28/11/2024 06:37 GMT+7

Khó như đòi... quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 1: Quyết kiện, bảo hiểm mới chịu thua

Mua bảo hiểm được đối xử như 'thượng đế' nhưng khi đòi quyền lợi, khách hàng mới thấm và hiểu thế nào là 'lên bờ xuống ruộng'.

Khó như đòi...quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 1: Quyết kiện, bảo hiểm mới chịu thua - Ảnh 1.

Thông tin về hợp đồng bảo hiễm trên trang Thư viện pháp luật

Nếu như khi mua bảo hiểm, khách hàng được đối xử không khác gì "thượng đế" thì lúc yêu cầu bảo hiểm chi trả, đôi khi "thượng đế" mới thấy được chặng đường "trần ai khoai củ". Tuyến bài là những vụ yêu cầu bồi thường bảo hiểm từ thương lượng đến tòa án.

Trong nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm mà tòa án đã giải quyết, không ít trường hợp bên bán bảo hiểm thua kiện vì đưa ra lý do từ chối chi trả bảo hiểm vô lý.

Trong đó có những vụ công ty bảo hiểm căn cứ vào tài liệu được thu thập sai quy định để từ chối chi trả bảo hiểm.

Con tử vong do tai nạn, mẹ khổ sở đòi bảo hiểm nhân thọ

Cuối năm 2021, bà Nguyễn Thị Kim A. (56 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) mua bảo hiểm nhân thọ của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ F. (Công ty F.) với người được bảo hiểm là anh B. (con ruột bà A.). Sản phẩm bảo hiểm bao gồm: sản phẩm chính: 1,8 tỉ đồng; sản phẩm phụ: tử vong do tai nạn: 400 triệu đồng; phí bảo hiểm năm: 32,4 triệu đồng.

Ngày 9-3-2022, anh B. lái xe máy đến đoạn đường Phạm Ngọc Thạch (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thì va chạm với trụ đèn chiếu sáng dẫn đến tử vong. Theo kết luận giám định pháp y ngày 11-3-2022 xác định nguyên nhân tử vong của anh B. là đa chấn thương.

Ngày 27-4-2022, bà A. nộp hồ sơ cho Công ty F. yêu cầu nhận quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng trước đó với số tiền tổng cộng 2,2 tỉ đồng. Tuy nhiên Công ty F. cho rằng anh B. lái xe trong tình trạng say xỉn nên từ chối chi trả bảo hiểm.

Không đồng ý với lý do mà công ty này đưa ra, bà A. nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa án buộc Công ty F. phải chi trả số tiền 2,1 tỉ đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện bị đơn (Công ty F.) trình bày: Sau khi nhận được yêu cầu từ bà A., bị đơn đã tiến hành xác minh và thu thập các thông tin để làm cơ sở giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Bị đơn căn cứ kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương đề ngày 24-6-2022 (gần ba tháng sau tai nạn) ghi nhận trong máu anh B. có cồn với nồng độ là 139,184mg/100ml.

Và kết luận kiểm tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một kết luận nguyên nhân tai nạn là do anh B. lái xe máy mà có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Công ty F. cho rằng hành vi của anh B. được xem là cố ý vi phạm pháp luật và thuộc điều khoản loại trừ bảo hiểm.

Xử sơ thẩm, TAND quận 1 (TP.HCM) đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà A. nên sau đó bà kháng cáo.

Ngày 25-7 vừa qua, TAND TP.HCM đưa vụ án "tranh chấp hợp đồng bảo hiểm" trên ra xử phúc thẩm. Cấp phúc thẩm cho rằng có sự mâu thuẫn trong các văn bản trả lời của cơ quan công an.

Hỏa táng trước… khám nghiệm tử thi sau?

Cụ thể, theo biên bản bàn giao tử thi ngày 9-3-2022 giữa bà A. và cán bộ điều tra Công an TP Dĩ An thì việc bàn giao tử thi anh B. vào lúc 10h30, đến 11h35 cùng ngày thì tử thi được hỏa táng (theo biên bản xác nhận hỏa táng của đài hỏa táng).

Nhưng biên bản thu mẫu máu của anh B. để giám định nồng độ cồn lại ghi thực hiện lúc 11h30 ngày 9-3-2022, kết thúc lúc 11h45 và biên bản khám nghiệm tử thi ghi thực hiện lúc 12h và kết thúc lúc 13h cùng ngày.

Cũng theo hội đồng xét xử, cơ quan điều tra không lập biên bản niêm phong mẫu máu giám định và khi niêm phong chỉ có một chữ ký của cán bộ điều tra là không đúng quy định.

Tại tòa, bà A. khai từ lúc nhận bàn giao tử thi con trai đến lúc hỏa táng không có đơn vị chức năng nào liên hệ để khám nghiệm tử thi hoặc thu mẫu máu. Bà A. đã có đơn phản ảnh cơ quan điều tra làm sai lệch hồ sơ.

Tại thông báo kết quả xử lý đơn của bà A. của cơ quan điều tra thể hiện nội dung: "…Do quá trình di chuyển nơi làm việc nên cán bộ điều tra đã làm thất lạc mẫu máu".

Hội đồng xét xử cho rằng việc làm thất lạc mẫu máu là không có sự bảo quản đúng theo quy định và sau đó thực hiện giám định trễ 2 tháng 28 ngày là quá thời hạn thực hiện giám định để xác định nồng độ cồn trong máu.Từ những phân tích trên, tòa phúc thẩm không công nhận kết luận giám định đối với mẫu máu của anh B..

Do không có căn cứ xác định mẫu máu của anh B. có nồng độ cồn nên không thuộc phạm vi loại trừ nghĩa vụ bảo hiểm để công ty bảo hiểm từ chối chi trả quyền lợi cho bà A.. Từ đó tòa chấp nhận kháng cáo của bà A., buộc Công ty F. phải bồi thường cho bà A. số tiền 2,1 tỉ đồng.

Công ty bảo hiểm thua kiện vì tự diễn giải thuật ngữ y khoa

Ngày 19-7-2019, bà Nguyễn Thị Kim T. (67 tuổi) và Công ty M. ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với quyền lợi bảo hiểm bệnh lý nghiêm trọng là 500 triệu đồng. Sau đó ngày 27-7 cùng năm, hai bên ký thêm một hợp đồng khác với hỗ trợ đóng phí do tử vong hoặc bệnh lý nghiêm trọng trong 15 năm là 28 triệu đồng/năm.

Giữa năm 2021, bà T. nhập viện điều trị với chẩn đoán u màng não thái dương. Sau khi điều trị, bà T. liên hệ Công ty M. để giải quyết quyền lợi.

Tuy nhiên công ty bảo hiểm từ chối chi trả, đồng thời đơn phương đình chỉ hai hợp đồng trên với lý do bà T. khai báo không trung thực các thông tin sức khỏe khi tham gia bảo hiểm. Do đó bà T. kiện công ty này yêu cầu khôi phục hiệu lực đối với hai hợp đồng và chi trả các quyền lợi với số tiền là 591 triệu đồng.

Theo bị đơn, bệnh án của bà T. thể hiện bà khám và điều trị ngoại trú từ ngày 2-4-2018 đến 8-8-2019 với chẩn đoán "migraine/rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm". Nhưng khi trả lời câu hỏi trước khi tham gia bảo hiểm với nội dung "ông/bà có được chẩn đoán, điều trị... rối loạn thị giác, thính giác... bệnh tâm thần kinh?", bà T. trả lời "không có" là khai báo không trung thực.

Theo hội đồng xét xử, bị đơn cho rằng "migraine/rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm" là "bệnh tâm thần" và có liên quan đến bệnh u màng não nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh.

Ngoài ra, bà T. mua bảo hiểm sau hai năm mới điều trị bệnh u màng não, bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm không liên quan gì đến bệnh u màng não. Từ đó, tòa án hai cấp đều tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà T..

____________________________________________________________

Kỳ tới: Cần đơn giản hóa ngôn ngữ trong hợp đồng bảo hiểm

Khó như đòi...quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 1: Quyết kiện, bảo hiểm mới chịu thua - Ảnh 2.Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro

Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có rủi ro tiềm ẩn mà khách hàng cần cẩn trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên