Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải rà soát các địa chỉ sai sót, xử lý trách nhiệm.
Phóng to |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu ý kiến trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18-9 - Ảnh: TTXVN |
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự luật phòng chống tham nhũng. Theo đó, Chính phủ trình bày ba phương án về Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.
Không lĩnh vực nào sai nhiều như thế
"Phải chỉ ra được cấp nào sai nhiều trong quản lý đất đai, trung ương, tỉnh hay huyện. Sai ở phạm vi nào nhiều: thu hồi, đền bù, hỗ trợ hay cưỡng chế? Sai như vậy thì trách nhiệm người có thẩm quyền như thế nào? Sửa chữa sai ra sao và bao nhiêu ông ra quyết định sai bị xử lý, hay ông ký sai rồi ông vẫn cứ tiến bộ lên?" Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn |
“Giá đền bù không sát giá thị trường, chênh lệch hàng chục, hàng trăm lần thì làm sao người ta chịu được” - Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói. Cũng xoáy vào nguyên nhân giá đất, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích: “Thu hồi xong, dân mất đất, nhận ít tiền về sửa nhà, mua cái xe máy, vài năm sau tiêu hết tiền thì lại nghèo. Doanh nghiệp khi xin đất thì hứa giải quyết việc làm cho dân, nhưng khi tuyển dụng lại quy định phải có bằng cấp nọ kia, tuổi phải dưới 35... Sự bất hợp lý giữa giá đền bù và sau khi đền bù chênh nhau quá lớn”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa, cùng với sự thiệt thòi của dân là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền. “Cứ trả lời rằng chúng tôi đền bù rồi, sau đó đưa máy xuống ủi cây cối, tài sản người ta. Ngay vụ Tiên Lãng, đưa máy ủi, máy xúc vào phá nhà dân, vậy mà hàng tuần không điều tra được thủ phạm” - ông Khoa dẫn chứng.
“Qua giám sát, tỉ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng có sai chiếm 47,8%, có địa phương tỉ lệ này rất cao. Tỉ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử. Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót” - ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bình luận: lâu nay tình hình khiếu nại, tố cáo đất đai nghiêm trọng, nghe báo cáo này lại thấy nghiêm trọng hơn. Người ta khiếu nại đúng và đúng một phần tức là cơ quan hành chính sai, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chắc không có lĩnh vực nào sai nhiều như thế. Sai nhiều, nhưng những người đứng đầu cơ quan hành chính lại không coi trọng việc giải quyết. “Tòa giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai, không thấy mặt ông chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện nào ra tòa cả, trong khi người ta khởi kiện là khởi kiện các quyết định hành chính do các ông ấy ký” - ông Hiện nói. “Cứ nói là đánh giá cao quản lý nhà nước, có cố gắng, có nhiều tiến bộ, tiến bộ gì mà sai nhiều thế” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lên tiếng.
Trình 3 phương án về Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng
Chiều qua, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật phòng chống tham nhũng với ba phương án quy định về Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, Chính phủ không lựa chọn phương án nào mà để Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, phương án thứ nhất: “Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Nội chính trung ương là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo”. Phương án thứ hai quy định: “Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo do ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định”. Phương án này không quy định rõ cơ cấu, thành phần, tổ chức của ban chỉ đạo. Phương án thứ ba: “Không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này trong luật”.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Chính phủ cho rằng phương án thứ nhất thể hiện đúng kết luận Hội nghị trung ương 5 nhưng không phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (luật của Quốc hội chỉ quy định hoạt động của bộ máy nhà nước, không điều chỉnh hoạt động của tổ chức Đảng). Phương án thứ hai bảo đảm khuôn khổ pháp lý tốt cho hoạt động của ban chỉ đạo, nhưng quá trình thực hiện trên thực tế sẽ gặp những khó khăn nhất định khi Quốc hội giám sát hoạt động của ban chỉ đạo do Tổng bí thư đứng đầu. Đối với phương án thứ ba, việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo sẽ do Đảng quy định và cũng có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định do không được quy định trong luật.
Đối với quy định công khai tài sản, dù nghị quyết trung ương chủ trương các đối tượng kê khai phải công khai nơi làm việc và nơi cư trú nhưng theo ông Tranh: “Chính phủ thấy rằng trước mắt nên thực hiện việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc công khai này rồi mới thực hiện việc công khai tại nơi cư trú”.
Bình luận vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Kê khai tài sản hiện nay rất hình thức, nếu có dán cái bảng kê khai ở nơi công tác thì cũng vẫn thế thôi. Phải kiểm soát được thu nhập mới giải quyết được gốc tham nhũng”. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng “giải quyết tham nhũng thể hiện trong ý thức con người, chứ còn ông cứ kê khai này khác thì chỉ là hình thức. Người ta trữ vàng, trữ kim cương nhỏ xíu thì có phát hiện, kiểm soát được không?”.
Trả lời câu hỏi của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tính khả thi của dự luật, tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng “còn phải kiểm nghiệm trong thực tế”. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa nhận xét: “Ban hành luật mà chưa biết nó có khả thi hay không thì đừng ban hành nữa”.
Tránh tùy tiện yêu cầu báo chí cung cấp thông tin Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh hành vi tham nhũng”. Ủy ban Tư pháp nhận thấy Luật báo chí quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng Viện KSND dân hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên...”. Theo quy định về đạo đức hành nghề báo chí (do Hội Nhà báo VN ban hành) và Bộ quy tắc nghề nghiệp báo chí của thế giới, bảo vệ nguồn tin là một trong những chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất của người làm báo. Do đó để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng và phòng chống tham nhũng, cần quy định ngay trong dự án luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu. (Trích báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp) Phải bồi thường cho dân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng tình trạng khiếu kiện đất đai đang ở mức “rất nghiêm trọng”, biểu hiện ở “số lượng đơn thư rất nhiều và quyết định hành chính sai quá nhiều, tỉ lệ sai đến một nửa”. Ngay cả khi quyết định hành chính đúng hoàn toàn mà dân vẫn khiếu nại thì cũng do chính sách, pháp luật về đất đai chưa tốt. Ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Khiếu nại tố cáo ngày càng nhiều, đoàn đông người ngày càng tăng. Điều này ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến an ninh trật tự xã hội. Đoàn giám sát cần hoàn thiện báo cáo, sắp tới trình Quốc hội phải chỉ rõ rằng tình trạng nghiêm trọng như vậy thì Luật đất đai phải sửa những gì, nghị định của Chính phủ và thông tư các bộ ngành có gì chưa ổn”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường rà soát, tìm ra địa chỉ sai ở đâu, phải xử lý, bồi thường cho dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận