15/08/2015 06:08 GMT+7

Khó hay dễ khi làm "điều nhỏ bé" lễ khai trường?

ĐẶNG TƯƠI - MINH MẪN - MẠNH KHANG
ĐẶNG TƯƠI - MINH MẪN - MẠNH KHANG

TTO - “Tôi mong ngành GD-ĐT tiếp thu ý kiến và chỉ đạo các nhà trường cố gắng làm được điều nhỏ bé này” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ khi nói về lễ khai trường.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc nhở ngành GD-ĐT về việc tổ chức lễ khai trường sao cho thật vui, ấn tượng với tất cả học sinh, nhất là những bé lần đầu đến trường, vừa bước sang cấp học mới.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: Quý Trung

Vì đâu "điều nhỏ bé" trở nên khó khăn?

Chia sẻ với TTO, nhiều bạn đọc cho rằng nhiều năm nay lễ khai trường không còn là buổi lễ dành cho học sinh. Thay vào đó, học sinh phải “chịu trận” mỗi khi tham dự vào những nghi thức của buổi lễ này.

Hoài Phương - học sinh tại Quảng Bình - nhận xét, các lễ khai trường chỉ hấp dẫn với những bạn đầu cấp vì có chút mới mẻ nhưng với đa số học sinh còn lại thì buổi lễ rất nhàm chán, kịch bản năm nào cũng giống nhau, khách dự nhiều lúc trở nên quen mặt đến độ “học sinh ngồi dưới biết rõ họ sắp nói câu gì, nói giọng điệu ra sao”.

Huỳnh Hải - học sinh một trường THPT ở Quảng Nam - cho biết trong các lễ khai trường, nội dung phát biểu của các vị “ngồi trên” quá xa vời, dù cố nghe cũng không hiểu gì.

“Năm nào cũng là một “sớ táo quân” chỉ đổi ngày tháng năm. Nội dung phát biểu chỉ hợp với giáo viên khi họp chuyên môn thôi. Trời thì nắng nóng mà học sinh phải ngồi chịu trận như vậy mấy tiếng liền” - Hải bức xúc.

Chị Hà có con đang học tiểu học chia sẻ: “Trong lần khai trường đầu tiên về, mình hỏi bé có thấy vui không? Bé trả lời là không vì chỉ ngồi hai giờ cho hết lễ chứ không biết thầy cô đang nói “cảm ơn, hứa hẹn, tiêu chí, quyết tâm” là gì”.

ThS Võ Trường Linh (ĐH Sư phạm TP.HCM) nhấn mạnh nhiều trường hợp các trường phải “lùa” học sinh đến dự lễ khai giảng trong khi nội dung buổi lễ lại thiếu thu hút, không có đột phá mới lạ.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã đánh giá tính hình thức của lễ khai giảng vẫn được chú trọng quá nhiều thay vì đào sâu vào nội dung và làm nổi bật mục tiêu hướng đến.

Căn bệnh “nói nhiều” đã trở thành bệnh trầm kha của nhiều người. Đó là lý do vì sao một “việc nhỏ” như tổ chức lễ khai trường vẫn không được làm tốt, khiến các em học sinh phải nghe những bài phát biểu dài lê thê và cảm thấy mệt mỏi, chán nản.

Không khí buổi lễ vui tươi tại Trường THPT Lấp Vò 3, Đồng Tháp - Ảnh: Mạnh Khang

Để ngày khai trường là của học sinh

Nguyễn Thị Cẩm Mịnh (THPT Lấp Vò 3, Đồng Tháp) vẫn nhớ như in lễ khai trường ở những năm học THPT của mình.

Mịnh chia sẻ: “Bắt đầu buổi lễ là những tiết mục văn nghệ do chính các bạn học sinh lựa chọn để biểu diễn. Sau đó là phần chào đón học sinh lớp 10 rất trang trọng và tình cảm. Chính cô hiệu trưởng, thầy cô chủ nhiệm ra cổng dắt tay các bạn vào sân trường, hàng ghế dành riêng cho học sinh đầu cấp. Các anh chị lớp 11, 12 thì cầm hoa, bong bóng và vẫy tay chào đón. Không có những bài phát biểu mà là lời sẻ chia, thể hiện tình cảm và hi vọng của mọi người vào năm học mới".

ThS Đào Lê Hòa An nói ấn tượng sâu đậm nhất về lễ khai trường trong anh là tiếng trống trường. 

"Vào thời của tôi, những ngày đầu tập trung chỉ để sinh hoạt nội quy, đồng phục, lao động, vệ sinh. Đến khi khai trường, sau tiếng trống được các thầy cô giáo mà mình quý mến gióng lên, mỗi học sinh sẽ cảm thấy hứng khởi để bước vào những ngày học chính thức sau đó. Có lẽ vì vậy, lễ khai trường càng thêm ấn tượng vì nó đánh dấu một hành trình mới bắt đầu" - anh Hòa An kể.

ThS giáo dục Nguyễn Ngọc Tuấn - giám đốc hệ thống trường liên cấp hội nhập quốc tế iSchool - cho biết ngày khai giảng trong hệ thống các trường của ông hoàn toàn hướng đến học sinh.

Cụ thể, phần lễ chiếm thời lượng 1/3 tổng thời gian diễn ra lễ khai trường, được thực hiện nghiêm trang nhưng đơn giản, không hình thức, sáo rỗng. Những bài phát biểu của lãnh đạo nhà trường có nội dung ngắn gọn chỉ mang tính chào mừng học sinh đến với năm học mới. Sau đó học sinh được tự do đến với phần hội vui nhộn (chiếm 2/3 thời gian) bằng các tiết mục văn nghệ, trò chơi, đố vui.

Điểm nhấn của lễ khai trường là nghi thức tuyên thệ của học sinh, trong đó học sinh lớp 12 sẽ trao cho các em lớp 10 bảng danh dự “Sáu giá trị cốt lõi”. Tất cả học sinh sẽ cùng tuyên thệ cho một năm học mới.

“Những bài phát biểu dài dòng mà học sinh không hiểu gì theo tôi là chưa chú ý đến đối tượng chính của ngày khai trường chính là học sinh” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ.

Học sinh dự lễ được ngồi trong mái che. Ảnh: Mạnh Khang

ThS Hòa An cho rằng lễ khai giảng cần bỏ đi những phần rườm rà, mang tính hình thức, thay vào đó nên tập trung vào việc hướng dẫn, giúp học sinh có một cái nhìn tổng quát cho một năm học mới với những gì hấp dẫn nhất.

Theo ThS Trường Linh, một buổi lễ trang trọng trước hết người tham gia phải được tôn trọng. Ở đây, người tham gia lễ khai trường là các em học sinh. Hiệu trưởng hãy nói về những khó khăn của trường mình để học sinh biết phải cố gắng như thế nào. Các vị lãnh đạo hãy đi vào thực tế, nhận xét những điều nhà trường đã và chưa làm được để năm học mới cải thiện tốt hơn, giúp các em học tốt hơn

TS Nguyễn Nhã mong rằng các đơn vị hãy “nói ít làm nhiều” để ngày khai trường trở thành niềm vui và sự chờ đón của học sinh.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Bạn Nguyễn Thị Cẩm Mịnh

>> ThS Võ Trường Linh

>> ThS Đào Lê Hòa An

>> ThS Nguyễn Ngọc Tuấn

>> TS Nguyễn Nhã

ĐẶNG TƯƠI - MINH MẪN - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên