13/07/2018 14:42 GMT+7

Khó đánh thuế tài sản bất minh

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Sáng 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó quy định về xử lý, đánh thuế 45% với tài sản bất minh.

Khó đánh thuế tài sản bất minh - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) - Ảnh: BẢO NGỌC

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết đối với tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ.

Tài sản, thu nhập thuộc diện nộp thuế nhưng chưa nộp thuế thì phải chuyển sang cơ quan quản lý thuế để phân loại và thu thuế theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.

Bà Lê Thị Nga nhấn mạnh đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng chưa chứng minh được tài sản, thu nhập đó do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì coi đây là khoản thu nhập, tài sản mới phát sinh có nguồn gốc hình thành từ thu nhập chưa nộp thuế.

Vì thế dự thảo luật quy định giao cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế để yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, hiện nay loại tài sản, thu nhập này chưa thuộc diện chịu thuế nên cần phải sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân. Nếu sau đó cơ quan có thẩm quyền phát hiện tài sản, thu nhập này do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật tương ứng.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh thu thuế thu nhập cá nhân là phương án có nhiều yếu tố hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống tham nhũng, phù hợp với điều kiện của nước ta và có tính khả thi nhất.

Cùng quan điểm, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết đề án luật lần này mở rộng đối tượng, phương thức kê khai tài sản thông minh hơn.

Dự thảo cũng đưa ra các phương án xử lý tài sản tăng thêm không kê khai trung thực như tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kinh tế thông qua đánh thuế .

"Đối với tài sản không chứng minh được của cá nhân hay nhà nước như biếu tặng có thể bằng tiền, hiện vật cũng được coi là tài sản. Trường hợp không chứng minh được thì tài sản đó phải chịu thuế, theo mức thuế bình quân. Và nếu vi phạm pháp luật vẫn xử lý hình sự tiếp", Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Điều 123 dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ mức thuế suất áp dụng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là 45%.

Nói về phương án xử lý tài sản thu nhập tăng thêm bằng phương án thu thuế thu nhập cá nhân, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thẳng thắn cho rằng phương án này chưa đủ cơ sở thuyết phục.

"Thuế là khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với dịch vụ, tài sản, khoản thu nhập hợp pháp. Không nhà nước nào thu thuế với khoản thu nhập không minh bạch, không rõ ràng và vi phạm pháp luật cả", ông nói.

Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là dự án luật sửa đổi nhưng có nhiều vấn đề lớn. Thứ nhất thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; thứ hai là mở rộng đối tượng kê khai tài sản; thứ ba là xử lý tài sản thu nhập không giải trình được hợp lý, hợp tình nguồn gốc; thứ tư là mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm trong bốn vấn đề thì ba vấn đề đã tương đối hoàn thiện, chỉ có vấn đề xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc còn nhiều ý kiến khác nhau.

Quy định trong dự thảo hiện nay chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý, cả lý luận và thực tiễn.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên