29/09/2019 05:58 GMT+7

Khó tin như... ảnh chụp chim

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Xem một số ảnh thể loại thiên nhiên đoạt giải gần đây, người xem hoang mang chẳng biết những bức ảnh đó là chân thật hay cắt ghép khi mà dân trong nghề vừa nhìn thấy đã bảo "sống sượng".

Khó tin như... ảnh chụp chim - Ảnh 1.

Bức ảnh Điểm hẹn gây tranh cãi gần đây

Mới đây, các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyền nhau xem tác phẩm Điểm hẹn của nhiếp ảnh gia Bạch Ngọc Tư vừa đoạt huy chương vàng tại cuộc thi ảnh quốc tế Grand M.S.M Circuit 2019 ở Cộng hòa Bắc Macedonia.

Không ít nghệ sĩ đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính chân thật trong tác phẩm chụp một đàn chim vành khuyên cùng đậu trên nhánh cây lộc vừng này.

Nhân tạo hóa ảnh thiên nhiên

Theo nhiếp ảnh gia Phùng Mỹ Trung, hoa lộc vừng thường nở vào ban đêm, khi mặt trời mọc cánh hoa sẽ héo quắt lại chứ không có chuyện nở bung giữa ban ngày như trong bức Điểm hẹn.

Trong trường hợp bức ảnh được chụp vào sáng sớm thì những con chim không được rõ nét như vậy. Còn nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu nhận định ánh sáng trong tác phẩm "chỉ có trong phòng studio hoặc đèn flash được chủ động bố trí trước, mà chụp đèn flash là điều cấm kỵ trong nhiếp ảnh hoang dã".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiếp ảnh gia Bạch Ngọc Tư nói rằng ông chỉ xử lý hậu cảnh, còn ánh sáng trong ảnh là tự nhiên. "Tôi chụp bức Điểm hẹn tại chùa Cái Bầu, Quảng Ninh vào khoảng năm 2011.

Chim vành khuyên đi theo đàn nhưng rất nhát, phải mất nhiều công sức tôi mới chụp được. Bức ảnh từng đoạt giải của Câu lạc bộ nhiếp ảnh Gia Định năm 2012, còn giải của quốc tế, hạng mục ở tự nhiên thì cách đây một tháng. Không giống như Việt Nam, tác giả phải gửi ảnh gốc (ảnh raw - PV), cuộc thi này ban giám khảo chỉ yêu cầu gửi ảnh thông thường" - ông nói.

Nhiếp ảnh gia Dzũng Art lại khẳng định "đây là bức ảnh giả". Anh nói: "Họ ghép vào một không gian khác nhìn long lanh khác lạ, không bình thường. Bung to trên máy tính thấy rất rõ. Ghép đàn chim non và con chim bay bên trái cũng là ghép luôn cho cân bố cục".

Từng lọt vào Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, một bức ảnh khác tên Mùa chim làm tổ của tác giả Bạch Ngọc Tư cũng làm dấy lên những tranh cãi trong giới nhiếp ảnh.

Tác giả cho biết loài chim trong bức ảnh là chim rồng rộc: "Chỉ có chim rồng rộc mới làm tổ kiểu treo lơ lửng như thế, loài này có ngoại hình khá giống chim sẻ".

Trong khi đó, tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - chuyên gia điểu học thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật - cho rằng loài chim trong bức ảnh thuộc họ sẻ thông, trong khi chiếc tổ dạng này chỉ có ở họ rồng rộc. "Ở Việt Nam, loài sẻ thông bị bắt rất nhiều. Chúng tôi đi chụp và nghiên cứu thiên nhiên hơn 20 năm cũng không bao giờ được thấy cảnh đàn chim làm tổ như vậy".

Khó tin như... ảnh chụp chim - Ảnh 2.

Bức ảnh Mùa chim làm tổ bị “tố” sai tập tính loài chim và có nhiều nguồn sáng khác nhau

"Phải có ban tham vấn động vật"

Đây không phải lần đầu tiên những bức ảnh chụp chim bị tố cắt ghép, dàn dựng. Vào năm 2015, dư luận xôn xao về bức ảnh chim đầu rìu tha mồi về cho con đoạt giải cuộc thi ảnh ASEAN. Khi ấy, nhiều nhiếp ảnh gia lên tiếng phản đối hành động bắt chim non để nhử chim mẹ mớm mồi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định bức Điểm hẹn là ảnh ghép. Ông Vũ Quốc Khánh, chủ tịch hội, cho biết đối với nhiếp ảnh tự nhiên, người chụp phải lấy nguyên tắc chân thật làm yếu tố tiên quyết.

Nhưng bức ảnh này cũng như những bức ảnh bị tố dàn dựng, cắt ghép mà đoạt giải do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) bảo trợ vẫn được hội tính điểm khi các tác giả nộp hồ sơ xét phong các tước hiệu của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Ông Vũ Quốc Khánh thừa nhận: "Đây là một điểm bất cập".

Còn theo nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, để hạn chế tình trạng ảnh thiên nhiên photoshop lọt vào các cuộc thi, triển lãm; đơn vị tổ chức phải có ban tham vấn động vật. Họ sẽ phản biện những bất thường về mặt khoa học, tập tính của loài trước khi bức ảnh được chấm điểm về khía cạnh nghệ thuật.

Chim non gãy chân vì nhiếp ảnh gia

anh chup chim 3 (1) (read-only)

Bức ảnh Tình mẫu tử đoạt giải cuộc thi ảnh ASEAN về đa dạng sinh học năm 2015 cũng gây tranh cãi

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu chia sẻ hiện nay có một số người cắt vỏ chai nước suối, nhét chim non cố định vào chai và đặt trong một hốc cây có dáng đẹp để chụp: "Nếu để ý kỹ sẽ thấy nhiều ảnh cùng một hốc cây nhưng chụp được những loài chim khác nhau. Có trường hợp chim non gãy chân vì setup (dàn dựng)".

Ông thẳng thắn: "Ảnh thiên nhiên phải luôn phản ánh chân thật đúng hoạt cảnh diễn ra chứ không thể cắt ghép. Đằng sau mỗi tấm ảnh phải kể được một câu chuyện, nếu câu chuyện bị bịa đặt bằng photoshop thì bức ảnh cũng chẳng mang lại giá trị gì".

Ảnh chụp chim non lại bị 'soi' Ảnh chụp chim non lại bị "soi"

TTO - Bức ảnh Tình mẫu tử của tác giả Hồ Văn Điền (Bình Thuận) vừa đoạt giải một cuộc thi ảnh ASEAN với giải thưởng 500 USD. Nhưng dư luận dấy lên trên các diễn đàn trên mạng rằng tác giả đã bắt chim non để dàn dựng chụp ảnh.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên