18/11/2009 20:39 GMT+7

Khó chữa "bệnh" chạy chức chạy quyền

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TTO - Chiều 18-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội xung quanh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, công tác thi đua khen thưởng và công tác cải cách thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn:

Khó chữa “bệnh” chạy chức chạy quyền

TTO - Chiều 18-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội xung quanh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, công tác thi đua khen thưởng và công tác cải cách thủ tục hành chính.

Hội trường “nóng” ngay câu chất vấn đầu tiên của đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), về “vấn nạn” chạy chức chạy quyền, bổ nhiệm cán bộ. Ngoài ra, các đại biểu khác cũng đề nghị bộ trưởng đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn này nhất là khi đại hội đảng bộ các cấp sắp diễn ra. 

ImageView.aspx?ThumbnailID=375920
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn - Ảnh: Việt Dũng

Bắt mạch, bốc thuốc cho bệnh chạy chức chạy quyền

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), mở đầu phiên chất vấn với một loạt câu hỏi thẳng thắn: Vừa qua ngành GD-ĐT cho ra lò hàng loạt tiến sĩ không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được nhiều bộ ngành trung ương và địa phương cho là nhân tài của đất nước nên đã đề ra nhiều chế độ chính sách hấp dẫn để thu hút và ưu tiên đề bạt bổ nhiệm. Điều này khiến nhiều người chạy cho được tấm bằng tiến sĩ để làm quan.

Có trường phải lập danh dách giáo sư tiến sĩ khống đánh lừa cấp trên để được thành lập trường ĐH. Các cơ quan cấp bộ thì đi đâu cũng gặp tiến sĩ. Tôi đã phản ánh nhiều lần có sinh viên ra trường phải bỏ ra chục thậm chí hàng trăm triệu đồng để xin việc làm, có sinh viên khá giỏi không xin được việc vì không có tiền.

Người ta nói đầu tư cho chạy chức là đầu tư siêu lợi nhuận. Là tư lệnh lĩnh vực này, Bộ trưởng có suy nghĩ gì, trách nhiệm đến đâu và sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng trên khi đại hội đảng bộ các cấp đang đến gần.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn trả lời: Đại biểu hỏi về chất lượng giáo dục đào tạo, Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu ý kiến và trao đổi với các cấp các ngành khác. Tuy nhiên thực tế là bằng cấp các ngành đã đào tạo đã cấp thì chúng ta phải công nhận.

Còn ý kiến đại biểu có nêu là đầu tư cho chạy chức chạy quyền là đầu tư siêu lợi nhuận thì trong các cuộc họp khác tôi cũng đã nói. Có thể nói đại bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp đều do chính tập thể các cấp đề bạt và những cán bộ này trong công tác cũng hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng cán bộ cũng tốt. Tuy nhiên, trong quá trình đề bạt vẫn còn có hiện tượng chạy chức chạy quyền, cho nên để tránh tình trạng này phải làm tốt các qui trình, các bước tiến hành.

Nếu làm tốt thì chúng ta sẽ đề bạt được những người có khả năng còn những người không có khả năng mà tranh thủ chạy chọt sẽ không có cơ hội.

Nếu cấp nào cũng làm được việc sắp xếp cán bộ, cấp nào cũng làm được việc đào tạo cán bộ thì có thể giảm được hiện tượng này. Về phía Bộ Nội vụ chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt các qui chế trên phạm vi cả nước cũng như khắp các cấp các ngành cho đến tận cơ sở.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375921
Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) - Ảnh: Việt Dũng
Chưa đồng tình với giải trình này của bộ trưởng, đại biểu Lê Văn Cuông nói thẳng: “Giải trình của bộ trưởng chưa đi thẳng vào nội dung tôi đã hỏi. Xin bộ trưởng nói có hay không có chuyện chạy chức chạy quyền, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu chứ chỉ nói qua loa rồi chuyển sang vấn đề khác là không được. Tôi thấy chạy chức chạy quyền là căn bệnh di căn, bộ trưởng phải cho liều thuốc mạnh, chứ nói như vậy giống như bốc một liều thuốc cảm cúm, biết bao giờ mới trị dứt. Bộ trưởng phải đưa ra biện pháp cụ thể, phải đánh giá chính xác vấn nạn này”. 

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn trả lời: Tình trạng chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ là có xu hướng tăng. Tôi ghi nhận ý kiến đóng góp đó. Theo quan điểm của công tác bổ nhiệm cán bộ phải là công tác tập thể, phải thực hiện đúng quy trình từ đào tạo, chăm lo và bổ nhiệm. Đặc biệt phải lấy ý kiến tập thể, ý nhiều ngành. Có trường hợp phải lấy ý kiến của mặt trận, bổ nhiệm cán bộ cấp cao còn phải lấy ý kiến từ tổ dân phố. Bộ Nội vụ cũng có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, phổ biến qui trình, giám sát từ qui hoạch đến bổ nhiệm, khi trình cấp trên bổ nhiệm thì phải báo cáo trung thực.

Để chấm dứt tình trạng này theo tôi là rất khó, đây là công tác của cả hệ thống chính trị, phải làm từng bước, có hệ thống mới được.

Dường như chưa thỏa mãn với trả lời của bộ trường đại biểu Cuông xin nói tiếp: “Bộ trưởng nói khó, đúng là khó thật nhưng chẳng lẽ chúng ta bó tay hay sao? Tôi thấy ý kiến của dân đóng góp cũng hay, ví dụ ta đưa nhiều ứng cử viên vào một vị trí, các ứng cử viên phải có chương trình hành động, đưa ra lấy ý kiến phải có đối thoại công khai. Tránh trường hợp việc bổ nhiệm chỉ do một vài người quyết định, tù mù làm như vậy là không dân chủ".

Thi tuyển công chức còn nhiều bất cập

Về những bất cập trong việc thi tuyển công chức, đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh thuận), chất vấn: “Việc thi tuyển công chức đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, không đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, không phù hợp thực tế yêu cầu công việc vì cơ quan có nhu cầu tuyển dụng không trực tiếp tham gia mà phải do hội đồng thi tuyển công chức cấp tỉnh. Nội dung thi tuyển không đánh giá được thực lực người thi tuyển dẫn đến nhiều người được đào tạo đúng chuyên ngành vẫn thi trượt. Hệ lụy là nhiều công chức trúng tuyển không được bố trí đúng nghề nghiệp chuyên môn”.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn thừa nhận: “Đúng là cách tuyển công chức như hiện nay có nhiều điều chưa phù hợp. Vì vậy hướng tới chúng ta không tuyển như hiện nay mà phải tổ chức thi tuyển theo kiểu cạnh tranh, một vị trí phải có nhiều ứng viên thi. Điều này sẽ được khắc phục khi Luật Cán bộ công chức sắp tới được triển khai.

Đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) đưa ra một bất cập khác: “Thi tuyển công chức có qui định phải đạt hai môn bắt buộc là vi tính và ngoại ngữ, tuy nhiên thực tế có nhiều em ra trường rất giỏi chuyên ngành phù hợp yêu cầu vị trí tuyển dụng nhưng không đậu vì không đạt một trong hai môn trên. Có vị trí tuyển dụng không cần hai môn này nhưng cũng buộc phải thi, thi nhự vậy rất hình thức và lãng phí nhân tài”. 

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói: “Vì đây là qui định nên phải thực hiện, các địa phương tùy tình hình thực tế mà vận dụng sao cho nó khéo. Ví dụ ở những cơ quan ngoại giao thì cần ngoại ngữ những chỗ khác thì vận dụng cũng được. Tuy nhiên Bộ cũng ghi nhận đóng góp này để sửa đổi cho phù hợp”.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375922Đại biểu Dương Thị Thu Hà (Lào Cai), đề nghị bộ nghiên cứu và có giải pháp cho việc thi chuyển ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính. Theo đó, hiện chuyên viên thì nhiều nhưng công tác thi tuyển mỗi năm chỉ tổ chức một lần và số lượng chuyển ngạch rất hạn chế, khiến nhiều công tác lâu năm phải xếp hàng chờ. Vì vậy đề nghị Bộ Nội vụ nên mạnh dạng phân cấp cho địa phương thực hiện việc này.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói hiện Bộ Nội vụ đang dần hướng tới việc giao cho địa phương tổ chức thi còn Bộ chỉ quản lý về mặt nhà nước, nhưng cũng phải tiến hành từng bước, ở từng địa phương nhất định sau đó nếu có kết quả tốt sẽ áp dụng phương pháp này.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Dương Thị Thu Hà còn đưa ra một thực tế là công tác tuyển dụng cán bộ chưa thu hút được sinh viên chịu về công tác miền núi vì việc thi tuyển nhiều bất cập. Nghịch lý là sinh viên ra trường chỉ muốn ở lại khu vực đô thị làm bất cứ nghề gì để mưu sinh. Một nghịch lý nữa là cán bộ miền xuôi lên miền núi công tác một thời gian thì xin về miền xuôi, vô tình miền núi lại đào tạo cán bộ cho miền xuôi.

Cắt giảm 30 % thủ tục hành chính là có cơ sở

Theo báo cáo của Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, trong chương trình hành động Chính phủ đã chọn việc cắt giảm thủ tục hành chính làm khâu đột phá, trước sẽ cắt giảm khoản 30% thủ tục hành chính.

Tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, trợ cấp

Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) chất vấn: “Thang lương, phụ cấp trách nhiệm… đã bộc lộ nhiều bất cập giữa các khối ngành. Trong đó cán bộ mặt trận, cán bộ cơ sở thường thấp hơn các khối ngành, đơn vị  khác, vậy bộ có giải pháp gì?”.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn trả lời: “Vì điều kiện kinh tế của chúng ta còn khó khăn nên trong đề án cải cách tiền lương 2003-2007, chúng ta phải chọn một số ngành đang gặp khó khăn cần hỗ trợ trước. Để khắc phục tình trạng này phải đợi đến đề án cải cách tiền lương năm 2008-2012 chúng ta mới rà soát bổ sung tiếp cho phù hợp”.

Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) nêu bất cập trong đề án cải cách tiền lương 2003-2007: “Mặc dù đề án này được thực hiên nhanh nhưng tương quan bất hợp lý giữa các ngành, các lĩnh vực vẫn còn lớn. Vả lại, ngành nào “kêu” thì mới giải quyết còn ngành nào chưa “kêu” thì chưa giải quyết. Đề cải cách này xong chưa mà đến tháng 5 năm 2010 mới nâng lương 650.000 đồng lên 730.000 đồng, nâng như vậy là theo đề án cũ hay theo đề nán mới”.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn trả lời: “Đợt nâng lương này là theo đề án cũ, đợt nâng tiếp theo theo đề án mới dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2011. Nói vậy thôi chứ đề án nâng lương cũng cải tiền nâng dần từng bước chứ không như các nước nâng cao lên được. Việc nâng lương không thể làm một lúc vì điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn. Qua nghiên cứu thực tế thì thấy những ngành cần quan tâm giải quyết như: thanh tra, kiểm lâm, tòa án… đang gặp khó khăn nên chia sẻ trước.

Về vấn đề này đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) hỏi: “Cở sở khoa học nào để đưa chỉ tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính. Giảm thủ tục nhưng thật sự có giảm phiền hà”. Bộ trưởng Trần Văn Tuấn trả lời: “Việc này là căn cứ vào thực tiễn từ các nước, sau khi tham khảo một số nước có giảm trên 30%. Khi tham khảo các ngành thì một số ngành cũng nói có thể giảm được trên 30%. Ở đây chúng ta cắt giảm thủ tục nhưng không có nghĩa là công tác quản lý lỏng lẻo, không có nghĩa giảm 30% số lượng văn bản mà chỉ là giảm những khâu, thủ tục không cần thiết”. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) hỏi: “Giảm 30% thủ tục hành chính liệu đã đủ chưa? Vấn đề công tác cán bộ là vấn đề quan trọng sao chúng ta không chọn công tác cán bộ là khâu đột phá mà lại chọn thủ tục hành chính”

Tham gia trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải thích: “Chúng ta chọn thủ tục hành chính làm khâu đột phá vì thủ tục hành chính bị dân kêu quá, làm mất nhiều thời gian của dân. Thủ tục hành chính qua nhiều thời kỳ bộc lộ yếu kém quá rườm rà và nhiêu khê. Giảm thủ tục hành chính cũng góp phần chung vào phát triển kinh tế xã hội”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói tiếp: “Chọn mức 30% là chúng ta đã nghiên cứu rất kỹ từ thực tế. Trước khi triển khai, chúng tôi đã đi thực tế ở các nước bạn. Một số quốc gia dù thủ tục đã đơn giản nhưng qua tìm hiểu người ta cho biết vẫn còn phải giảm ít nhất 25% nữa. Thực tế khi trao đổi với các ngành trong nước như hải quan, ngân hàng đồng lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng như Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng khẳng định ngành mình có thể giảm ở mức này”. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, nếu làm tốt việc cắt giảm thủ tục hành chính thì các lĩnh vực khác cũng được tác động tích cực. Trong cắt giảm thủ tục hành chính theo lộ trình có ba bước, hiện nay chúng ta chỉ mới đi những bước đầu tiền, còn nhiều việc phải làm. Thực hiện khâu đột phá này vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là rất quan trọng và phải chịu trách nhiệm trước tiên. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ nào, địa phương nào làm tốt những việc khác nhưng thủ tục hành chính làm không tốt thì khi đề bạt khen thưởng phải xem xét đánh giá lại.

Cũng trong phiên chất vấn, nhiều ý kiến đại biểu tỏ ra quan tâm đến việc xét duyệt trao thưởng, các danh hiệu, giải thưởng trao không đúng đối tượng. Tình trạng khen thưởng tràn lan và có hiện tượng xin cho. Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói bộ cũng thấy chuyện đó cũng có điển hình như vụ Vedan, sắp tới bộ nội vụ đang tập hợp ý kiến để sửa luật thi đua khen thưởng.

MINH LUẬN

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên