Nhiều màn trình diễn xiếc "đã tai, đã mắt" khiến người lớn… phấn khích, còn trẻ con thì… ngơ ngác - Ảnh: BTC
Sân khấu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (số 67 - 69 Trần Nhân Tông, Hà Nội) trong đêm khai mạc cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 thật lộng lẫy và sôi động đặc biệt là ở các màn trình diễn phục vụ khán giả trước khi bước vào 4 tiết mục thi đầu tiên.
Với các màn trình diễn này, sân khấu đầy ắp âm nhạc sôi động của các ca sĩ, vũ đoàn với trang phục trình diễn bắt mắt, biểu diễn trực tiếp trên sân khấu cùng các nghệ sĩ xiếc, trở thành một phần (quan trọng) của tổng thể tiết mục biểu diễn.
Tiết mục xiếc hấp dẫn được trình diễn cùng bài hát sôi động - Video: THIÊN ĐIỂU
Các ca sĩ, vũ công này không chỉ phục vụ, tôn vinh cho phần trình diễn của các nghệ sĩ xiếc mà chính họ cũng góp phần lớn vào "kể" nên câu chuyện chung của cả tiết mục.
Các bài hát như Lý ngựa ô, Cô ba Sài Gòn, Một thoáng quê hương… được trình diễn sôi động và… gợi cảm trên sân khấu rực rỡ của Rạp xiếc Trung ương khiến nhiều người lớn dưới hàng ghế khán giả rất phấn khích, nhún nhảy theo nghệ sĩ.
Trong khi đó, những đứa trẻ thì … ngơ ngác. Có lẽ chúng đã chờ đợi những tiết mục nhào lộn, tung hứng, uốn dẻo… khi được bố mẹ nói cho đi xem xiếc.
Nhưng sân khấu quá rực rỡ, quá nặng tính tạp kỹ, rất nhiều nghệ sĩ cùng khoe tài năng khác nhau khiến nhiều trẻ không thể nhìn ra các màn trình diễn của các nghệ sĩ xiếc - thứ mà chúng chờ đợi.
Nhiều người lớn rất phấn khích với các tiết mục trình diễn xiếc, trong khi trẻ em ít thích thú hơn - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Những khán giả nhí chỉ thật sự bị kích thích với 4 phần thi, khi mà sân khấu đã được bóc đi những lớp tạp kỹ giải trí khác, tất cả sân khấu chỉ dành cho các nghệ sĩ xiếc khoe tài.
Các ca sĩ hát Cô ba Sài Gòn trong khi các nghệ sĩ xiếc biểu diễn - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
NSƯT Tống Toàn Thắng - phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - từng chia sẻ, người lớn chính là đối tượng khán giả mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng như bộ môn xiếc nói chung, hướng đến trong giai đoạn này, xóa đi quan niệm "xiếc chỉ dành cho trẻ con".
Anh cho biết đây cũng là xu thế chung của bộ môn xiếc trên thế giới. Nhiều lần sang Thụy Sĩ biểu diễn, anh nhận thấy khán giả xiếc có tới 60-70% là người lớn.
Bài hát Một thoáng quê hương được trình diễn với ca sĩ, vũ công và nghệ sĩ xiếc - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ với mong muốn tăng tính giải trí cho các chương trình xiếc, không ngừng đổi mới bộ môn nghệ thuật này cho phù hợp với xu thế cũng như phục vụ nhu cầu của khán giả, vài năm gần đây, Liên đoàn đã bắt đầu dựng các chương trình "xiếc có nội dung" (xiếc kể câu chuyện nào đó chứ không chỉ là các tiết mục phô diễn kỹ thuật xiếc đơn thuần).
Dịp 27-7 vừa qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn xây dựng cả một chương trình xiếc riêng về người lính để kể một câu chuyện về người lính bắng ngôn ngữ xiếc và kịch.
Một tiết mục dự thi tài năng xiếc - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 tổ chức từ 4 đến 10-12 tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam (Hà Nội). Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006, ngành xiếc mới tổ chức lại cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc.
Cuộc thi năm nay có 67 nghệ sĩ chính thức tham gia (chưa kể các diễn viên phụ) đến từ 6 đơn vị: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Phương Nam (TP.HCM); Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội; Trung tâm Văn hóa Long An; Đoàn Nghệ thuật Hồ Tây (Hải Dương).
Nhân cuộc thi, một buổi tọa đàm với chủ đề Nghệ thuật Xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào sáng 8-12 để các đơn vị cùng bàn tìm phương hướng phát triển nghệ thuật xiếc trong giai đoạn nhiều khó khăn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận