Về cơ quan chủ trì triển khai dự án, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi qua 3 địa phương là TP.HCM, Long An, Tiền Giang, có tính chất liên vùng.
Trường hợp đầu tư công, Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị UBND TP đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương; đồng thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng nguồn vốn trung ương để thực hiện.
Bởi ở giai đoạn 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư bằng ngân sách và hiện nay đang tổ chức quản lý, khai thác.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc phần lớn đi trên địa bàn tỉnh Long An (28,5km/39,75km, chiếm 72%). Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, hiện nay nguồn lực ngân sách địa phương đang khó khăn, chưa cân đối được nguồn vốn đầu tư cho dự án.
Trường hợp đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức đối tác công tư (PPP) - loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) cũng vướng quy định hiện hành.
Nếu việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Trung Lương được hiểu là mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có thì không thể thực hiện được theo hình thức BOT vì luật hiện không cho phép.
Việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ có thể nghiên cứu thực hiện theo hình thức hợp đồng khác của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) như BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) và hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).
"Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện và chưa có dự án nào được cấp thẩm quyền phê duyệt theo hình thức này. Vì vậy, đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu", Sở Giao thông vận tải TP phân tích.
Về quy mô, Sở Giao thông vận tải TP đánh giá, đề xuất đầu tư hoàn chỉnh tuyến chính cao tốc và các tuyến đường nối theo quy hoạch, phù hợp với việc giải phóng mặt bằng đã được thực hiện trước đó.
Cụ thể, tuyến chính mở rộng đáp ứng 8 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Còn tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm mở rộng thêm 2 làn xe để đáp ứng 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đưa vào khai thác giai đoạn 1 cách đây đã hơn 13 năm với 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp. Hiện lượng xe đi lại trên tuyến đang rất lớn, tuyến đường hiện tại không đáp ứng được sự gia tăng của xe cộ và nhu cầu đi lại của người dân. Cao tốc thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết, cuối tuần.
Vào tháng 8-2022, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với các địa phương về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy mô quy hoạch.
Về phương án đầu tư, thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất 3 phương án gồm: đầu tư công; phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); phương thức PPP, hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) và hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận