Trong bộ phim Don't look up (tựa Việt: Đừng nhìn lên) quy tụ dàn sao nổi tiếng Mỹ năm 2021, Chính phủ Mỹ đã khuyến khích người dân "đừng nhìn lên trời" vì muốn che giấu thất bại trong việc ngăn chặn Trái đất bị hủy diệt bởi thiên thạch. Hôm 4-2 (giờ Mỹ), điều ngược lại đã diễn ra. Rất nhiều người dân Mỹ đã nhìn lên trời, chứng kiến khoảnh khắc tên lửa được phóng từ chiếc tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ để hạ gục Khinh khí cầu Trung Quốc.
Vì sao Mỹ lại chần chừ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc?
Quân đội Mỹ lần đầu tiên phát hiện chiếc khinh khí cầu khả nghi ở mũi cực nam bang Alaska vào hôm 28-1. Tuy nhiên, mãi đến chiều 4-2 (tức rạng sáng 5-2 theo giờ Việt Nam), quyết định bắn hạ mới được thực thi ngoài khơi bờ biển bang South Carolina. Như vậy, hơn một tuần sau khi bị phát hiện và đi từ bờ tây sang bờ đông, chiếc khinh khí cầu Trung Quốc mới kết thúc hành trình "đi lạc" (như Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định).
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Mỹ lại chậm trễ trong việc bắn hạ thiết bị xâm phạm không phận nước này? Trong chính trường Mỹ, đã có không ít chỉ trích nhắm vào chính quyền Tổng thống Joe Biden vì điều này. Các chính trị gia Cộng hòa khẳng định đây là một khinh khí cầu do thám và việc không bắn hạ nó sớm cho thấy sự yếu ớt của chính quyền đương nhiệm trước Trung Quốc.
Tổng thống Biden và các quan chức của ông lại có một cách giải thích khác. Quân đội Mỹ khẳng định chiếc khinh khí cầu Trung Quốc có giá trị rất ít về mặt thu thập thông tin tình báo - một tuyên bố có phần tiệm cận với những gì Bắc Kinh giải thích đây chỉ là một khinh khí cầu phục vụ thu thập thông tin khí tượng.
Họ cũng bảo vệ ông Biden, cho biết tổng thống đã ra lệnh bắn hạ từ sớm nhưng lo sợ các mảnh vỡ gây hại cho dân thường nên đã trì hoãn đến khi nó bay ra biển. Chính quyền Mỹ cũng thông báo sẽ thu thập xác khinh khí cầu để phân tích, từ đó xác định nó là thiết bị quân sự hay dân sự.
Lập luận bị phe đối lập ở Mỹ cho là có kẽ hở. Theo họ, nếu nhìn vào đường di chuyển của khinh khí cầu, quân đội Mỹ đã có cơ hội bắn rơi khinh khí cầu khi nó còn ở Alaska, vốn là bang đất rộng người thưa. Việc để nó lơ lửng suốt một tuần trong không phận Mỹ cũng làm dấy lên giả thuyết một bộ phận chính giới Washington đã cố tình như vậy để đánh động người dân Mỹ hơn nữa về cái gọi là "mối đe dọa Trung Quốc".
"Có thể một bộ phận trong chính giới Mỹ không muốn hòa hoãn Mỹ - Trung xảy ra vì có thông tin Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc (đã bị hoãn vì sự cố khinh khí cầu - PV). Đó sẽ là cuộc gặp đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ với người đứng đầu Trung Quốc kể từ khi ông Biden lên nắm quyền" - nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thế Phương thuộc Đại học New South Wales (Úc) nhận định với Tuổi Trẻ.
Mỹ - Trung bỏ lỡ thời cơ làm lành
Theo ông Thế Phương, Trung Quốc sẽ không được hưởng lợi gì nếu thực hiện một hành động khiêu khích Mỹ ngay trước thềm một chuyến thăm quan trọng như của ông Blinken.
"Gửi thông điệp gây hấn vào lúc này, đối với Trung Quốc, là một bước đi phi logic. Đó là còn chưa kể nước này có nhiều vệ tinh do thám tiên tiến trên quỹ đạo cùng nhiều thứ khác thì việc gì phải sử dụng đến khinh khí cầu vốn mang lại hiệu quả kém hơn", ông Phương nêu vấn đề.
Bình luận với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, phó giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết vụ việc này sẽ khiến lòng tin Mỹ - Trung bị tổn thương thêm một lần nữa, làm cho các phe chủ trương cứng rắn với Trung Quốc ở Mỹ có thêm chỗ đứng và lập luận khiến việc nối lại đối thoại Mỹ - Trung khó khăn và kéo dài hơn.
"Sự việc lần này sẽ làm tiến trình cải thiện quan hệ Mỹ - Trung chậm hơn và gập ghềnh hơn, song chưa đủ để đảo ngược tiến trình này. Chính quyền Biden và Trung Quốc vẫn sẽ cố gắng duy trì đối thoại, kiểm soát quan hệ", chuyên gia Hùng Sơn nêu.
Một số tờ báo của Mỹ đang thúc đẩy thuyết âm mưu Mỹ cố tình phóng đại sự việc, bởi vào ngày 7-2 tuần này, Tổng thống Biden sẽ đọc thông điệp liên bang thứ ba tại Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các phản ứng chính thức của chính quyền Biden, có thể thấy đó là sự thận trọng bao trùm.
Việc không vội bắn hạ được cho là nhằm xác định mối đe dọa đối với lãnh thổ Mỹ và tránh phản ứng mạnh từ Trung Quốc. Đó là do thời điểm ban đầu chiếc khinh khí cầu chưa đi qua các khu vực có những căn cứ nhạy cảm của quân đội Mỹ, thậm chí còn đi ngược lên phía bắc vào lãnh thổ Canada.
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ Mỹ và Trung Quốc đã trao đổi gì trong suốt một tuần khi chiếc khinh khí cầu xuất hiện. Không loại trừ khả năng hai bên đã thống nhất về biện pháp xử lý sao cho cả Bắc Kinh và Washington đều giữ được thể diện, dễ bề ăn nói với người dân trong nước.
"Trong các vụ việc và "sự cố" giữa các nước lớn với nhau, các bên thường có quan điểm và cách giải thích khác nhau. Trong vụ việc này, hai bên đều tránh diễn giải quá mức và kiểm soát dư luận, không để dư luận bị thổi bùng và chủ nghĩa dân tộc bị đẩy lên cao", tiến sĩ Hùng Sơn nhận xét.
Không phải lần đầu khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện ở Mỹ
Đây không phải là lần đầu tiên khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện ở Mỹ. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết điều đó đã từng xảy ra ba lần dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Đây cũng là lần thứ hai khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện dưới thời ông Biden nhưng chưa lần nào nó gây ồn ào như hiện tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận