Tôi cố gắng đếm đủ 3 giây thần tiên chứa bao cảm xúc khó tả, từ thót tim hồi hộp đến sung sướng ngất ngây! Vượt qua nỗi sợ hãi để tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống là một trong những mục đích và lợi ích chính mà tôi và những "đồng dù" (những người bạn cùng tập nhảy dù) mong muốn khi tham gia hoạt động thể thao mạo hiểm này.
Ai nấy đều thừa nhận: "Cảm xúc tuyệt vời nhất là lúc nhảy khỏi máy bay và rơi tự do trong 3 giây đầu trước khi mở dù an toàn". Nhưng làm thế nào để được 3 giây trải nghiệm ngoạn mục đó?
Khổ luyện 3 tháng
Qua lời giới thiệu của một cô bạn đam mê thể thao, tôi đăng ký khóa huấn luyện nhảy dù tròn rơi tự do tại CLB Hàng không phía Nam (Sư đoàn Không quân 370) cạnh sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM.
Khóa tôi ký hiệu K23, bắt đầu học từ cuối năm 2023 sang đầu năm 2024, gồm hơn 20 người độ tuổi đa dạng từ ngoài đôi mươi đến U50, với 30% nữ giới.
Có cả bạn như Ngô Thị Ngọc Vinh (sinh 1998) ở Đắk Nông vì mê trải nghiệm nhảy dù mà không ngại xa xôi, mỗi tuần vượt 250km lên TP.HCM tập luyện.
Hai ngày thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần từ 8h sáng đến 16h chiều, chúng tôi được các giảng viên lần lượt dạy từ lý thuyết đến mọi kỹ thuật, kỹ năng, động tác của người nhảy dù tròn quân đội cần thuần thục.
Chúng tôi ghi nhớ nằm lòng các thông số, tính năng, nguyên tắc hoạt động, tốc độ rơi loại dù tròn quân đội ký hiệu D6 do nước ngoài sản xuất.
Cách lái dù về tâm, thu dù, xếp lại dù đúng chuẩn nguyên tắc an toàn cũng là phần quan trọng trong giáo án mà mọi học viên được đào tạo, trực tiếp thực hành liên tục.
Tại CLB Hàng không phía Nam có bệ nền để các học viên nhảy dù tập luyện hai động tác quan trọng nhất: nhảy ra khỏi cửa máy bay và đếm 3 giây trước khi giật cần dây kéo dù.
Kế đến là tư thế tiếp đất "ba khép" an toàn để không bị chấn thương. Chúng tôi đổ mồ hôi hàng trăm lần thực hành lặp đi lặp lại các động tác quan trọng này.
Đến mức nhiều bạn cười thú nhận trong mơ vẫn vô thức thực hiện các động tác và thuộc làu các lời đếm chuẩn mực: "Rơi được 1 giây. Rơi được 2 giây. Rơi được 3 giây. Bật mở!".
Ngoài ra, chúng tôi còn học xử lý vô vàn tình huống bất trắc trên không như dây dù bị xoắn hoặc bị móc vào chân, hai dù va chạm nhau…
Tình huống hiểm nghèo giả định phải mở dù dự bị cứu mạng, gió lớn bất lợi, hay đáp xuống các địa hình khác biệt từ nóc nhà dân đến ao hồ hay rừng cây thì phải xử lý ra sao để không chấn thương, an toàn tính mạng.
Khổ luyện bài bản là một chuyện, còn thực tế khi bắt đầu đi nhảy dù là chuyện khác hẳn, đặc biệt là tâm lý. Trước đây từng có sự cố bất ngờ học viên lên máy bay rồi hoảng sợ đến mức nhất định không chịu nhảy xuống, ảnh hưởng dây chuyền cả tốp "đồng dù" trên cùng chuyến bay buộc phải hủy bỏ đợt nhảy đó!
Mùa dù lộng gió
Sau 3 tháng tập luyện, chúng tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn, tâm lý vững tin hơn, tinh thần đồng đội gắn kết hơn, và đó cũng là lúc thiếu tá Phạm Hồ Học Sử, phó chủ nhiệm CLB, hồ hởi thông báo "mùa dù hằng năm đã đến" - thường lệ là từ cuối tháng 3 đến tháng 7, khi gió thổi không quá mạnh tại các sân bay nhảy dù.
Tất cả chúng tôi sau quá trình tập luyện đầy đủ, làm hồ sơ lý lịch tư pháp, đi khám sức khỏe tại Hội đồng Y học hàng không, làm bài kiểm tra lý thuyết, mua bảo hiểm, ký giấy cam kết và đăng ký lịch nhảy với CLB để xét duyệt.
Mùa dù lần lượt diễn ra tại các sân bay Tuy Hòa (Phú Yên), Chu Lai (Quảng Nam), Biên Hòa (Đồng Nai), Hòa Lạc (Hà Nội) theo kế hoạch thực hành nhảy dù của Quân chủng Phòng không - Không quân dành cho giáo viên, nhân viên dù, phi công, học viên…
Chúng tôi phải hiện diện tập trung một ngày trước ngày nhảy dù chính thức. Buổi chiều tập luyện lần cuối, buổi tối lên giường đi ngủ trong doanh trại quân đội vào lúc 21h.
Ba giờ sáng ngày nhảy dù, tất cả đồng loạt thức dậy, vệ sinh, thay đồ, ăn nhẹ. Bốn giờ xe chở ra sân bay khi trời còn tối và ánh trăng còn treo cao. Chúng tôi được đo huyết áp, nhịp tim rồi dành 30 phút khởi động, tập lại các động tác, kỹ năng chuyên biệt, đeo đồ bảo hộ.
Từ 5h sáng trở đi, khi ánh bình minh màu cam hiện lên tuyệt đẹp phía chân trời thì các chuyến bay bắt đầu. Mọi người chờ vào lượt thứ tự tốp mình để đeo ba lô dù nặng 15kg vào người, trải qua nhiều khâu kiểm tra chốt khóa an toàn từ lực lượng chuyên nghiệp và bước ra đường băng để lên máy bay.
Mọi thời gian biểu "răm rắp" tuần tự, ai nấy nhiều cảm xúc đan xen như hồi hộp, lo lắng, phấn khích lẫn hạnh phúc. Các bạn "đồng dù" nữ tự động viên nhau bằng những nụ cười thật tươi.
Còn tôi cũng hít hơi dài, giậm chân bước tới với tiếng hô "Đi nào, dũng cảm lên!" để xua tan nỗi lo lắng, tạo năng lượng tích cực và tận hưởng trọn vẹn thời khắc được chờ đợi nhất sau nhiều ngày tập luyện!
Máy bay bay lên độ cao 800m, hầu hết các đồng đội lộ rõ sự căng thẳng và… tôi cũng vậy. Đỗ Tấn Vinh (34 tuổi, ở TP Thủ Đức) bình thường là cây hài náo động, trước "giờ G" mặt mũi xanh lại như tàu lá.
Mọi người nhìn Vinh và nhìn nhau rồi bật cười, cùng đồng thanh hô vang như muốn át tiếng động cơ máy bay để động viên nhau.
Khi đã nhảy dù tới 12 chuyến (tính đến tháng 7-2024), Tấn Vinh chia sẻ với tôi rằng trải nghiệm nhảy dù giúp anh "vượt qua nỗi sợ độ cao lâu nay, luyện được tính bình tĩnh và cuộc sống thêm phần thú vị hơn rất nhiều bên cạnh nghề kinh doanh nhiều áp lực thường ngày".
Quê hương tuyệt đẹp
Nhảy dù ở các sân bay miền Trung, sau khi bung dù và kiểm tra mọi thứ đều tốt đẹp, tôi được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên cao và ngắm cảnh quan tuyệt đẹp với biển xanh, bờ cát vàng và những ngọn núi mờ xa.
Nhảy dù ở sân bay Biên Hòa, tôi được ngắm dòng sông Đồng Nai uốn quanh cùng những mảng xanh quý giá nơi đô thị phát triển.
Sau những giây phút vượt qua chính mình, chúng tôi thêm yêu mến bầu trời, yêu non xanh nước biếc, đất trời Việt Nam tuyệt đẹp cùng ý thức bảo vệ chủ quyền vùng trời Tổ quốc.
"Đồng dù" Lê Phương Anh (Công ty dầu khí Thăng Long JOC), hiện là nữ VĐV có số lần nhảy dù tự do kỷ lục nhiều nhất Việt Nam với khoảng 220 lần trong suốt 12 năm theo môn thể thao mạo hiểm này, tâm sự: "Mỗi lần nhảy dù, tâm trí tôi không vướng bận mọi điều trong cuộc sống thường ngày mà chỉ tập trung cao độ vào môn này, cứ như "thiền định" giữa bầu trời vậy. Mỗi lần nhảy đều là một trải nghiệm khác nhau không lặp lại.
Nhảy dù giúp tôi rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, tính kỷ luật, sự quyết đoán, cẩn thận. Tôi tự tin hơn, tích tụ năng lượng tích cực và thăng hoa cảm xúc sau mỗi chuyến nhảy dù thành công, an toàn".
Việt Nam có CLB Hàng không phía Bắc và CLB Hàng không phía Nam thuộc CLB Hàng không Việt Nam (Quân chủng Phòng không - Không quân) tổ chức huấn luyện đào tạo, thực hành nhảy dù cho người đam mê môn nhảy dù tròn.
Trung tá Đỗ Duy Quý - chủ nhiệm CLB Hàng không phía Nam, người tham gia trực tiếp công tác huấn luyện đào tạo từ năm 2011 đến nay - cho biết: "CLB phía Nam thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006. Hằng năm tổ chức từ 1 - 2 khóa đào tạo học viên nhảy dù, mỗi khóa học từ 20 đến 50 người.
Năm 2024, CLB phía Nam vừa hoàn thành đào tạo khóa thứ 23 và 23+ cho tổng cộng hơn 30 học viên nhảy dù, thực hiện tổng cộng khoảng 150 lần nhảy. Các hội viên CLB có thể được đào tạo tiếp để nâng hạng dù D10, T4, PTL72… cũng như tích lũy số lần nhảy theo mùa dù hằng năm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận