Lâu nay, giới chuyên gia nhận định vùng biển tỉnh Quảng Ngãi từng có một hệ thống thương cảng cổ kéo dài qua nhiều thế kỷ. Đáy biển Quảng Ngãi được ví von là "nghĩa địa tàu cổ".
TS Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia khảo cổ học dưới nước, khẳng định với số lượng tàu cổ, cổ vật từng được phát hiện thì vùng biển này rất đặc biệt và hiếm có trên thế giới.
Vậy khảo sát, khoanh vùng, khai quật khảo cổ giá trị cực kỳ quý giá này như thế nào?
Một vùng biển đặc biệt
Giữa tháng 5-2023, tại vùng biển thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), bộ đội biên phòng kiểm tra một tàu của ngư dân, phát hiện trên tàu có 33 đĩa, 7 tô nguồn gốc từ tàu cổ đắm ở độ sâu dưới 60m.
Các chuyên gia cổ vật bước đầu nhận định, gốm sứ này gồm đồ celadon men ngọc vẽ ám họa và vẽ ánh vàng trên men, men xanh trắng vẽ hoa lam phân ô. Nguồn gốc gốm từ Chương Châu, vùng Nam Trung Hoa có niên đại ở thế kỷ 16 - 17 thuộc thời Minh.
TS Nguyễn Tuấn Lâm, từng tham gia khai quật tàu cổ ở vùng biển Bình Châu (2013) và Dung Quất (2019), nhận định: "Không chỉ có những con tàu cổ được khai quật hợp pháp, thỉnh thoảng ngư dân vẫn phát hiện và vớt nhiều cổ vật nhưng không báo với cơ quan chức năng. Vùng biển này có số lượng tàu cổ cực kỳ lớn, chứng minh sự phồn thịnh của thương cảng cổ trải dài qua nhiều thế kỷ nơi đây".
TS Nguyễn Đăng Vũ, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, chia sẻ rằng ông từng làm việc với các chuyên gia khảo cổ học quốc tế, họ đưa ra nhiều lý giải việc phát hiện rất nhiều tàu cổ bị đắm.
Trong đó, nhiều nhất là do cướp biển, dựa trên phần lớn các thân tàu bị cháy xém; tiếp theo là tàu neo để tiếp nước, trao đổi mua bán thì gặp sóng lớn va vào đá ngầm (vùng biển này được kiến tạo từ núi lửa) và chìm...
Ông Nguyễn Tuấn Lâm thì khẳng định khi khai quật, nhiều tàu thuyền gốm sứ sắp đều trong khoang tàu, có nhà sưu tầm cổ vật còn có cả thẻ bài dùng để ghi thông tin người nhận số gốm sứ trên tàu.
"Những thẻ bài ấy, trước đây tôi cũng từng thấy khi tham gia khảo cổ một con tàu ở Hàn Quốc", ông Lâm nói.
Con tàu với nhiều cổ vật phát hiện ở vùng biển Bình Hải cần được khẩn trương khảo sát, khoanh vùng bảo vệ, tránh việc ngư dân lặn vớt cổ vật, phá hỏng đi di sản quan trọng nhất là con tàu.
Khẩn trương, tránh "đêm dài lắm mộng"
Nơi con tàu cổ mà ngư dân vừa lặn vớt được gốm sứ, trong lịch sử, là Mũi tổng binh. Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn từng đặt chân đến đây.
Đến thời vua Gia Long và Minh Mạng, khu vực này là tuyến phòng thủ biển, đặt rất nhiều súng thần công (đã từng trục vớt súng thần công ở khu vực này).
Gần Mũi tổng binh có vạn nước ngọt, nơi các thuyền buôn thuở xưa vào lấy nước ngọt.
Năm 2017, trong lúc làm cảng, Công ty Hào Hưng phát hiện một tàu cổ với nhiều gốm sứ dưới đáy biển.
Thế nhưng mãi đến năm 2019 việc khai quật mới tiến hành, thu được khoảng 10.000 tiêu bản vỡ nát, rất ít hiện vật lành lặn.
Các hiện vật khai quật được thuộc giai đoạn Vạn Lịch thời Minh (1573 - 1620). Trong đó, gốm sứ cao cấp được sản xuất ở lò Cảnh Đức Trấn (tỉnh Giang Tây), lò Đức Hóa (tỉnh Phúc Kiến); gốm sứ bình dân được sản xuất tại tỉnh Quảng Đông.
Cũng như bao cuộc khảo cổ dưới nước trước đây, cổ vật giá trị nhất là xác tàu đã hư hỏng do quá trình xây dựng cầu cảng, chỉ thu được những di chỉ như thanh đà mũi tàu, các mảnh gỗ, đinh sắt, khóa đồng...
Hiện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã đưa ra phương án khảo sát, thuê công ty thực hiện thăm dò cách bờ khoảng 6km, trên diện tích 1.000m2 trong 15 ngày.
TS Đoàn Ngọc Khôi - phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, cho biết phương án thực hiện là nhóm thợ lặn chuyên nghiệp, kết hợp với robot lặn dùng máy thổi, máy hút bùn cát, đèn soi chiếu dưới nước... khảo sát quay camera bề mặt hiện trạng. Dựa trên hình ảnh cung cấp, cán bộ kỹ thuật ra quyết định và hướng dẫn thợ lặn bước tiếp theo.
"Toàn bộ việc khảo sát, thăm dò di sản dưới nước này sẽ được giám sát bởi những nhà chuyên môn ngồi trên sà lan", ông Khôi giải thích.
Cũng theo ông Khôi, với phương án trên, kết quả sẽ được báo cáo cho sở bằng nhật ký thăm dò, ảnh chụp, tài liệu phim và các mẫu vật phát hiện: "... là cơ sở để thành lập hội đồng đánh giá và xây dựng phương án khai quật, thu hồi toàn bộ cổ vật trên tàu. Hiện phương án đã gửi lên UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh cũng báo cáo việc phát hiện tàu cổ lần này cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch".
Những con tàu cổ từng được khai quật có gì?
Tàu cổ đắm ở Bình Định gồm gốm sứ thuộc thời Tống Nguyên (Trung Quốc) khoảng thế kỷ 13 - 14; ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) niên đại thế kỷ 15, gồm hơn 40 loại khác nhau, chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu; ở Phú Quốc (Kiên Giang) niên đại thế kỷ 14, gồm có các loại gốm của Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, đồ dùng của thủy thủ đoàn; ở Hòn Dầm (Kiên Giang) niên đại thế kỷ 15, gồm gốm của Thái Lan, xuất xứ từ lò gốm cổ Sanwankhalok.
Riêng tàu cổ đắm ở Bình Châu (tỉnh Quảng Ngãi) có niên đại thế kỷ 13. Đây là con tàu có niên đại cổ xưa nhất, khoảng 700 năm tuổi và cũng là con tàu còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy trên vùng biển Việt Nam...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận