Phóng to |
Không có giấy tờ ghi chép cụ thể, không thể đối soát lúc cần kiểm tra, việc thu chi các khoản tiền công đức luôn trong tình trạng mà các nhà nghiên cứu gọi là “tù mù” hay “ma trận”. Vậy sẽ có bao nhiêu phần trăm hi vọng cho việc phá tan thế tù mù này? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các chuyên gia.
* GS Ngô Đức Thịnh (ủy viên Hội đồng di sản quốc gia):
Tìm hiểu số lượng tiền công đức rất gian nan!
"Ngay Thái Bình có một ngôi đền được giao cho cơ quan nhà nước quản lý, mỗi năm thu về 2 tỉ đồng. Sau đó đền được giao cho người dân quản lý tiền công đức thì thu được 5 tỉ đồng. Vậy 3 tỉ đồng chênh lệch đó chạy đi đâu? Tình trạng này khá phổ biến, ở đâu cũng thấy" GS NGÔ ĐỨC THỊNH |
Tiền công đức không phải ngân sách nhà nước, đó là khoản thu hút hỗ trợ cộng đồng để tôn tạo, trùng tu, bảo vệ di tích. Việc đòi hỏi minh bạch rõ ràng là rất khó.
Hiện nay có quá nhiều kiểu công đức. Anh đến đền chùa, ghi vào sổ công đức một khoản tiền nhưng lại đưa cho ông thủ đền nhiều hơn. Số tiền chênh lệch đó chẳng ai ghi lại cả. Việc không minh bạch cũng khiến nhiều nơi giữa nhà chùa, nhà đền, ban quản lý và cộng đồng nghi kỵ lẫn nhau. Một vài nơi việc kiểm đếm đều có camera theo dõi, kiểm đếm xong thì nộp vào quỹ của xã, khi có việc mới lấy ra dùng. Số minh bạch này lại không nhiều, chủ yếu việc quản lý tiền công đức vẫn diễn ra tù mù, chẳng biết đâu vào đâu cả. Có những nơi mỗi năm thu hàng chục tỉ đồng nhưng chẳng có sổ sách ghi chép gì cả. Mà đó là di tích quốc gia chứ không phải của tư nhân hay cấp tỉnh, huyện.
Việc tìm hiểu số liệu tiền công đức, chi việc gì, khoản gì thật sự rất gian nan. Các nhà nghiên cứu không thể nào nắm được. Ví dụ như đền Bà Chúa Kho, từ giám đốc sở VH-TT&DL đến chủ tịch huyện, chủ tịch xã không ai nắm được thu chi bao nhiêu. Nhưng 20 năm nay không ai kiện ai, chứng tỏ việc thu chi và phân phối khá công bằng. Ở làng có đền, nhà ngói mọc lên nhanh hơn, người dân giàu hơn các làng khác do được hưởng lợi từ nguồn thu đó. Từ cụ già đến em nhỏ đều được phân chia nhưng hỏi họ được bao nhiêu thì không bao giờ nói ra.
Hơn nữa, cái quan niệm làm việc đền chùa là do thành tâm giờ cũng chỉ tương đối. Còn đồng tiền, quyền lợi lại có sức mạnh ghê gớm thay đổi nhiều thứ. Ở nhiều đền chùa, lượng tiền công đức lớn nhưng di tích vẫn không được tu bổ. Cho nên chỉ có thể cố gắng để các khoản thu chi được ghi vào sổ sách càng cụ thể càng tốt, lấy việc đầu tư trở lại cho di tích là một trong những tiêu chuẩn quan trọng chứ đòi hỏi minh bạch là điều không thể.
* Ông Nguyễn Danh Ngà (nguyên phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ VH-TT&DL):
Có chuyện tham ô, tham nhũng tiền công đức
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng tham ô, tham nhũng trong quản lý tiền công đức là có thật. Cũng vì thế mà nhiều người cố xin vào ban quản lý di tích chỉ vì muốn hưởng lợi từ nguồn thu đó. Bây giờ chúng ta phải đặt ra vấn đề quản lý thế nào để những người đóng góp yên tâm là tiền được sử dụng đúng mục đích, quay về tu bổ, tôn tạo di tích đó. Bên cạnh đó cũng không thể chấp nhận chuyện khoán để làm ăn kinh doanh vì di tích là nơi thờ tự, địa điểm tín ngưỡng tôn giáo, tiền công đức là do thành tâm của con người.
Trong thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đang lấy ý kiến, chúng tôi cũng đề nghị phải rõ ràng trong việc kê khai các khoản thu chi tiền công đức. Khi có dấu hiệu sai phạm thì các cấp có thẩm quyền có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra. Trước mắt chỉ có thể làm được việc đó thôi. Bởi về lý, Nhà nước chưa quản lý việc sử dụng, quản lý tiền công đức.
Nếu tới đây thông tư của Bộ VH-TT&DL ra đời, hướng dẫn việc minh bạch hóa tiền công đức thì những người tham gia các ban quản lý sẽ biết giám sát lẫn nhau để đảm bảo tiền được chi tiêu công khai, rõ ràng. Dĩ nhiên, không thể hi vọng việc công khai cho tất cả mọi người đều biết.
Sẽ có thông tư hướng dẫn việc sử dụng, quản lý tiền công đức Để giải quyết câu chuyện đau đầu về quản lý tiền công đức, Bộ VH-TT&DL cũng đang dự thảo lấy ý kiến đóng góp cho thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (dự thảo đăng trên website của Bộ VH-TT&DL hồi tháng 1-2013). Trong đó, thông tư này dành hẳn một chương để hướng dẫn việc sử dụng và quản lý tiền công đức. Về chủ thể quản lý tiền công đức, thông tư quy định “Đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng có ban quản lý di tích do UBND các cấp thành lập thì ban quản lý di tích có trách nhiệm quản lý tiền công đức”. Riêng đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng nhưng chưa có ban quản lý thì người phụ trách cơ sở đó quản lý tiền và hiện vật thu được. Tuy vậy, thông tư này đang vấp phải sự e ngại từ nhiều phía. Hiện vẫn tồn tại những tranh cãi rất lớn về việc ai là người sở hữu tiền công đức, ai được sử dụng số tiền đó. Ngoài ra, dự tính ban đầu đây là thông tư liên tịch giữa ba bộ: VH-TT&DL, Nội vụ, Tài chính. Tuy vậy, Bộ Tài chính đã rút không tham gia. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận