Tử tù Lê Văn Thọ (trái) và Nguyễn Văn Tình đã trốn thoát khỏi phòng biệt giam - Ảnh: THÂN HOÀNG
Dưới đây là chia sẻ của vị cựu điều tra viên với Tuổi Trẻ Online
Với các trại tạm giam, trại giam - việc quản lý những người được xã hội đánh giá là lầm lỡ, là xấu, là phải giáo dục lại, là phải cách ly với xã hội có hoặc không thời hạn khó gấp trăm, gấp ngàn lần bên ngoài.
Bởi các phạm nhân tuy cũng có người lầm lỡ trong hành động khi ở xã hội, số đông còn lại bị đánh giá là người xấu. Người tốt, người xấu lẫn lộn còn khó quản, nơi tập trung hầu hết người xấu thì mức độ khó quản lý sẽ như thế nào - một người bình thường cũng có thể hình dung ra.
Nghĩ cách đào thoát 24/24
Trong trại tạm giam hay trại giam - nơi tập trung nhiều thành phần bất hảo, ra vào tù như cơm bữa, cả đời chỉ nghĩ tới những việc làm xấu, nghĩ ra các phương kế để trốn trại, để gây án thì áp lực tinh thần của những người quản giáo, làm việc trong môi trường đó lớn lắm.
Tôi không bênh vực các đồng nghiệp của mình, mà chỉ muốn chia sẻ một sự thật về công việc của những người làm trong lĩnh vực này.
Với các bị can, bị cáo "thâm niên" thì gần như trong cả 24 giờ của một ngày, nếu không phải tính toán việc móc nối với đồng phạm, đàn anh, đàn em để tìm cách chối tội, giảm án thì họ tập trung hoàn toàn vào việc nghĩ cách trốn trại.
Chỉ một sơ suất thật nhỏ, lơ là trong kiểm tra, khám xét thì hậu họa khôn lường có thể xảy ra. Người quản giáo, giám thị có khi mất cả sự nghiệp phấn đấu vì một sơ suất nhỏ, để can phạm bỏ trốn.
Một vài trường hợp cụ thể, tôi không tiện nêu danh tính, địa điểm xảy ra vụ trốn trại, nhưng có thể kể qua một vài chi tiết để bạn đọc hiểu thêm.
Một đối tượng cộm cán bị bắt, khi vào trại tạm giam, nơi vốn cũng không lạ gì vì trước đó đã nhiều lần vào, ra.
Từng khu giam giữ, đặc điểm từng khu, thậm chí từng phòng người này đều nắm được. Trong các phòng giam, dù cùng khu hay khác khu, các đối tượng đều có cách để liên lạc, trao đổi thông tin với nhau, rất khó để cấm, cản tuyệt đối.
Có khi ống nước dẫn từ phòng này qua phòng kia, khu này qua khu khác cũng là "đường dây liên lạc" của can phạm bằng nhiều chiêu trò khác nhau.
Âm thanh truyền từ phòng này qua phòng khác bằng những tiếng gõ tường cũng mang các "mã" ký hiệu khác nhau, chỉ có các can phạm mới hiểu. Chưa kể vô cùng nhiều chiêu, trò khác nữa của các phạm nhân.
Can phạm có 24g trong ngày để tính mưu kế, có toàn thời gian ở trong trại để tập trung tinh thần, hành động. Chỉ sơ hở một giây, một vật cứng, một mẩu kim loại nhỏ xíu hay một phần của cái thìa, cái muỗng cũng là công cụ đắc lực cho các đối tượng đào tường, bẻ còng, cùm trốn thoát.
Ít ai nghĩ rằng tường gạch, bê tông, cùm, còng bằng sắt, thép, Inox vậy mà can phạm có thể phá được. Tuy nhiên, tội phạm có "nghề", và truyền "nghề" cho nhau vô cùng tinh vi.
Cùng một phòng giam, đối tượng đi trước tạo điều kiện cho đối tượng đi sau, có khi chỉ mỗi ngày tiểu vào một điểm, nơi đó dần mục ra, kể cả cùm, còng bằng thép, inox cùng vậy, sẽ mòn dần. Nếu quản giáo không tập trung cao độ, chi li từng tí là sẽ mang họa ngay.
Lê Văn Thọ (Thọ sứt) trong lần làm việc với cán bộ tại Trại tạm giam Sơn La - Ảnh: GIA MINH
Những chiêu "khủng bố" giám thị, quản giáo của tù nhân
Đó là chưa tính tới các chiêu, trò của các can phạm là tội phạm chuyên nghiệp. Các đối tượng này ngày đêm quậy phá, hò hét, gây áp lực tinh thần "khủng bố" cho các quản giáo, cán bộ trại giam.
Các phạm nhân đã khiến cho những người quản lý căng thẳng triền miên, nếu vào phòng giam, biệt giam kiểm tra có thể bị tấn công, hoặc hứng tất cả các chất bẩn thỉu khiến cho họ có tâm lý … ngại vào kiểm tra.
Đây là cách mà các đối tượng tạo cơ hội nhiều hơn cho bản thân hoặc "hậu sinh" vào phòng có cơ hội đục tường, đào sàn, phá song sắt trốn thoát.
Những bị án chờ thi hành án tử hình thực sự là một cực hình với những người quản lý. Các bị án loại này hầu hết là người giết người không ghê tay, trùm các băng nhóm giết người cướp của… nên thừa kinh nghiệm và thủ đoạn đối phó.
Bất cứ trại tạm giam nào phải giam giữ các bị án này đều "sống trong mệt mỏi, lo âu", nói cách khác là được ngày nào an toàn biết ngày đó. Bởi các đối tượng này vốn bị xác định không có khả năng cải tạo, phải loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống.
Giữa lằn ranh mong manh giữa sống và chết, với những con người "không còn gì để mất" này, 100% thời gian họ chỉ dành cho việc nghĩ cách tẩu thoát, trốn khỏi cái chết đang trực chờ phía trước bằng cách trốn trại thì mọi chiêu trò, thủ đoạn đều có thể nghĩ ra và thực hiện.
Trở lại câu chuyện thời sự về hai tử tù bỏ trốn, cần hiểu đây là các đối tượng đang trong thời gian chống án, chờ xét xử phúc thẩm chứ chưa phải có bản án có hiệu lực và chờ thi hành.
Cả hai đều là những đối tượng lì lợm, có bề dày phạm tội và hung ác khó lường, đặc biệt là Thọ sứt.
Tôi không thể kết luận về vụ việc, nhưng bằng kinh nghiệm nhiều năm của mình, tôi tin không có cán bộ, quản giáo hay bất kỳ ai có trách nhiệm của trại tạm giam lại có thể cố tình có hành động "giúp đỡ" cho các đối tượng này đào thoát.
Nếu là các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng, lừa đảo, mức án nhẹ thì nhiều người còn có thể nghi ngờ về việc ai đó sa ngã, tạo điều kiện cho can phạm móc nối, thông cung, thậm chí trốn trại vì tiền.
Tuy nhiên, với loại tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng, lại bị kết án tử hình thế này, ai cũng hiểu là nếu dính vào sẽ không có đường thoát và không chỉ công danh sự nghiệp chắc chắn mất đi, mà những năm tháng tù phía trước không thể tránh khỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận