Vợ chồng bà Phan Thị Nhung chuẩn bị đi chở nước sinh hoạt về bán lại cho người dân có nhu cầu ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) - Ảnh: DUY THANH
Trưa cuối tháng 8-2021, sau buổi lên rẫy, trên đường về nhà, ông Trần Văn Kin ở thôn Hòa Bình (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) chạy xe máy đến trụ sở thôn, nơi có cái giếng khoan công cộng để lấy 2 can nước loại 20 lít đem về nhà. Có gần chục người dân, ai cũng đến giếng này lấy nước, vì các giếng đào trong thôn đều khô trơ đáy.
Giá nước ngất ngưởng
Ông Kin cho biết nước giếng khoan tập trung nhiều khi cũng cạn kiệt, vì vậy người dân phải mua nước về dùng. "Người ta chở tới nhà mỗi bồn 2m3 giá 100.000 đồng. Như nhà tôi mỗi tháng phải mua 1 triệu tiền nước, như vậy mới đủ sinh hoạt cho gia đình 5 người" - ông Kin kể.
Đi làm rẫy về cuối buổi sáng, ông Trần Văn Kin tranh thủ đến giếng khoan tập trung của thôn để xách 2 can nước về dùng tạm - Ảnh: DUY THANH
Cạnh nhà ông Kin, vợ chồng ông bà Phan Văn Độ, Phan Thị Nhung có chiếc máy cày, bỏ chiếc bồn inox 1,5m3 lên phía sau, đi mua nước thôn khác về bán lại cho những người có nhu cầu. "Ai kêu thì mình đi chở cho người ta. Cái bồn này người ta bơm bán nước cho mình là 45.000 đồng, mình chở đến bơm lên bồn lấy giá 90.000 đồng, chỉ là lấy tiền dầu thôi chứ không tính công gì đâu" - bà Nhung cho biết.
50.000 đồng/m3 nước quả là quá đắt nếu so với giá nước máy ở các đô thị tại Phú Yên chỉ 7.000 - 12.000 đồng/m3 tùy bậc thang sử dụng. Đồng bào miền núi còn khó khăn, thu nhập thấp, giữa lúc vất vả với dịch COVID-19, việc phải chi cả triệu đồng/hộ/tháng để mua nước càng khiến nhiều gia đình khó khăn gấp bội.
Coi tivi thấy Chính phủ chỉ đạo giảm giá điện, nước do COVID-19. Nhưng nhà mình ở vùng cao không có nước máy, mua nước người ta chở đến giá đâu có giảm gì”.
Ông Trần Văn Kin, người dân xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên)
3.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 29-8, ông Tô Phương Bắc - chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa - cho biết năm nào đến mùa hạn, một số vùng ở các xã Sơn Định, Cà Lúi, Phước Tân của huyện này cũng thiếu nước sinh hoạt cục bộ.
"Chúng tôi khoan giếng nhiều lắm, mấy trăm cái, nhưng mùa nắng nóng kéo dài, một số giếng khoan cũng kiệt nước, chẳng hạn xã Sơn Định có 100 cái giếng khoan thì 20 cái cạn nước" - ông Bắc nói.
Người dân thôn Hòa Ngãi (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) gùi chai, lọ đi xa hàng cây số mới lấy được nước về dùng - Ảnh: THANH THẮNG
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên, tính đến tháng 8-2021, toàn tỉnh Phú Yên có 2.918 hộ thiếu nước sinh hoạt cục bộ, trong đó nặng nhất là huyện Sơn Hòa 1.097 hộ. Các địa phương đề nghị Nhà nước hỗ trợ 5,2 tỉ đồng để mua, chở nước cấp cho những khu vực thiếu nước ngặt nghèo nhất.
Ông Tùng nói về lâu dài, tỉnh dành các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương để đầu tư bằng được các công trình cấp nước nông thôn tập trung có tính bền vững, ít chịu tác động của yếu tố khí hậu.
"Hiện UBND tỉnh Phú Yên đã đề xuất và được trung ương đưa vào thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM), giai đoạn 2021 - 2025, khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt tại các xã miền núi thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa" - ông Tùng cho hay.
Ngày 29-8, ông Hồ Đắc Chương, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết toàn tỉnh có 163 hồ chứa nước thì có 105 hồ chứa cạn nước.
"Năm nay tỉnh Bình Định hạn hán ít gay gắt, nhưng vụ lúa hè thu có 1.548 ha không gieo trồng được do thiếu nước. Đề nghị hỗ trợ lương thực cho người dân ở những nơi này. Vụ lúa mùa đang gieo sạ ở vùng có khả năng cấp nước với tổng diện tích 3.069 ha, diện tích gieo sạ còn lại đang chờ mưa", ông Chương nói.
LÂM THIÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận