18/11/2021 10:48 GMT+7

Khổ sở với clip dạy học

HÒA BÌNH (TP.HCM)
HÒA BÌNH (TP.HCM)

TTO - Có một nhiệm vụ không mang lại hiệu quả giáo dục cao nhưng đang gây áp lực cho giáo viên tiểu học ở TP.HCM là chúng tôi phải làm clip về những bài dạy của mình.

Khổ sở với clip dạy học - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học ở TP.HCM học tại nhà do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, giáo viên tiểu học đều đặn phải làm các clip theo sự phân công của phòng GD-ĐT. 

Phòng sẽ giao cho mỗi trường tiểu học thực hiện một số clip nhất định, để khi gom lại toàn quận sẽ có đầy đủ mỗi bài học có 1 clip cho tất cả các môn học của khối 3, 4, 5.

Quy trình nhiêu khê

Điều đáng nói là chúng tôi không được tập huấn để làm clip, không được hướng dẫn phải làm sao để có một clip hấp dẫn học trò, để các em dễ hiểu bài... 

Chưa kể, để làm một clip hoàn chỉnh, yêu cầu người thầy giáo phải trang bị máy tính có cấu hình đủ mạnh để tải những phần mềm chuyên dụng. 

Thực tế thì chúng tôi đã phải tự cắt xén từ đồng lương eo hẹp của mình để trang bị phương tiện dạy học online, không phải giáo viên nào cũng có thể mua được máy tính xịn như mong muốn.

Bởi những lý do trên mà quy trình làm clip bài giảng của chúng tôi rất nhiêu khê. Đầu tiên, giáo viên được phân công sẽ soạn giáo án trước và gửi cho cả tổ xem. Sau đó, cả tổ phải họp để góp ý cho giáo án ấy. 

Có ngày chúng tôi họp hơn hai tiếng đồng hồ để góp ý cho một giáo án. Bởi nếu không làm cẩn thận thì khi nộp lên các cấp quản lý cũng bị trả về làm lại (xin nói thêm là để có giáo án này, cá nhân tôi phải mất từ 3 - 5 ngày tìm tư liệu, hình ảnh, các đoạn video ngắn...).

Từ những góp ý ấy, giáo viên sẽ tự hoàn thiện giáo án của mình rồi nộp cho khối trưởng. Nếu khối trưởng thông qua thì giáo án sẽ được nộp lên cho hiệu phó hoặc hiệu trưởng nhà trường, tùy khối lớp. 

Khi ban giám hiệu trường đã sửa rồi, duyệt rồi mới đưa về cho giáo viên ghi âm, lồng tiếng, dựng clip. Mà gia đình tôi ở trong con hẻm nhỏ, nhiều khi nhà hàng xóm nói chuyện to tiếng cũng vang sang nhà tôi.

Sau nhiều lần phải làm lại vì đang thu âm mà lọt vào đủ thứ âm thanh hỗn tạp của tiếng xe máy, tiếng em bé khóc, tiếng chó sủa, tiếng mắng con của chị hàng xóm..., tôi đã chọn khung giờ 2h-3h sáng để thu âm. 

Vậy nhưng có bữa thu âm gần xong thì chú chó nhà hàng xóm sủa vang, dù đang buồn ngủ rã rời nhưng tôi vẫn phải ngậm ngùi thu âm lại. 

Chưa hết, vì máy tính của tôi có cấu hình yếu, không thể cài phần mềm chuyên dụng nên không thể lồng tiếng và dựng clip, công đoạn này tôi phải nhờ một thầy giáo trong tổ thực hiện.

Rất ít người xem

Đó là tôi kể về một quy trình suôn sẻ, chứ trên thực tế, giáo viên phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần theo yêu cầu của khối trưởng, của ban giám hiệu nhà trường, của chuyên viên phòng GD-ĐT. 

Nhiều lần clip đã được dựng xong nhưng phòng GD-ĐT gửi trả lại yêu cầu sửa một số chi tiết. Khi tôi đã sửa rồi, gửi đi nhưng phòng GD-ĐT vẫn chưa hài lòng nên tôi lại sửa tiếp. Đơn giản vì chúng tôi tự mày mò, tự tìm hiểu rồi tự làm chứ có được tập huấn bài bản đâu?

Để cho ra đời một clip bài dạy, giáo viên chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian như thế nhưng hiệu quả ư? Rất ít người xem. Có lần tôi mở clip của chính bản thân mình khi đã được tải lên trang web của trường, sau ba tuần chỉ có 3 lượt xem. 

Tại sao như vậy? Vì tất cả các bài học trong chương trình chúng tôi đã dạy trực tuyến đầy đủ rồi; các clip chỉ là kênh hỗ trợ, giúp học sinh và phụ huynh xem tham khảo mà thôi.

Tôi đã từng thắc mắc với ban giám hiệu trường mình rằng mục tiêu của việc làm clip chỉ để cho học sinh, phụ huynh xem tham khảo thì toàn TP.HCM hoặc thậm chí cả nước chỉ cần làm một clip cho mỗi bài rồi chia sẻ trên mạng. Không nhất thiết mỗi quận, huyện đều phải làm clip riêng của mình như vậy. 

Và hiệu trưởng của trường chúng tôi đã trả lời yêu cầu của Sở GD-ĐT TP.HCM là mỗi quận, huyện phải làm clip cho phù hợp với trình độ học sinh của địa phương mình. 

Tôi thấy yêu cầu này đi ngược lại với chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM về chuyên môn là thời kỳ dạy online, giáo viên chỉ dạy kiến thức - kỹ năng cơ bản chứ không dạy nâng cao.

Căng thẳng cho giáo viên

Ở đây, tôi cũng xin nói thêm riêng với khối 1, 2 thì Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức làm clip dùng chung cho toàn TP. Nhưng với khối 3, 4, 5 thì mỗi quận, huyện mỗi làm.

Thậm chí bạn tôi là giáo viên một trường tiểu học nổi tiếng của quận nội thành còn cho biết trường của bạn ấy tiến hành làm clip riêng cho trường của mình, gây căng thẳng cho tất cả giáo viên.

20-11 sắp đến, tôi mong Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP.HCM bỏ quy định không hợp lý về nhiệm vụ làm clip, để giáo viên chúng tôi dành thời gian chăm chút cho những tiết dạy trực tuyến, chăm chút cho từng học sinh trong lớp của mình.

Dạy học online làm chúng tôi đã vất vả lắm rồi. Việc thường xuyên phải thức tới 2h-3h sáng để làm clip mà chẳng có ai xem khiến ngọn lửa yêu nghề trong tôi ngày càng tàn lụi...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Không bê nguyên chương trình vào dạy trực tuyến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Không bê nguyên chương trình vào dạy trực tuyến

TTO - Dạy và học trực tuyến còn lâu dài. Do đó việc xây dựng chương trình học phù hợp, chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ... là những vấn đề nóng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Kim Sơn ngày 11-11.

HÒA BÌNH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên