải hoặc vua phá lưới. Năm 2013 và 2018, lần lượt Iraq và Uzbekistan vô địch mà trong đội hình không có cầu thủ nào đang thi đấu ở châu Âu.
Ở Giải U23 châu Á 2016, Nhật Bản vô địch với 2 cầu thủ đá ở châu Âu là Yuya Kubo (Young Boys, Thụy Sĩ) và Takumi Minamino (Salzburg, Áo). Nhưng cầu thủ U23 Nhật Bản hay nhất năm đó là Shoya Nakajima, một cầu thủ đang đá trong nước.
Almoez Ali (Qatar), một trong những tài năng lớn nhất châu Á hiện tại, chỉ thực sự để lại dấu ấn ở Giải U23 châu Á khi rời bỏ "miền đất hứa" châu Âu để trở về chơi bóng ở quê nhà. Năm 19 tuổi, Ali dự Giải U23 châu Á 2016 cùng U23 Qatar. Lúc đó, Ali đang khoác áo CLB Cultural Leonesa (Tây Ban Nha) và được xem là một trong những ngôi sao trở về từ châu Âu đầy triển vọng.
Nhưng năm đó, Ali đã không tỏa sáng như kỳ vọng khi chỉ ghi được 1 bàn thắng. Hai năm sau tại Giải U23 châu Á 2018, Ali lúc này đang chơi bóng cho CLB trong nước là Al-Duhail lại có giải đấu thăng hoa khi đoạt danh hiệu Vua phá lưới với 6 bàn thắng. Việc tỏa sáng ở Giải U23 châu Á là cơ sở để Ali "làm mưa làm gió" ở Asian Cup 2019 (giải đấu mà đội tuyển Qatar đoạt chức vô địch) với 2 danh hiệu cá nhân là Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới.
Những dẫn chứng trên cho thấy sự kỳ vọng quá nhiều vào biệt đội "lính lê dương" này nhiều khi chỉ mang lại sự thất vọng. Sở dĩ các HLV muốn có những cầu thủ chơi bóng ở châu Âu trong đội hình chỉ để được an tâm hơn, thậm chí tránh các chỉ trích từ dư luận. So về đóng góp chuyên môn, những ngôi sao trong nước lại có sức ảnh hưởng hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến các "lính lê dương" khó tỏa sáng ở Giải U23 châu Á. Trong đó quan trọng nhất chính là thời gian tập trung với đội quá cập rập (khi được CLB cho về cũng đã sát ngày thi đấu) nên họ không thể hòa nhập nhanh với lối chơi toàn đội để gắn kết thành một khối thống nhất.
Có lẽ vì điều này mà tại VCK U23 châu Á 2020, chỉ có tổng cộng 18 cầu thủ được đăng ký đang chơi bóng ở châu Âu, một con số ít hơn so với các giải trước.
Bảng D có 4 ngôi sao châu Âu
Theo danh sách đăng ký, bảng D có 4 ngôi sao đang thi đấu ở châu Âu, tập trung ở hai đội U23 Triều Tiên và Jordan.
Trong đó, Jordan có 3 cầu thủ là Omar Hani, Noor Al-Rawabdeh, Musa Al-Taamari (CLB APOEL Nicosia, Đảo Cyprus) và ngôi sao của đội U23 Triều Tiên Choe Song-hyok (Arezzo, Ý). Hai đội được đánh giá mạnh nhất bảng là U23 UAE và VN chỉ sử dụng cầu thủ nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận