* Bloomberg: Việc VN trở thành nước có thu nhập trung bình ảnh hưởng thế nào đến mức độ tài trợ của WB? - Là một nước có thu nhập trung bình đồng nghĩa với việc ODA giảm xuống. Lúc đó phải tăng cường khả năng thu hút tài chính mà không phụ thuộc vào ODA. Đây là một tiến trình tự nhiên và không thể và không nên coi đó là sự yếu đi của một nước. |
Bà Sri Mulyani Indrawati đã gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo các bộ có liên quan để thảo luận về một loạt vấn đề phát triển. Bà cũng gặp một số chuyên gia tư vấn của VN và đại diện khu vực tư nhân. Ngày 3-12, bà đã có cuộc họp báo ở Hà Nội.
Theo đuổi chính sách nhất quán
* AFP: Bà đánh giá thế nào về khả năng sụp đổ khu vực đồng euro và nếu điều này xảy ra thì ảnh hưởng thế nào đến VN?
- EU phải tiếp tục cải cách và đảm bảo đưa ra được chính sách giải quyết các thách thức hiện nay. Khi nào mà sự không chắc chắn vẫn còn tồn tại thì còn ảnh hưởng đến EU và toàn bộ thế giới còn lại. VN đã chuyển đổi từ một nước thu nhập thấp sang giai đoạn đầu của thu nhập trung bình chủ yếu nhờ khu vực thương mại, đặc biệt là xuất khẩu, bởi vậy độ nhạy cảm của kinh tế VN với thế giới rất cao. VN phải đối mặt với sự suy giảm nhu cầu từ EU và Mỹ, hai thị trường xuất khẩu chính. Bởi vậy, VN cần thận trọng trước sự suy yếu của kinh tế toàn cầu.
Về mặt chính sách, Chính phủ VN đã tuyên bố quyết tâm kiềm chế lạm phát ở mức một con số vào năm sau. Đi từ mức gần 20% năm nay tới mục tiêu này, điều đó có nghĩa Chính phủ phải rất nhất quán và nhanh chóng thực thi các chính sách, VN sẽ phải giảm việc mở rộng các nhu cầu chi tiêu dẫn đến lạm phát. VN cũng đối mặt với sự suy yếu của tiền đồng do tác động của lạm phát cũng như chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng cao. Nhưng Chính phủ đã chứng tỏ sự lãnh đạo mạnh mẽ của mình, đặc biệt trong chính sách tiền tệ, để đảm bảo lạm phát kỳ vọng giảm xuống mức một con số.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng của hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng và đó là lý do tại sao VN cần xử lý tốt sự đánh đổi giữa mục tiêu này và mục tiêu tăng trưởng. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình bình ổn kinh tế, Chính phủ cần theo đuổi và thúc đẩy các cải cách cơ cấu vì để có tăng trưởng chất lượng cao hơn và lạm phát thấp hơn, đòi hỏi ngày càng nhiều cải cách cơ cấu. WB khuyến khích VN học hỏi từ các nước khác và đảm bảo chính sách đưa ra được theo đuổi một cách nhất quán.
* Tuổi Trẻ: Qua các cuộc làm việc ở VN, bà nhận định thế nào về ưu tiên tái cơ cấu ba lĩnh vực là đầu tư công, thị trường tài chính và doanh nghiệp nhà nước? Trong hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ ngày 6-12 tới ở Hà Nội, WB quan tâm điều gì?
- Trong bối cảnh phức tạp mà VN đang đối mặt, mọi cải cách đều có quan hệ qua lại lẫn nhau. Đầu tiên phải là ổn định nền kinh tế, đây là ưu tiên cao nhất do nó có tác động tức thời và là điều kiện để tiến hành các cải cách khác. Trong 12 tháng tới, Chính phủ cần phải nhất quán không chỉ trong chính sách mà quan trọng hơn là ở hành động nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Các cải cách khác về trung hạn cũng cần phải thực hiện những bước đi đầu tiên, trong đó khó khăn nhất là cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước cho dù đó là doanh nghiệp ngân hàng hay phi ngân hàng và củng cố các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Quan tâm đầu tiên của chúng tôi là làm sao Chính phủ VN duy trì được những tiến bộ đã đạt được từ trước đến nay bằng cách tiếp tục cải cách. Thứ hai, chúng tôi ủng hộ các ưu tiên của Chính phủ trong việc tái cơ cấu và cải cách doanh nghiệp nhà nước và xây dựng cơ chế thị trường. Thứ ba, chúng tôi quan tâm đến hỗ trợ VN tăng khả năng cạnh tranh bằng cải thiện nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Lạm phát là lĩnh vực cần tập trung trong năm 2012
* VOV: Từng là bộ trưởng tài chính của Indonesia, xin bà chia sẻ kinh nghiệm đối mặt với khủng hoảng?
- Tôi rất mừng là bạn đã hỏi về bài học Indonesia. Đây chính là vấn đề chúng tôi đã trao đổi với các nhà lãnh đạo VN. Indonesia cho chúng ta bài học quý giá cả về thất bại và thành công khi cải cách đất nước, nhất là cải cách tài chính và doanh nghiệp nhà nước. Khủng hoảng tài chính cuối những năm 1990 là cuộc khủng hoảng lớn nhất xảy ra với Indonesia, và nước này đã phải dành tới 70% GDP để chấn chỉnh hệ thống ngân hàng và tài chính. VN có thể tránh một cuộc khủng hoảng tàn phá nặng nề như vậy nếu Chính phủ có thể đưa ra các quyết định khó khăn vào thời điểm này.
Sẽ có nhiều đau thương nhưng là các quyết định quan trọng và cần thiết để cải cách. Chúng tôi cũng chia sẻ với Chính phủ VN về kinh nghiệm của nhiều nơi khác đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính như Đài Loan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc... Thông điệp ở đây là cho dù bạn có hệ thống nào và quy mô nền kinh tế ra sao vẫn có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng.
* Báo Hải Quan: Hiện nay tỉ lệ nợ công của VN là trên 50% và tiếp tục gia tăng. WB có lo ngại gì về vấn đề này và tỉ lệ bao nhiêu là an toàn?
- Vấn đề với VN không phải là tăng trưởng mà là lạm phát và đây là lĩnh vực cần được tập trung trong năm 2012. Hiện nay với tỉ lệ nợ công trên 50% GDP, Chính phủ cần quản lý nền kinh tế thận trọng hơn. VN có thể đạt tăng trưởng cao hơn mà không cần tăng nợ nếu áp dụng các cải cách tiến bộ và nhất quán.
VN có thể duy trì mức tăng trưởng khoảng 6% nếu cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, giảm tệ quan liêu... Nên quan tâm tới việc duy trì chất lượng tăng trưởng. Tỉ lệ nợ công có thể dần giảm xuống nếu chúng ta có tình hình kinh tế bền vững và lành mạnh. Đây chính là thách thức hiện nay của VN: tạo dựng nền kinh tế lành mạnh mà không tăng thêm nợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận