TTCT - Các kho thuế và vùng canh tác ở Gia Định thời chúa Nguyễn là một vấn đề lịch sử quan trọng để hiểu hoạt động kinh tế và thương mại của giai đoạn quan trọng này trong tiến trình mở rộng về phương nam của người Việt. Hồi năm 1998, Sài Gòn tổ chức kỷ niệm 300 năm hình thành, nhờ vào lễ hội rôm rả này mà đông đảo người dân các miền biết đến sự kiện năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh vâng mạng chúa Nguyễn vào phía nam cõi Nam Hà để thiết lập nền hành chánh cho vùng đất mới, phủ Gia Định được tính dấu mốc từ đây.Làm đường mía thủ công năm 1922. Ảnh từ sách Annam 1919 - Đông Dương thuộc PhápPhủ Gia Định lúc này chỉ có 2 huyện, huyện Phước Long ứng với xứ Đồng Nai và huyện Tân Bình ứng với xứ Sài Gòn. Năm 1732 lập thêm châu Định Viễn ứng với hai bờ nam bắc sông Tiền; vùng Hà Tiên lập làm trấn vào khoảng 1708-1714, với chế độ quản lý mang tính tự trị cần phải nói riêng.Huyện Phước Long, huyện Tân Bình và châu Định Viễn đất đai mênh mông, quản lý ra sao khi chưa có hệ thống hành chánh cơ sở. Sử liệu cho biết, đến năm 1779 mới bắt đầu lập hệ thống huyện - tổng - thôn, nhưng do chiến sự chưa dứt nên đến năm 1808 thì cơ cấu hành chánh mới tạm ổn.Trong hơn 80 năm (1698-1779), cả chục nhiệm kỳ huyện trưởng, với bộ máy huyện nha chỉ chừng 20 nhơn sự, mấy ổng điều độ xã hội kiểu gì đây? Nên có chút hình dung, về mặt địa giới hành chánh, việc của ông huyện trưởng Phước Long lúc ấy bằng việc của bốn ông chủ tịch Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước hiện nay gộp lại; còn địa bàn huyện Tân Bình thì bằng khoảng đất đai TP.HCM với tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An bây giờ.Kho thuế lúaĐại Nam thực lục (ĐNTL) Tiền biên (quyển 10) chép: "Tân Dậu (1741). Buổi quốc sơ, tùy đất mà đặt kho". Còn ĐNTL Đệ nhứt kỷ (quyển 1) chép: "Kỷ Hợi, (1779), tháng 11. Xem đồ bản các dinh đất Gia Định, chia vạch địa giới ba dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ khiến cho liên lạc nhau… Đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục để cai trị". "Buổi quốc sơ, đất Gia Định còn là nơi nhiều rừng rú đầm lầy, mộ dân tới ở, cho tùy tiện lập ấp vỡ hoang (có nơi ở về Phiên Trấn mà đánh thuế ở đất Trấn Biên, cũng có nơi ở về Trấn Biên mà đánh thuế ở đất Phiên Trấn), các thửa ruộng đất chỉ ước số đại khái, không chia ra hạng tốt, hạng xấu, đặt chín khố trường nạp riêng (các kho Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Giản Thảo, Huỳnh Lạp, Tam Lạch, Bả Canh, Tân Thạnh) để thu thuế". "Số thuế nhiều ít không đều nhau. Đến đây vạch định cương giới, bỏ chín khố trường, sai các dinh châm chước lệ cũ thuế điền thổ mà chữa lại cho cân bằng".Toàn cảnh rạch Bến Nghé, Sài Gòn những năm 1920Cụ thể mà nói thì việc quan trong những năm 1698-1791 vốn chỉ ngồi chờ thâu thuế, nguồn chánh là lúa, kế đến là tài nguyên từ sông ngòi núi rừng. Chữ "khố trường (庫塲)" dùng trong sử liệu có thể hiểu là kho bãi, kho lẫm, được đặt ở những địa điểm thuận tiện giao thông đường thủy.Trong 9 kho có kho Huỳnh Lạp (黄臘) chứa nhiên liệu, tên gọi ứng với vật sản (huỳnh lạp tức sáp ong). Thời chưa xài dầu lửa Trung Đông thì kho này cũng thuộc hàng chiến lược. Sử liệu không nói rõ địa điểm đặt kho này, nhưng nhìn vào tính chất có thể đoán là ở nơi thuộc huyện Phước Long, vùng nhiều rừng núi.Tám kho còn lại chứa lúa. Đến nay, vị trí đặt các kho lúa vẫn còn bị xác định lấn cấn, một phần do sử liệu các nguồn không khớp, một phần do người đời nay suy đoán phiến diện.Sử liệu đầu tiên chép sai là Gia Định thành thông chí (GĐTTC, 1820), sách này ở quyển 3 thì nói 9 kho đều ở trấn Định Tường (nay Tiền Giang và Đồng Tháp), còn ở quyển 6 thì nói 3 kho Tân Thạnh (新盛), Cảnh Dương (景陽), Thiên Mụ (天姥) ở trấn Biên Hòa, và do chiến sự nên năm 1775 dời 3 kho này gom về kho Gian Thảo (khu Cầu Kho, Sài Gòn). Cần phủ định sử liệu chép sai "9 kho ở Định Tường", và xác định lại là "9 kho ở Gia Định" thì mới phù hợp để khảo xét. Thấy Hoàng Việt nhứt thống dư địa chí (1806) chép nền cũ 2 kho Tân Thạnh, Cảnh Dương đối ngạn xóm Các Lái; và một địa điểm gọi là "kho cũ Điền Tô" (田租舊庫) được định vị ở gần thành phố Biên Hòa, tức "Xóm Bến Kho" và "Xóm Đò Kho", hai xóm gần nhau thuộc phường Bình Đa, nơi này có lẽ là kho Thiên Mụ mà GĐTTC kể tên trong 3 kho ở Biên Hòa.Hai kho Quy An (歸安), Quy Hóa (歸化), trùng tên với 2 thuộc (vùng canh tác) Quy An, Quy Hóa mà Phủ biên tạp lục (PBTL, 1776) kể vào địa bàn 2 huyện Tân Bình, Phước Long, trước mắt chưa có sử liệu cụ thể để định vị địa điểm.Kho Giản Thảo (菅草) thuộc địa bàn huyện Tân Bình vốn đã rất được nói đến, còn lưu địa danh Cầu Kho ở quận 1, TP.HCM.Vấn đề lôi thôi nằm ở địa điểm đặt 2 kho Bả Canh (把耕) và Tam Lạch (三瀝). Vào thời địa giới hành chánh chưa rạch ròi, quản lý tùy nghi như ĐNTL chép, thì hai kho này thiệt sự chưa biết quy vào huyện Tân Bình hay châu Định Viễn. Tên hai kho này trùng tên với 2 thuộc Bả Canh, Tam Lạch mà PBTL kể vào địa bàn châu Định Viễn.Địa danh Tam Lạch thì còn lưu qua tên con rạch nhỏ trên cù lao Lợi Quan. Kho Tam Lạch đặt ở nơi cù lao giữa sông Tiền, một bên là sông Cửa Tiểu, một bên là sông Cửa Đại, rất tiện nhập lúa thuế vùng Gò Công và cù lao An Hóa, cũng tiện cho thuyền lớn chở đưa ra Huế.Rạch Tam Lạch, nay thuộc địa bàn xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Xã Tân Thới có ấp Tân Quý, ấp này vốn trước năm 1975 có tên là ấp Tam Lạch, hiện ở địa bàn ấp còn miếu Tam Lạch, thờ Bà Chúa Xứ.Địa chí Tiền Giang (2005), phần Địa lý Hành chính, viết: "Năm Tân Dậu (1741), chúa Nguyễn đã cho lập 9 kho biệt nạp... Hoàng Lạp và Tân Thạnh ở Trấn Biên, kho Gian Thảo ở Bến Nghé. Hai kho Thiên Mụ và Cảnh Dương ở Cần Giuộc, Cần Đước, lúc đó cũng thuộc Trấn Biên. Chỉ có kho Tam Lạch ở đất Ba Giồng, và kho Bả Canh, Quy An, Quy Hóa ở xứ Mỹ Tho. Ba kho Bả Canh, Quy An, Quy Hóa do Trịnh Khánh (cha Trịnh Hoài Đức) làm Cai thâu, tất phải ở gần nhau. Kho Bả Canh được xác định cụ thể ở rạch Cá Chốt (nay thuộc xã Thạnh Nhựt, Gò Công Tây)" (Tập 1, tr. 22). Đoạn văn này khảo cứu sai nhiều địa điểm khố trường (kho), riêng việc xác định "kho Tam Lạch ở đất Ba Giồng" thì căn cứ không vững, do trước giờ chưa từng thấy sử liệu nào nói đến, kể cả ghi chép điền dã liên đới.Địa danh Bả Canh nay không còn nghe nhắc, tên kho này trùng tên với trường (vùng canh tác) Bả Canh mà PBTL có kể. Nhưng Địa chí Tỉnh Đồng Tháp (2014) viết: "Khố trường Bả Canh đặt ở vùng Mỹ Trà, nơi có nhiều lưu dân xuất thân từ thôn Bả Canh (thuộc xã Đập Đá, trấn Bình Định, nay thuộc thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), quản lý khu vực mà sau này có tên là Cao Lãnh" (Chương 1, Địa lý hành chánh). Sử liệu mà Địa chí Đồng Tháp dựa vào là Văn bia ở mộ ông Nguyễn Tú (Tiền hiền làng Mỹ Trà, Cao Lãnh) lập năm Tự Đức thứ 29 (1876), nhưng bia này cũng chỉ ghi là: "Nghe đâu vào khoảng đời Gia Long, ông từ Quy Nhơn vô ở đất này, xưa gọi trường Bả Canh (把耕場)". Trường có thể đồng nghĩa với thuộc, tức là vùng canh tác mà sau này đổi cơ chế lập làm tổng, làm huyện; còn khố trường chỉ là một địa điểm cụ thể, nơi đặt kho.Vùng canh tácPBTL (quyển 3) chép: "Phủ Gia Định có kho Tân An, chứa các hạng thóc thuế của 2 huyện Phước Long, Tân Bình; ba trường Gian Thảo, Thiên Mụ, Cảnh Dương, hai thuộc Quy Hóa, Quy An ở huyện Phước Long, Tân Bình; và trường Tân An châu Định Viễn, có lưu thủ, ký lục, cai bạ, dinh Long Hồ trông coi".Một đoạn khác lại thấy chép: "Dinh Trấn Biên có 4 thuộc: thuộc Cảnh Dương, thuộc Huỳnh Lạp, thuộc Thiên Mụ, thuộc Ô Tất [nhựa sơn]; và 1 trường, là trường Gian Thảo. Dinh Phiên Trấn có 2 thuộc: thuộc Quy An, thuộc Tam Lạch; và 3 trại: trại Bả Canh, trại Bà Lai, trại Rạch Kiến".Nội hàm PBTL đã thấy nêu nhiều mô thức tổ chức, khi đối chiếu với các sách khác sẽ thấy rối loạn hơn nữa, như trường hợp các đơn vị Cảnh Dương, Huỳnh Lạp, Thiên Mụ, Quy An, Tam Lạch, trong ĐNTL và GĐTTC chép là kho, còn Phủ biên chép là thuộc; tương tự, Gian Thảo lúc là kho, lúc là trường; còn Bả Canh thì là kho, thuộc, hay trại. PBTL chỉ dùng những danh từ chung kho, trường, thuộc, nội dung chỉ nhắc đến 1 kho Tân An (chứ không phải 9 kho đã kể trong ĐNTL), đặc biệt hơn là toàn văn PBTL nhiều lần nói đến các tên "Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Gian Thảo, Huỳnh Lạp, Tam Lạch, Bả Canh, Tân Thạnh", nhưng hầu như không dùng từ khố trường, hay chép danh mục 9 khố trường như các nguồn khác đã nêu. Cho nên, có thể nhận định là PBTL chỉ đặt trọng tâm ở các trường, thuộc, hoặc trại, tức nói dễ hiểu là vùng canh tác (nông trường).Không chỉ Địa chí Tiền Giang (2005) hay Địa chí Đồng Tháp (2014) ghi nhận sai mà còn rất nhiều nhận định khác cũng chưa nói rạch ròi, điểm mấu chốt là do không phân biệt chức năng của khố trường (kho) với thuộc, trường, trại (vùng canh tác lớn nhỏ theo thứ bậc), nên hầu hết sách địa chí địa phương, sách lịch sử về vùng Nam Bộ, và rất nhiều nghiên cứu đã trình bày lấn cấn nhập nhằng giữa địa bàn với địa điểm 9 nơi đã nêu.Thuộc Tam Lạch, PBTL chép có 100 thôn, sau này ứng với phần lớn huyện Kiến Hòa. Nếu số thôn chép đúng thì đây là vùng canh tác rộng lớn hơn hết, gồm vùng Gò Công tỉnh Tiền Giang và huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre ngày nay. Rạch Tam Lạch nơi đặt kho có lẽ là vùng lõi của thuộc Tam Lạch.Thuộc Bả Canh, PBTL chép gồm 3 trại Bả Canh, Bà Lai và Rạch Kiến, "3 trại: Bả Canh, Bà Lai, Rạch Kiến có 100 thôn, 4.000 dân đinh, 70 chiến thuyền, 4.000 thửa ruộng", vùng canh tác này cũng rất lớn, nếu đem số thôn tính ra thì ứng với phần phía tây huyện Kiến Hòa, huyện Kiến Hưng và phần đất chạy dọc sông Tiền thuộc huyện Kiến Đăng, tức khoảng từ Chợ Gạo lên tới Cao Lãnh.Địa bạ Định Tường 1836 thấy ghi "thôn Vĩnh An, ở xứ Cái Chốt. Nguyên trước là trại An Hòa, thuộc Bả Canh, trấn Phiên An". Theo đây, có thể suy đoán vùng đất xung quanh thôn Vĩnh An (xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo và xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây) là vùng xưa là địa bàn của thuộc Bả Canh.Thuộc Cảnh Dương, Thiên Mụ, Huỳnh Lạp, PBTL chép: "huyện Phước Long có hơn 250 thôn, dân số 8.000 đinh, thuế ruộng hơn 2.000 hộc. Các thuộc Cảnh Dương, Thiên Mụ, Huỳnh Lạp chừng 40 thôn, nậu, dân 1.000 người nộp thuế đinh, chiến thuyền 20 chiếc".Địa bạ Gia Định 1836 chép nhiều thôn ở xứ Cần Giuộc (huyện Phước Lộc), có nhiều sở ruộng nguồn gốc từ thuộc Cảnh Dương và Thiên Mụ cũ, tức vùng lưu vực sông Cần Giuộc, thuộc huyện Cần Giuộc và Cần Đước, tỉnh Long An hiện nay. Còn Địa bạ Biên Hòa 1836 thì chép ở xứ Giồng Ông Tố có thôn Bình Trung với 266 mẫu đất thuộc thuộc Cảnh Dương xưa (chiếm 1/5 đất thôn).Cách gặt lúa của người Việt Nam, 1922. Ảnh: GETTY IMAGESCác nguồn trên đây cho thấy buổi đầu đất đai một thuộc rất tản mác, làm ruộng ở Cần Giuộc hay ở xứ Giồng Ông Tố đều có thể đăng ký vào thuộc Cảnh Dương, mà thuộc này lại do huyện Phước Long (mà không phải huyện Tân Bình) quản. Đúng như ĐNTL chép: "có nơi ở về Phiên Trấn mà đánh thuế làm đất Trấn Biên, cũng có nơi ở về Trấn Biên mà đánh thuế làm đất Phiên Trấn"Đất thuộc Cảnh Dương và Thiên Mụ sau lập thành nhiều thôn thuộc địa bàn huyện Phước Lộc như Địa bạ 1836 chép. Địa chí Long An 1990 cho biết có ngôi chùa Thiên Mụ ở xã Mỹ Lộc (Cần Giuộc), cùng thời với chùa Tôn Thạnh (lập khoảng 1774), tên chùa Thiên Mụ này có thể có quan hệ với thuộc Thiên Mụ cũng ở vùng Cần Giuộc. Phường Vạn Phước ở xứ Rạch Đào cũng là đất của thuộc Thiên Mụ, nơi này là lưu vực Rạch Đào, sau có dựng chợ, gọi chợ Rạch Đào, sau lại gọi tắt là Chợ Đào (Cần Đước), thành tên xứ, thành thương hiệu gạo Nàng Thơm Chợ Đào lừng danh ngon.Trường Tân An, vùng đất mà PBTL chép là "trường Tân An, châu Định Viễn", tức sau lập làm tổng Tân An (1779), rồi nâng làm huyện Tân An (1808), rồi nâng làm phủ đổi tên Hoằng An (1823), tức vùng đất cù lao Bảo, cù lao Minh, tức tỉnh Bến Tre hiện nay.Kho thuế và vùng canh tác hồi thế kỷ 18 là một vấn đề đáng phải nghiên cứu sâu hơn nữa so với khảo sát sơ lược nói trên. Trước đây, trong nhiều nghiên cứu từng có những nhận định sơ suất, như trong Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ (Huỳnh Lứa chủ biên, 1987), viết: "Vào những năm cuối thế kỷ XVIII, trên những ruộng phát cỏ rồi cấy như ở vùng Tam Lạch, Bả Canh, huyện Kiến Đăng, châu Định Viễn (vùng Bến Tre, Vĩnh Long, một phần An Giang)" (Chương II - Công cuộc khai phá trong các thế kỷ XVII, XVIII). Hay như tiến sĩ Li Tana viết: "Vào thập niên 1770, ở Tân Bình (Sài Gòn ngày nay), Phước Long (Biên Hòa ngày nay), Quy An, Quy Hóa (nay là Mỹ Tho)... Hay như ở Tam Lạch hay Bả Canh trong tỉnh Vĩnh Long ngày nay" (Xứ Đàng Trong, tr.175); hai trường hợp này, vừa nói mơ hồ vừa đối chiếu tên vùng thời xưa với địa bàn hiện nay không đúng, khó thể tái hiện rõ ràng lịch sử khai khẩn từng vùng miền.Nguồn lợi từ nông nghiệp, sanh kế của đa số người dân, đối với chúa Nguyễn cho mãi đến hết triều Nguyễn vẫn là mạch sống của triều đại, như đến năm 1850, còn thấy ý vua Tự Đức trong một tờ Dụ "Việc làm ruộng là gốc của áo cơm, thật là gốc của cả nước, lương thực của dân, thuế khóa của nước, đều ở vào đấy" (Đại Nam Hội điển sự lệ, Hộ bộ, q.40. Thuế chính ngạch IV).Mối quan hệ giữa vùng canh tác với kho thuế thực chất là mối quan hệ giữa người làm ruộng với chánh quyền chúa Nguyễn. Vào buổi chưa thiết lập được bộ máy hành chánh chặt chẽ, với lực lượng nhân sự ít ỏi qua loa, chúa Nguyễn bỗng nhiên có được nguồn lợi sung túc từ thuế khóa. Người nông dân tự khai khẩn và tự khai báo phỏng chừng diện tích canh tác cho chức việc sở tại, huyện nha ở xa lắc lơ dựa theo số thửa ruộng trình báo mà thâu thuế hằng năm. Tình hình đôi bên cùng nhàn hạ này - dân có ăn, chúa có của - trải hơn trăm năm, nhờ sức dân mà những vùng canh tác lan tỏa dần đến lưu vực sông Hậu.Sử liệu về kinh tế nông nghiệp ở phủ Gia Định từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18 rất sơ sài, người ta chỉ có thể thống kê số tiền thuế dân đinh và số lúa thuế một cách đại khái.Đọc những con số thống kê từ sử liệu ấy, ngoài sự nhận biết về thành tựu quản lý xã hội của chúa Nguyễn, phần đáng nghiền ngẫm hơn có lẽ là vai trò lớn lao của nông dân trong tiến trình mở đất.■ Đồ họa: L. ThânVị trí ước định các kho thóc thời Nguyễn ở Nam Bộ(1) Kho cũ Điền Tô (có thể là nền kho Thiên Mụ): Nay thuộc phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.(2) và (3) Kho Cảnh Dương và Tân Thạnh (ở gần nhau): Nay ở gần bến phà Cát Lái, vùng giáp ranh giữa thành phố Thủ Đức, TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, địa phận các phường Cát Lái và Thạnh Mỹ Lợi (phía TP.HCM) và xã Phú Hữu (phía Đồng Nai).(4) Kho Gian Thảo: Nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM.(5) Kho Tam Lạch: Nay thuộc xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.(6) Các kho Quy An, Quy Hóa và Bả Canh chưa thể xác định chính xác, nhưng các kho này có thể ở gần nhau, và thuộc Bả Canh có thể nằm ở vùng nay là xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo và xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, đều thuộc tỉnh Tiền Giang.Kho Huỳnh Lạp có thể ở địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tags: Gia Định thời chúa NguyễnKho thócNguyễn Hữu CảnhThời NguyễnGia Định
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối nay 5-11 (giờ Việt Nam), những điểm bỏ phiếu đầu tiên tại các bang miền đông Mỹ bắt đầu mở cửa. Đây sẽ là thời khắc cử tri đưa ra quyết định cuối cùng cho sự kiện 4 năm một lần.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Cứu học sinh đang chới với giữa nước lũ, người đàn ông bị lũ cuốn mất tích QUỐC NAM 05/11/2024 Người đàn ông tại Quảng Bình bị lũ cuốn mất tích khi lao xuống nước lũ cứu một học sinh đang chới với.