Ông Tập và ông Putin cùng xem gấu trúc mà Bắc Kinh tặng Matxcơva trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Một lần nữa, ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc lại được sử dụng. Lần này, trong chuyến thăm 3 ngày tới Matxcơva bắt đầu từ ngày 5-6, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi tặng chú gấu đực Như Ý và cô gấu Đinh Đinh cho vườn thú Matxcơva.
Nó như một cử chỉ cho thấy mối quan hệ Trung - Nga đang nằm ở một vị trí cực kỳ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Lần gần nhất, Trung Quốc gửi tặng một chú gấu trúc có tên An An cho Liên Xô cách đây đã tròn 60 năm, vào năm 1959.
Chính vì không có nhiều quốc gia trên thế giới được Trung Quốc tặng gấu trúc như một thông điệp ngoại giao nên hành động này mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn trong bối cảnh hiện nay.
Kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta
Cũng dễ hiểu khi một trong những điểm chung khiến Trung Quốc và Nga hiện nay xích lại gần nhau hơn bao giờ hết đó là cả hai quốc gia này đang bị nhiều sức ép từ Mỹ và đồng minh phương Tây.
Một câu nói xưa cũ trong quan hệ quốc tế "Kẻ thù của kẻ thù là bạn của chúng ta" có lẽ vẫn còn đúng đến ngày nay. Có lẽ mối quan hệ Nga - Trung không nồng ấm đến vậy nếu chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump không mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Do đó, các thỏa thuận, ký kết trong cuộc gặp Putin - Tập, ngoài thúc đẩy quan hệ hai nước còn tập trung nhằm để thúc đẩy liên kết Nga - Trung thoát khỏi các kềm tỏa sắp tới của Mỹ như hệ thống thanh toán giao dịch giữa hai nước không sử dụng đồng đôla Mỹ, và họ hiểu rằng họ phải cần tới nhau nhiều hơn thay vì trông chờ Mỹ và đồng minh thay đổi thái độ.
Trung Quốc xem Nga như là một quốc gia cung cấp ổn định về dầu hỏa, khí đốt và tài nguyên thiên nhiên mà không chịu các tác động của Mỹ như Venezuela hay Iran, vốn hiện là các quốc gia cung cấp nguồn năng lượng lớn cho Trung Quốc.
Đường ống dẫn khí đốt Altai dài 2.800km với khả năng trung chuyển khoảng 30 tỉ m3 hằng năm từ phía tây Siberia tới khu vực Tân Cương của Trung Quốc sau nhiều lần trì hoãn vô thời hạn thì cuối cùng đã xác định sẽ cung cấp khí vào tháng 12 năm nay.
Đường khí này được dự đoán cung cấp khí đốt cho gần 1/5 nhu cầu sử dụng khí hóa lỏng của Trung Quốc vào năm 2020. Điều này càng củng cố thêm vị thế Nga là nước cung cấp năng lượng lớn nhất của Trung Quốc.
Còn Nga nhìn Trung Quốc như là một đối tác có nhiều tiền, sẵn sàng đầu tư thay thế cho các nhà đầu tư phương Tây. Trong chuyến thăm Bắc Kinh tham dự diễn đàn sáng kiến "Vành đai, con đường" lần 2 vào cuối tháng 4 vừa qua, Tổng thống Putin tuyên bố ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở khu vực Trung Á, vốn là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga, và chào đón các dự án "Vành đai, con đường" của Trung Quốc như xây dựng cầu, hải cảng ở khu vực Siberia và Bắc Băng Dương lạnh giá của Nga.
Dĩ nhiên, đây cũng là mối quan tâm lợi ích của Trung Quốc khi mở rộng ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực Bắc Băng Dương, mà Trung Quốc gọi là "Con đường tơ lụa trên băng" (Polar silk road) nhằm tìm kiếm năng lượng và khoáng chất vốn chưa được quan tâm nghiên cứu khai thác đầy đủ ở khu vực này.
Đây cũng là điều Mỹ cực kỳ e ngại khi sáng kiến "Vành đai, con đường" mở rộng quy mô sang khu vực mà Mỹ đang nắm giữ ưu thế.
Cần thời gian xây lòng tin chiến lược
Về mặt chiến lược, mối quan hệ Nga - Trung không thể nào quay lại mối quan hệ đồng minh trong thập niên 1950 dưới thời Stalin - Mao Trạch Đông khi Trung Quốc thực hiện chính sách nhất biên đảo, hướng về một bên, cùng chống lại Mỹ - đối thủ của ý thức hệ, như thời chiến tranh lạnh.
Mặc dù cả Bắc Kinh và Matxcơva hiện tại có cùng chung mối e ngại là Washington nhưng sự gắn kết giữa ông Tập và ông Putin hiện tại vẫn là vấn đề kinh tế, thương mại và vai trò nước lớn trong các vấn đề hầu như song trùng về lợi ích giữa Nga và Trung Quốc như Triều Tiên, Venezuela và Iran. Các vấn đề khác có lẽ vẫn còn cần thời gian để hai bên xây dựng lòng tin chiến lược.
Mặc dù Nga là nước bán vũ khí chủ yếu cho Trung Quốc khi gần đây Trung Quốc mua 24 máy bay chiến đấu thế hệ mới Sukhoi Su-35 và 4 hệ thống tên lửa S-400 trị giá khoảng 7 tỉ USD, nhưng năm ngoái mới là lần đầu tiên Trung Quốc với 3.200 lính và 24 máy bay trực thăng được Nga mời tham gia cuộc tập trận Vostok 2018 với sự tham gia của 300.000 lính Nga, 1.000 máy bay, 36.000 xe cơ giới quân sự.
Tuy nhiên, lĩnh vực hợp tác quân sự vẫn còn chậm so với các lĩnh vực khác, và thậm chí so với các nước khác khi chúng ta nhìn sang hợp tác quân sự Nga - Ấn. Hai nước vẫn còn thiếu niềm tin chiến lược cũng như cả vì lý do lịch sử khi vào năm 1969, cách đây đúng 50 năm, hai quốc gia này có cuộc đụng độ trên đảo Trân Bảo, dòng sông Ussuri, ngăn cách biên giới Nga - Trung.
Nhìn ở khía cạnh vĩ mô, hệ thống trật tự thế giới đang cho thấy sự củng cố, phân tách và đối trọng của các thực thể liên minh với nhau, giữa Mỹ, đồng minh và Trung - Nga. Nhìn một cách tỉnh táo, Nga - Trung cần nhau nhưng có lẽ hiện tại sự hợp tác, gắn bó của họ chỉ mang tính đối phó với sức ép bên ngoài hơn là một liên minh với các giá trị kết nối bền vững từ bên trong.
24,5 %
Mặc dù thương mại hai nước Nga - Trung tăng 24,5% trong năm ngoái, đạt mức kỷ lục 108 tỉ USD, tuy nhiên nó vẫn còn thấp so với quy mô nền kinh tế của hai nước.
Tuy nhiên, con số này có thể tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn sắp tới nếu Trung Quốc trả đũa Mỹ bằng cách tăng mua các sản phẩm nông nghiệp như hạt dầu, thịt gia cầm, bột mì từ Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận