20/12/2018 13:26 GMT+7

Khó ghi âm ghi hình trong hỏi cung, sao trường học làm được?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Câu hỏi được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt ra tại hội thảo về việc triển khai thi hành Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự ngày 20-12.

Khó ghi âm ghi hình trong hỏi cung, sao trường học làm được? - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Thanh Trang - phó chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an - Ảnh: LÊ KIÊN

Tại hội thảo, đại diện cơ quan chức năng Bộ Công an kêu khó khi triển khai đề án ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng sẽ làm được.

Theo bà Nga, đây cũng là lần đầu tiên tổ chức cơ quan điều tra thực hiện theo quy định của luật (trước đó là pháp lệnh).

"Luật đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, quy định của Hiến pháp năm 2013, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức cơ quan điều tra hình sự tập trung thống nhất, có sự phân công, phân cấp rành mạch và được kiểm soát chặt chẽ" - bà nói.

Các điều tra viên đang "chịu nhiều áp lực"

Trung tá Nguyễn Văn Thịnh - trưởng phòng Cục Pháp chế và cải cách tư pháp, Bộ Công an thì một trong những khó khăn của lực lượng điều tra ngành công an, theo ông Thịnh, là số lượng điều tra viên ngày càng thiếu so với yêu cầu đặt ra. Vừa qua, tiến hành khảo sát thì đa số cơ quan điều tra đều cho biết thiếu điều tra viên, một điều tra viên phải thụ lý rất nhiều vụ án.

"Trước đây tôi làm điều tra viên mỗi năm phải thụ lý 30 vụ án, nhưng vừa qua có địa phương báo cáo là có điều tra viên của họ phải thụ lý điều tra 70 vụ án. Sức lực con người có hạn, áp lực công việc như vậy là rất lớn" - ông Thịnh nói.

Cũng đề cập đến tình trạng này, đại tá Nguyễn Thanh Trang - phó chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, nói thêm: "Theo thống kê, hiện nay cơ quan điều tra các cấp trong lực lượng công an thiếu gần 6.000 điều tra viên so với yêu cầu điều tra, xử lý tội phạm trong khi biên chế bổ sung hằng năm chỉ tương đương số lượng giảm cơ học do đến tuổi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác".

Ví dụ, Công an TP Hà Nội có số lượng điều tra viên khoảng 900 người, trong đó số làm việc trực tiếp là gần 700, tính trung bình mỗi điều tra viên thụ lý khoảng 12 vụ án và 21 đơn mỗi năm. "Với số lượng như vậy thì tình trạng quá tải vẫn diễn ra" - ông nói.

Trao đổi lại với ý kiến các đại diện cơ quan chuyên môn của Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nếu bàn về tăng biên chế thì sẽ bế tắc.

Bà Nga chia sẻ áp lực của các điều tra viên tại một số địa bàn, trong một số thời điểm, nhưng cho rằng giải pháp tốt nhất là trong ngành phải điều hòa, phối hợp theo hướng đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ từ các đơn vị, bộ phận khác.

"Ngay cả khi đề xuất chính quy hóa lực lượng công an xã, Bộ trưởng Bộ Công an đã hứa là sẽ không làm tăng biên chế, mà sẽ điều chuyển cán bộ trong phạm vi quản lý của ngành" - bà Nga giải thích.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng đề xuất hạ tiêu chuẩn điều tra viên để có thể tăng thêm người cũng khó được chấp nhận vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động điều tra. bởi tiêu chuẩn hiện nay là điều tra viên phải có trình độ đại học an ninh, cảnh sát, cử nhân luật trở lên, nếu hạ thấp hơn chuẩn này thì rất băn khoăn.

Khó ghi âm ghi hình trong hỏi cung, sao trường học làm được? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Ảnh: Quochoi.vn

Không ghi âm ghi hình hỏi cung thì khó giải thích với dân

Tại hội thảo, đại tá Nguyễn Thanh Trang cũng nêu một khó khăn, vướng mắc mà ngành đang gặp phải, đó là việc thực hiện đề án ghi âm ghi hình hoạt động hỏi cung trong quá trình điều tra tuy đã được Quốc hội thông qua nhưng hiện nay đang gặp quá nhiều vướng mắc.

"Chúng tôi đi khảo sát cấp huyện thì các phòng hỏi cung rất khó đáp ứng điều kiện ghi âm, ghi hình. Ở mỗi huyện thường chỉ có một vài phòng hỏi cung, còn lại phải đưa lên phòng làm việc để hỏi cung.

Việc đầu tư thiết bị ghi âm, ghi hình cũng tốn kém, nếu phải di chuyển thiết bị cũng khó vì còn liên quan đến tiếng động tiếng ồn… Kinh phí cho đề án thì quá hạn hẹp" - ông nói.

Tuy nhiên, đại tá Trang khẳng định "Quốc hội đã thông qua nghị quyết thì Bộ Công an phải triển khai thực hiện, nhưng xin phép nêu thực trạng để đề nghị xem xét, có lộ trình, giải pháp cho phù hợp với tình hình".

Đáp lại kiến nghị trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: "Ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là vấn đề lớn, đã được Quốc hội quyết định. Khi chuẩn bị cho quyết định này, chúng tôi đã trao đổi với Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công an thì đều nhận được khẳng định là sẽ làm được. Nước ngoài họ cũng đã thực hiện ghi âm, ghi hình trong hỏi cung".

"Hơn nữa, chúng ta thực hiện có lộ trình, thiết bị ghi âm thì cũng không đến nỗi tốn kém. Trong thời đại công nghiệp 4.0, các gia đình có con cái đi học hằng ngày phụ huynh vẫn theo dõi trực tiếp hoạt động của các cháu ở trường, khi cần có thể trích xuất lại qua các thiết bị ghi hình ghi âm, không có gì phức tạp. Bây giờ nếu nói khó quá không làm được thì không thể giải thích thuyết phục với dân" - bà Nga nói thêm.

Ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung: Thực hiện sao cho hiệu quả?

TTO - Kể từ hôm nay 18-3, thông tư liên tịch hướng dẫn ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ có hiệu lực pháp luật.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên