Những ngày giãn cách vì dịch bệnh COVID-19, may là có sự vén khéo của mẹ mà gia đình chúng tôi vẫn có được những bữa ăn đủ đầy.
Trước đây, mẹ chồng tôi làm nghề kế toán nên bản tính của bà cẩn thận và đặc biệt là rất vén khéo, biết lo xa. Bà mua hẳn 2 tủ lạnh để trữ thực phẩm, trong lúc dịch bệnh phức tạp này tôi mới thấy "sức mạnh" của 2 tủ lạnh đó.
Trước lúc giãn cách xã hội, mẹ chồng tôi đã kịp tính toán và nhờ cậu chồng cũng như mẹ ruột tôi ở Bến Tre và Vĩnh Long gửi thực phẩm lên. Nào là trứng gà, cá đồng, tôm tép, thịt heo, thịt gà, thịt bò, nhất là các loại rau vườn, trái cây mỗi thứ một chút, tất cả được mẹ làm sạch rồi trữ đông vào tủ lạnh.
Vì thường ngày mẹ cũng đã chủ động trữ thực phẩm để phòng khi cần dùng nên lúc dịch bệnh này, mẹ chồng tôi xoay xở khá nhanh. Và cũng nhờ mẹ biết lo xa nên cả nhà 7 người chúng tôi vẫn được cơm no ngày 3 bữa.
Canh khổ qua dồn thịt
Khổ qua cắt khoanh vừa ăn, bỏ ruột rửa sạch. Cá thác lác rã đông, trộn chung với thịt heo xay rồi nêm nước mắm, muối, hạt nêm, bột ngọt, chút tiêu và hành lá. Sau đó, dồn phần hỗn hợp thịt này vào khổ qua.
Tô canh khổ qua dồn cá thác lác nấu kiểu "cắt khoanh" thay vì buộc hành vì "dịch bệnh này hành đâu ra mà buộc hả con" - mẹ chồng tôi cười, nói
Nước nấu canh cũng cho chút mắm, muối, hạt nêm sao cho vừa ăn, nước sôi thì cho khổ qua vào nấu. Nấu chừng 20 phút là chín. Khi ăn cho thêm chút hành lá và tiêu xay là có ngay nồi canh khổ qua dồn thịt xuất sắc.
Sài Gòn những ngày dịch bệnh còn mưa gió não lòng mà được húp miếng canh khổ qua này phải nói là "ấm áp lắm"!
Ba rọi kẹp mắm
Người dân miền Tây hay có thói quen ăn mắm. Từ mắm cá lóc tới mắm sặc, mắm rô và nhất là mắm tép. Đây là một cách trữ thực phẩm của người dân chúng tôi. Trước dịch, mẹ chồng tôi đã kịp mua vài hũ mắm tép rồi trộn sẵn để dành ăn.
Mấy ngày "đuối" không nghĩ ra thực đơn "hôm nay ăn gì", mẹ chồng tôi lấy miếng thịt heo ba rọi ra rã đông rồi luộc lên chấm mắm tép. Vậy mà cả nhà tôi, nhất là chồng tôi lại "mê như điếu đổ", vét bằng hết nồi cơm của mẹ.
Miếng thịt ba rọi luộc mềm, kẹp với miếng mắm tép, rau sống, ăn chung với cơm nóng phải nói là "ngon thôi rồi". Cái béo của thịt, thơm và mằn mặn của tép, cộng thêm vị cay của ớt, thơm của gừng làm hao cơm dữ lắm.
Thịt luộc mắm tép - món ăn làm nhanh, đơn giản mà hao cơm mùa giãn cách
Cá thu kho khóm và cá thu chiên xốt cà chua
Mẹ chồng tôi có cho một anh quê miền Trung bán bánh mì ngay trước mặt tiền nhà. Điện, nước mẹ cũng hỗ trợ anh luôn, không tính toán gì. Giữa lúc dịch bệnh khó khăn, anh buôn bán cũng gặp khó, dời hết chỗ này đến chỗ kia, nên mẹ tôi "giúp được gì thì giúp".
Mấy ngày Sài Gòn giãn cách, anh nghỉ bán. Bẵng đi mấy hôm, anh chạy xe qua gửi tặng mẹ tôi "mấy con cá thu và mớ rau quê" để đỡ mua thức ăn mùa dịch.
Vậy mới thấy, Sài Gòn dễ thương lắm, luôn dang tay chào đón và nuôi nấng tất cả mọi người từ khắp vùng miền, để rồi những con người không bà con thân thích với nhau lại giúp nhau, cùng dìu nhau qua cơn khốn khó, chia sẻ nhau từng chút một.
Mẹ tôi nhận mấy con cá thu anh gửi mà vui phải biết. Cá tươi nên mẹ làm ngay 2 món ngon là cá thu kho khóm và cá thu chiên xốt cà chua.
Dĩa cá thu kho khóm với nước dừa ngon "nhức nhối" made by mẹ chồng
Cá thu làm sạch, cắt khoanh vừa ăn để ráo. Với món cá thu kho khóm, trước khi kho mẹ ướp cá với mắm, muối, hạt nêm, đường, ớt, hành lá rồi để cho cá ngấm gia vị. Khóm chọn trái chín, cắt miếng nhỏ vừa ăn rồi xào với hành tỏi cho thơm.
Cô em dâu của tôi không biết "lùng" đâu được mấy trái dừa nên mẹ chồng tôi đã chặt 1 trái để kho cá. Nhưng vì dịch bệnh nên dừa khó mua, để tiết kiệm mẹ còn thêm chút nước lọc vào rồi nêm thêm với chút nước mắm, đường, nấu cho nước sôi nhẹ là cho cá thu vào kho.
Kho lửa liu riu tầm 30 phút hơn là nồi cá chín, khi ăn cho thêm ớt xay ngâm chua là ngon hết sảy. Món này nấu chín, giữ lại một phần để ăn ngay, phần còn lại mẹ tôi mang trữ cất vào tủ lạnh, khi ăn hâm lại là cứ ngon như mới nấu.
Cá thu chiên xốt cà ăn với rau dền luộc rất đưa cơm
Riêng món cá thu chiên thì để cá chiên được giòn, ngon, mẹ chồng tôi phải chiên 2 lần. Lần đầu chiên vừa chín tới, khi nào ăn sẽ chiên lại 1 lần nữa để cá giòn, ngọt mà thịt không bị khô.
Cà chua chín đỏ mẹ bỏ hạt, xay nhuyễn. Sau đó, nêm vào cà chua chút đường, hạt nêm và muối cho vừa ăn. Chảo dầu sôi, cho vào chút tỏi và hành tím băm nhuyễn phi thơm rồi xào với cà chua cho đến khi nước hơi sệt lại là được.
Khi ăn rưới phần xốt cà chua này cùng nước mắm chua ngọt vào phần cá chiên. Có vậy thôi mà đưa cơm dữ lắm, em chồng tôi không mê ăn cá mà gặp món này của mẹ làm cũng phải gắp lia lịa.
Ngoài các món ăn kể trên, mẹ chồng tôi còn nấu rất nhiều món cho cả nhà từ mớ thực phẩm trữ đông của mẹ và quà quê gửi lên.
Bông thiên lý mẹ ruột tôi trồng ở quê gửi lên. Thay vì xào với thịt bò thì để thay đổi khẩu vị, mẹ chồng tôi đã dùng lòng gà để xào. Phải nói là rất ngon và lạ miệng. Mọi người có thể thử ngay món này nhé.
Rau luộc chấm kho quẹt. Món này có thể nói là món ăn "quốc dân". Hôm nào ngán thịt, tôi lại tỉ tê với mẹ chồng để mẹ làm cho ơ kho quẹt siêu ngon. Rau cũ trữ sẵn trong tủ lạnh, chỉ việc rửa sạch rồi luộc chín là có ngay món ăn "thần thánh". Cơm nóng, ăn với rau luộc chấm kho quẹt mà mồ hôi ứa ra, miệng hít hà vì cắn phải miếng ớt hay hạt tiêu nhưng rồi lại cắm cúi ăn vì ngon quá thể.
"Cảm ơn mẹ" là câu mà chị em chúng tôi muốn nói với mẹ nhất lúc này vì mẹ lúc nào cũng yêu thương và lo lắng cho gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho chị em chúng tôi giữa lúc "Sài Gòn đang bệnh".
Nấu ăn những ngày giãn cách
Tuổi Trẻ Online mở chuyên mục Nấu ăn những ngày giãn cách để các chuyên gia ẩm thực, những người nổi tiếng giới thiệu những món ăn, thức uống dễ làm, hiệu quả lại đơn giản phù hợp những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.
Bạn đọc có món ngon, thức uống hay và muốn chia sẻ cùng mọi người, xin mời gửi bài, ảnh, video về email [email protected]. Bài được đăng tải sẽ được trả nhuận bút xứng đáng. Cảm ơn bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận