21/10/2018 15:13 GMT+7

Khổ như nữ công nhân vệ sinh

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Có người đã thiệt mạng. Có gia đình đã lâm vào cảnh bần cùng khốn đốn khi chẳng may làm việc trên đường khuya bị những kẻ say xỉn tái xe tông phải rồi bỏ chạy… Đó là những câu chuyện thường thấy của nữ công nhân vệ sinh tại TP.HCM.

Khổ như nữ công nhân vệ sinh - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ đối thoại sáng 21-10 - Ảnh: TỰ TRUNG

Những người trong cuộc đã nghẹn ngào, có người bật khóc khi kể lại những tai nạn đó trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo TP.HCM sáng 21-10, với chủ đề Xây dựng môi trường lao động an toàn, hiệu quả đối với nữ công nhân. 

Trong hơn 3 giờ đồng hồ, bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng với các lãnh đạo TP, sở ngành đã nghe các nữ công nhân vệ sinh nói lên những khó khăn trong công việc của mình.

Tai nạn lao động

Chị Võ Thị Ngọc Dung, công nhân Công ty Dịch vụ công ích (DVCI) Quận Thủ Đức kể rằng hơn 20 năm làm công nhân vệ sinh, chị chưa từng được đón giao thừa với gia đình. 

Chị Dung bật khóc khi kể về những đồng nghiệp làm ca đêm, gặp những kẻ say xỉn chạy xe tông trúng rồi bỏ chạy, trong khi thủ tục về bồi thường do tai nạn lao động rất khó khăn. Bản thân chị cũng đã bị xe tông một lần khi đi làm trên đường Phạm Văn Đồng.

"Người ta yêu cầu có biên bản hiện trường, sơ đồ hiện trường… Nhưng họ tông mình rồi bỏ chạy, mình đâu có giữ lại được. Nhiều tuyến đường lại không có camera an ninh", chị Dung giải thích.

Những tai nạn như chị Dung kể dường như là chuyện quá quen thuộc mà những công nhân vệ sinh phải chấp nhận nó như một phần nghề nghiệp của mình. 

Anh Đặng Trí Đức, công nhân công ty DVCI Quận 8 kể, vợ anh làm cùng công ty, bị tai nạn năm 2013, mất sức lao động 58%, không thể đi làm được nữa.

Chị chỉ được hưởng trợ cấp 1,2 triệu đồng, nay đã tăng lên được 1,5 triệu đồng/tháng nên không thể đủ trang trải cho cuộc sống. Cũng may công ty tạo điều kiện cho con anh sau khi đi nghĩa vụ quân sự về được vào làm công nhân nên anh và con đi làm mới nuôi được người vợ thương tật. Anh Đức kiến nghị tăng mức trợ cấp để người lao động yên tâm đi làm.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội, cho biết trường hợp tai nạn như trên được xác định là tai nạn lao động. Nếu như trước đây yêu cầu phải có biên bản tai nạn giao thông, thì hiện nay chỉ cần văn bản xác nhận tai nạn của chính quyền địa phương hay công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn. Ông Sơn cũng cho biết thêm, nhiều đơn vị có mua thêm bảo hiểm tai nạn cho công nhân, như vậy là rất tốt.

Khổ như nữ công nhân vệ sinh - Ảnh 2.

Công nhân quét rác tại góc đường Bùi Viện và Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyển nghề cho công nhân vệ sinh lớn tuổi

Tại buổi gặp gỡ, một số công nhân nữ cho biết, sau vài chục năm làm việc, tới tuổi 40 sức khỏe suy giảm, "nâng bịch rác lên đã thấy lưng đau, nâng không nổi" và hỏi liệu có thể được sắp xếp một công việc khác phù hợp hơn.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị có giải pháp giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, giới thiệu chuyển đổi nghề nghiệp như công việc như giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh... 

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết thời gian tới sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các chị em trong đào tạo chuyển đổi nghề khi có nguyện vọng.

"Cái này hội có thể làm được, vì mỗi năm hội tổ chức được 10 lớp dạy nghề miễn phí, từ cắt may, làm bánh, giúp việc nhà… Chưa kể bên Sở Lao động cũng có các lớp khác nữa", bà Bích nói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh và đề nghị các công ty dịch vụ công ích quận huyện sớm thí điểm việc này. 

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, giúp việc nhà, chăm sóc cây cảnh, chăm sóc người già… cũng là những dịch vụ mà xã hội có nhu cầu ngày càng tăng. Nếu công ty dịch vụ công ích có cung cấp những dịch vụ này thì độ tin cậy cũng sẽ cao hơn.

Sẽ ban hành khung giá mới trong tuần tới

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo một số công ty DVCI kêu khó khi đơn giá thu gom vận chuyển ban hành rất chậm, khiến các đơn vị này không có cơ sở tính toán.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến hứa là trong tuần sau UBND TP sẽ phê duyệt giá khung này để làm cơ sở để thanh toán.

Về việc ban hành định mức, bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị định mức của năm tới phải xong từ tháng 12 năm trước. Còn nếu chưa có thì tạm tính bằng mức của năm cũ, không để tình trạng người lao động phải chờ định mức, nợ lương công nhân.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên