Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân nếu chẳng may bị chó mèo cào/cắn cần nhanh chóng làm sạch vết thương và đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Tuy nhiên với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ chưa biết nói, nếu chẳng may bị chó mèo cào/cắn với vết thương rất nhẹ và không có người thấy thì khó có thể nhận biết. Vậy trẻ sống trong môi trường có nhiều yếu tố nguy cơ, có thể bị chó mèo làm tổn thương cần phòng bệnh ra sao?
Theo bác sĩ CKII Danh Thơm - phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), ở những trẻ nhỏ nguy cơ cao như trong nhà có nuôi nhiều chó mèo, xung quanh nhà có nhiều chó mèo khó kiểm soát là một trong những nhóm người cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại chủ động.
Bên cạnh đó, bác sĩ thú y, người nuôi nhiều chó mèo, huấn luyện viên chó mèo, nhân viên phòng xét nghiệm vi rút dại, người đi du lịch những vùng nguy cơ cao bệnh dại cũng cần tiêm vắc xin phòng dại chủ động.
Việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại chủ động sẽ bảo vệ những nhóm này tránh nguy cơ mắc bệnh dại trong khoảng 3 - 5 năm tùy theo từng loại vắc xin, trước nguy cơ cao bị những con vật này gây thương tích.
"Nhiều trẻ nhỏ bị chó mèo cào/cắn nhưng phụ huynh không biết vì vết thương nhẹ. Có trẻ còn quá nhỏ, không thể diễn đạt mình bị chó mèo cào/cắn cho bố mẹ hay. Chỉ trong trường hợp trẻ bị chó mèo cào/cắn với vết thương lớn, sâu thì phụ huynh mới hay. Có trẻ đến bệnh viện tiêm vắc xin phòng dại trễ sau 2-3 tháng bị chó cắn.
Do đó, trẻ nhỏ sống trong môi trường có nuôi nhiều chó mèo, có nguy cơ cao thì nên tiêm chủ động", bác sĩ Thơm nói.
Ngoài tiêm vắc xin phòng bệnh dại chủ động cho những nhóm người nêu trên, bác sĩ Thơm lưu ý, nếu bị chó mèo cắn/cào, người bệnh cần xử trí vết thương (rửa bằng nước sạch khoảng 15 phút, nếu có dung dịch i ốt hay cồn 70 độ thì sát trùng thêm) và đến các cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Thơm khuyến cáo với những gia đình có nuôi chó mèo, phụ huynh cần chú ý những vết xước, vết cắn trên người trẻ.
Nếu trên người trẻ có những vết thương và nghi ngờ do chó mèo gây ra, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại
Ngành y tế TP.HCM cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại.
Người nuôi chó, mèo cần thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của cơ quan thú y.
Nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông, nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư. Khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, rọ mõm đề phòng cắn người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận