Lý Thái Dũng vừa có buổi nói chuyện với những nhà làm phim trẻ về tự sự của một người quay phim trong chuỗi thực hành của dự án Điện ảnh đang nhìn vào chúng ta. Sự kiện do các bạn trẻ yêu phim khởi xướng ở Hà Nội.
Lý Thái Dũng nhận lời đến vì nghĩ những chia sẻ của một tay máy "thực chiến" như anh ít nhiều có ích cho các bạn.
Phía sau khung hình
Phải nghe Lý Thái Dũng nói chuyện mới hay nghề chọn người là sao. Ở đây, có hai nghề chọn cùng một người: nghề quay phim và nghề thầy giáo.
Nhưng khác một hình dung quen thuộc, "ông giáo" Lý Thái Dũng nhìn có vẻ bụi bụi, ngầu ngầu. Quần kaki, áo phông khoác thêm áo sơ mi không đóng cúc bạt gió, đầu đội mũ lưỡi trai, anh bước vào buổi nói chuyện về điện ảnh như vừa từ một chuyến đi phượt hoặc về từ một bộ phim nào đó.
Lý Thái Dũng hay nói với sinh viên, kể cả những lúc không đi phim, nhà quay phim cũng có thể tạo ra một bộ phim sinh học của bản thân:
"Bạn hãy tạo dựng một bộ phim của riêng mình bằng tất cả giác quan về một con người nào đó, một tình huống nào đó, một khoảnh khắc nào đó, một nơi chốn nào đó...
Tất cả đều có thể trữ hóa để kết thúc mỗi một ngày, ta sẽ có một bộ phim rất ngắn của riêng mình, trong lòng mình".
Lý Thái Dũng gọi đó là "nhật ký sáng tạo của nhà quay phim" và nhà làm phim "hãy nuôi dưỡng cảm xúc trong mình, dù đó là một điều nhỏ nhặt nhất".
Thậm chí, theo cách anh nói, một bộ phim đã hoàn tất, đã ra mắt cũng chưa thực sự kết thúc.
Bởi có những phim đã quay xong 20 năm trời, thỉnh thoảng anh vẫn đọc vanh vách hay nhớ về những câu thoại hoặc những tình huống đặc biệt.
Chẳng có điều gì dư thừa cả. Nhà quay phim dùng vốn quan sát, dùng xúc cảm của bản thân làm của để dành và để xài trong suốt chặng đường làm nghề của họ.
Điện ảnh là một lao động rất đặc thù, mỗi bộ phim giống như một nhà máy, một công xưởng. Nhà làm phim luôn phải tự nâng cấp bản thân để khi gia nhập vào, giống như một bánh răng vừa khít.
Và khi hoàn thành phim, chúng ta vẫn chưa hết bận rộn với tất cả mọi thứ. Rồi sau đó, âm thầm đi đi về về, chiếu đi chiếu lại phim trong phòng tối để cân nhắc, cắt dựng để cho ra một bản phim hoàn chỉnh đến với khán giả.
À đây rồi điện ảnh!
Trong không gian nhỏ hẹp của Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, Lý Thái Dũng kể về thế giới điện ảnh nhiều màu sắc. Về những phim anh đã quay: Giải hạn, Thung lũng hoang vắng, Chơi vơi, Đảo của dân ngụ cư, Cha cõng con...
Có phim như Giải hạn gợi lại một thời kỳ điện ảnh nghèo khó khi vật liệu ghi hình là phim âm bản, phim nhựa được xem như vàng.
Có phim như Chơi vơi, anh nhắc lại một câu nói của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đại ý: "Ở cảnh này, anh không muốn nhìn vào nỗi buồn của nhân vật một cách soi mói và sỗ sàng".
Lý Thái Dũng phải tạo ra những mảng tối trong khung hình để thể hiện cái mong muốn ý nhị đó của đạo diễn, đồng thời lột tả được chân dung đại diện của nhân vật.
Cứ thế anh ngồi tâm sự một cách cặn kẽ, về từng trường hợp cụ thể cho những người trẻ đang háo hức thăm dò thế giới điện ảnh rằng phim nào cũng có một đời sống tâm hồn riêng của nó.
Và giống như anh hôm nay, ra khỏi nhà anh sẽ lựa chọn sự đơn giản và thoải mái nhất. Lý Thái Dũng theo phong cách tối giản, không phức tạp hóa vấn đề mà vẫn mang lại hiệu quả.
Duy cảm vẫn là yếu tố đầu tiên mà nhà làm phim 60 tuổi này tôn thờ và ưu tiên hàng đầu trong cách thức thể hiện hình ảnh, âm thanh... Anh thích những khung hình, góc máy mà khi xem, khán giả chìm vào cảm xúc sâu sắc của nhân vật thay vì một vỏ bọc duy mỹ đèm đẹp thông thường.
Lý Thái Dũng nói ngoài đời anh có thể đội một chiếc mũ có màu sắc rất chua. Trong những bức ảnh của anh, xanh vàng đỏ tím... đủ cả. Nhưng tất cả những phim anh quay đều có nồng độ màu không quá rực rỡ.
Người ta hay nói để theo đuổi nghệ thuật, nghệ sĩ phải hy sinh. Lý Thái Dũng cười và cho biết anh chưa bao giờ hy sinh điều gì cả.
Anh yêu thích nghề nghiệp của mình. Được đi đây đi đó. Điện ảnh cho anh một cuộc sống vật chất vừa đủ, một đời sống tinh thần phong phú. Mỗi phim như một thứ tài sản riêng để khi nhắc lại, anh được sống lại với rất nhiều thời khắc thú vị. Làm phim vui mà. Có gì mà hy sinh?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận