Phóng to |
Ông Đỗ Ngọc Thống - Ảnh: V.Dũng |
"Chuyện thi cử không đổi mới còn kéo theo đủ hệ lụy khôi hài" PGS.TS Đỗ Ngọc Thống |
- Từ những năm 1980, GS Hoàng Ngọc Hiến đã đặt vấn đề: cái kết của Tấm Cám có thể phản tác dụng giáo dục vì cô Tấm ác quá. Cũng có thể vì lý do này hoặc vì lựa chọn của tác giả sách giáo khoa sau đó mà chương trình cải cách giáo dục những năm 1980 đã bỏ truyện Tấm Cám, không đưa vào chương trình phổ thông nữa.
Về quan điểm cá nhân, tôi thấy nên giữ nguyên. Hai cái kết trước và sau hiệu chỉnh chẳng khác nhau nhiều. Thi pháp cổ tích có kết thúc trong ước vọng. Ước vọng ngày xưa là lành thắng ác, nguyên thủy văn bản tiếp nhận bao lâu nay như thế, bao người nghe kể có làm ác gì đâu. Có lẽ bây giờ nhiều chuyện bạo lực quá nên tạo ra áp lực xã hội đối với cả những tác phẩm trong nhà trường...
Học sinh chưa chắc đã nghĩ thế mà do (một vài) người lớn lo lắng rồi áp đặt cái nghi ngại đó lên tâm hồn con trẻ.
Người ra đề sợ
* Cuộc cải cách giáo dục năm 2000 với chương trình sách giáo khoa mới đang sử dụng hiện nay, trong đó có câu chuyện Tấm Cám được đưa trở lại chương trình học phổ thông có điểm đột phá, tính tích cực gì?
- Cuộc cải cách này nếu nhìn từ môn ngữ văn sẽ thấy sự thay đổi rất lớn, nhất là ở quan niệm dạy học. Trước đây trong nhà trường chủ yếu là giảng văn, thầy giảng cái hay, cái đẹp cho học sinh. Chủ trương cải cách năm 2000 là dạy cho học sinh cách đọc, cách khám phá, giải mã tác phẩm văn học. Thầy không cảm thụ hộ học trò nữa mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tổ chức để học sinh tìm thấy cái hay, cái đẹp. Mỗi học sinh là một chủ thể tiếp nhận, phát huy năng lực riêng của mình...
* Song thực tế trong nhà trường phổ thông, các quan điểm này dường như chưa được thực hiện dù ngành giáo dục đã lại đang rục rịch một cuộc cải cách mới?
- Tư tưởng là thế, nhưng thực tế không làm được. Tôi và vị tổng chủ biên cho chương trình ngữ văn nâng cao đều thừa nhận tư tưởng đó bị phá sản hoàn toàn rồi. Có ba nguyên nhân dẫn đến thất bại này. Thứ nhất, bản thân sách giáo khoa cũng chưa hiện thực hóa được tư tưởng chương trình. Thứ hai, sức ì của giảng văn quá lớn, đội ngũ giáo viên chưa được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo theo hướng này, vẫn theo lối giảng văn cũ, cảm thụ hộ học sinh. Thứ ba và là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cuộc cải cách học văn trong nhà trường thất bại chính ở chỗ thi cử không có thay đổi gì.
* Thay đổi cách thi cử là chuyện đã được nói đến nhiều lần nhưng tại sao mọi việc vẫn cứ giẫm chân tại chỗ?
- Áp lực thi cử tại nước ta quá nặng nề, ra đề không đúng chương trình là cả xã hội nhao lên. Xã hội kêu thì lãnh đạo bộ cũng lo nên người ra đề sợ. Để cầu an cho bản thân, họ ra những đề vốn đã có trong chương trình. Tôi đã nhiều lần nói với Cục Khảo thí và Vụ THPT là hành lang pháp lý có rồi, những người làm chương trình đã chỉ rõ tư tưởng, tại sao các anh không ra đề mới, nhưng họ vẫn không dám.
Chuyện thi cử không đổi mới còn kéo theo đủ hệ lụy khôi hài. Năm nay, Bộ GD-ĐT thực hiện việc điều chỉnh giảm tải ở các môn học. Tôi là trưởng tiểu ban giảm tải môn ngữ văn của bộ, nhận được nhiều ý kiến của giáo viên rằng chương trình lớp 12 không giảm gì ngoài mỗi một bài tiếng Việt.
Nói thật, chương trình văn xuôi sau Cách mạng Tháng Tám hiện chỉ có năm bài. Với tinh thần học gì thi nấy thì nếu chỉ giảm còn bốn tác phẩm thôi, lại phải tuân theo nguyên tắc năm nay ra bài này thì ba năm sau mới được ra lại, hỏi rằng học sinh có đoán ngay được đề từng năm hay không? Như thế thì giảm tải rồi lấy cái gì mà thi?
Dân la là đúng
* Nhìn từ góc độ người làm sách giáo khoa, theo ông, để thực hiện cuộc cách mạng giáo dục, đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống thì gốc rễ của chương trình này là gì?
- Việc đổi mới toàn diện giáo dục là đòi hỏi bức thiết vì cuộc sống vận động liên tục. Nhưng đổi mới theo hướng nào mới quan trọng. Trước hết, anh phải dự báo, lường trước, xem tâm lý bạn đọc thời đổi mới, nhu cầu, sở thích, thẩm mỹ hiện nay ra sao. Thứ hai, người làm cải cách giáo dục phải quan tâm đến xu hướng quốc tế.
Ở Việt Nam, quan niệm văn chương rất nặng nề, thấy cái hay, cái đẹp, giáo dục tư tưởng đạo đức, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung... Với các nước mục tiêu đó được san đều cho các ngành khoa học khác. Ngoài ra, trong khi làm cải cách giáo dục, phải xác định sự kế thừa một cách nghiêm túc, không tung hê hết những gì thuộc về lịch sử.
Tác giả sách giáo khoa cũng không được đầu tư nhiều. Nước ta chưa đào tạo được đội ngũ viết sách chuyên nghiệp, chi phí dành cho công việc này còn khiêm tốn.
* Nhưng dư luận vẫn nghĩ sách giáo khoa luôn được đầu tư rất lớn, chẳng hạn như đề án 70.000 tỉ đồng cho cải cách chương trình sách giáo khoa?
- Trong đề án đó, 35.000 tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, 30.000 tỉ đồng để trang bị phòng thí nghiệm, 5.000 tỉ đồng còn lại cho công tác truyền thông, viết sách..., trong đó sách chỉ tiêu tốn khoảng 1.000 tỉ đồng, tức là 1/70.
Các nước tiên tiến vẫn cấp sách giáo khoa cho giáo dục phổ thông. Nước ta nhìn chung còn nghèo, cải cách sách giáo khoa, tất cả người dân phải bỏ tiền ra, làm sao họ không la được? Nếu có chính sách quốc gia, trong giáo dục bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9), học sinh đi học không phải đóng học phí, sách giáo khoa không phải mua, điều kiện học tập như nhau thì không lo người dân kêu ca.
Nhiều vấn đề cốt lõi ngành cũng chưa giải quyết được, đó là đời sống giáo viên. Nguyên bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng nói đến năm 2010 giáo viên đủ sống nhờ lương, nhưng nay đã cuối năm 2011, liệu có giáo viên nào sống được bằng lương?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận