Ngày 22-11, tại kỳ họp Quốc hội, ông Dương Thanh Bình - trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo…cho biết sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, tình hình công dân đến các cơ quan Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội có xu hướng tăng trở lại.
Khiếu nại tố cáo gửi đến các cơ quan trung ương tiếp tục tăng
Trong năm 2023, có hơn 2.000 lượt người tới các cơ quan, đoàn đại biểu Quốc hội, tăng hơn 1.600 việc và hơn 100 lượt đoàn đông người.
Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng gần 1.400 đơn so với năm trước. Các đơn thư, kiến nghị của công dân đã được phân loại, xử lý.
Có 1.003 vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài được lập danh sách để rà soát. Giao các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, tổ công tác của Thủ tướng và chủ tịch UBND các tỉnh, thành giải quyết. Đến nay đã có 856 vụ việc được rà soát, đạt hơn 85%.
Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại tố cáo để các bộ, ngành, địa phương cập nhật, khai khác, sử dụng.
Tình trạng các đoàn khiếu kiện tụ tập đông người tại nhà riêng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trụ sở các cơ quan trung ương đã giảm rõ rệt. Công dân khiếu kiện cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật, không có các hành vi kích động, gây rối ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực trụ sở tiếp công dân trung ương.
Xử lý "điểm nóng" về đất đai ở Tây Nguyên
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cho biết đáng chú ý một số vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai có nguồn gốc đất nông trường, lâm trường quốc doanh ở một số tỉnh Tây Nguyên có dấu hiệu trở thành vụ việc phức tạp nếu không được xử lý kịp thời.
Tiêu biểu như tại Đắk Lắk có vụ hơn 1.000 hộ dân nhận khoán vườn cây thuộc Công ty cà phê Thắng Lợi, tại Bình Phước có vụ 56 hộ dân liên quan Công ty cao su Phước Long, 41 hộ dân liên quan Công ty cao su Bình Phước…
Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp công dân ngay tại địa phương, qua đó góp phần ổn định tình hình khiếu nại đông người.
Hiện nay Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên để có giải pháp cụ thể đối với từng vụ việc có liên quan nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn.
Tiếp tục xem xét chế định luật sư công
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từng có ý kiến về việc nghiên cứu chế định luật sư công để giữ vai trò đại diện, giúp chính quyền địa phương tham gia các hoạt động tố tụng.
Sau đó, vấn đề luật sư công đã được đặt ra khi soạn thảo Luật Luật sư năm 2006 và luật sửa đổi năm 2012, dưới hình thức là luật sư làm việc cho các cơ quan nhà nước theo chế độ công chức hoặc là viên chức làm việc tại các tổ chức trợ giúp pháp lý.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận dự án luật thì các ý kiến chưa thống nhất nội dung này. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu khi xây dựng dự án Luật Luật sư (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024-2025.
Về việc tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh tuy tăng nhiều so với năm trước nhưng việc chấp hành tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp huyện và tại một số bộ, ngành chưa đảm bảo theo quy định. Việc ủy quyền cho cấp phó còn khá phổ biến.
Còn tình trạng có kết luận thanh tra nhưng cấp dưới kéo dài thời gian, không thực hiện hoặc đưa ra những yêu cầu không phù hợp để trì hoãn thực hiện, gây bức xúc, ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận