Kể từ thời giải đấu số 1 bóng đá nội của chúng ta còn chưa mang danh "chuyên nghiệp" như hiện tại, đã có một thứ bóng đá bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố ngoài sân cỏ và cả những tiếng còi của trọng tài.
Đã có trọng tài lên tiếng tố cáo những sai phạm của chính các đồng nghiệp, đã có những phản ứng mạnh mẽ từ người hâm mộ và cả những người làm bóng đá nhằm thay đổi điều đó, với mong muốn làm cho đời sống bóng đá nội tốt hơn.
Nhưng bây giờ, khi V-League đã gắn mác chuyên nghiệp được hơn 20 năm, câu chuyện vẫn quẩn quanh như thế, gây rất nhiều bức xúc.
Sự cố mới nhất ở vòng V-League vừa rồi liên quan hai ông Trương Hồng Vũ (trọng tài chính của trận Nam Định - Khánh Hòa) và ông Nguyễn Lâm Minh Đăng (trợ lý trọng tài của trận TP.HCM và Hà Nội FC).
Người đầu tiên mắc sai lầm nghiêm trọng trong nhận định, làm sai lệch kết quả trận đấu và gây phẫn nộ trong giới hâm mộ; người thứ hai "không nhìn thấy" một tình huống việt vị rõ ràng dẫn đến việc một bàn thắng của Hà Nội FC được công nhận, từ đó giúp họ chiến thắng, leo lên đầu bảng xếp hạng V-League.
Cả ông Vũ và ông Đăng đều không có tên trong danh sách làm việc ở vòng 6 V-League, một điều ngầm hiểu rằng họ bị kỷ luật.
Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ cứ kỷ luật là xong việc rồi chờ dư luận lắng xuống. Điều quan trọng là tiếng nói của người hâm mộ và bản thân các đội bóng bị thiệt thòi vì những sai lầm nghiêm trọng của đội ngũ cầm còi đã không được lắng nghe.
Chuyện như ông Vũ từng dính án kỷ luật treo còi vĩnh viễn rồi bây giờ được ra sân thổi còi, sau đó mắc lỗi như ở vòng 5, để sau đó ban trọng tài khăng khăng tuyên bố rằng trọng tài đã xử lý chính xác, dù băng hình đã khẳng định đấy là một sai lầm và rồi ông này không có tên trong danh sách cầm còi vòng 6 như một cách kỷ luật trong im lặng là một câu chuyện bi hài.
Chuyện như ông Đăng mắc sai lầm và đem đến một kết quả có lợi cho đội bóng vô địch V-League nhiều nhất những năm qua cũng không mới. Thế nhưng không một lời xin lỗi hoặc thừa nhận sai lầm nào từ phía ban trọng tài được công khai.
Khi sự công bằng và khách quan không tồn tại từ phía người trọng tài, được sự im lặng của phía quản lý và phân công họ ở các trận đấu bao che, thì điều đó khiến V-League vẫn là một sản phẩm lỗi, đầy dấu ấn cảm tính của những người đang hoạt động trong lĩnh vực ấy.
Kể từ mùa bóng tới, VAR sẽ được đưa vào hoạt động nhằm giúp các trọng tài đưa ra những quyết định chính xác, tránh những tranh cãi và sai lệch kết quả không đáng có.
Nhưng với hàng loạt sai sót của đội ngũ trọng tài, với cách quản lý hiện tại chính ban trọng tài, liệu VAR có thể giúp họ được không, khi điều hành VAR cũng là người và trọng tài chính vẫn có thể "bẻ" VAR nếu trình độ chuyên môn của ông ta có vấn đề?
Niềm tin vào việc V-League có thể trở nên rõ ràng và ít tranh cãi hơn hoàn toàn có thể bị lung lay bởi một sự thật rằng VAR không thể giải quyết trọn vẹn những tranh cãi liên quan đến trọng tài nếu tổ trọng tài không có tầm và có tâm.
Các trọng tài cũng là người, và như nhà thơ Alexander Pope đã từng có câu nổi tiếng "To err is human", là người ai chẳng sai lầm. Nhưng sai lầm lần này qua lần khác, khi trình độ của trọng tài bị đánh dấu hỏi và cách hành xử đôi khi kỳ lạ của cơ quan quản lý họ thì không thể được coi là bình thường.
Trọng tài, ông vua trên sân bóng, bị ghét trong nhiều năm qua chắc chắn phải có lý do. Một trong những lý do lớn nhất cho sự bị ghét ấy chính là họ, những người quản lý họ cũng phải có trách nhiệm và đôi khi chính các đội bóng không hề tôn trọng người hâm mộ cũng như chính họ.
Đơn giản là bởi nền bóng đá ấy chưa chuyên nghiệp như tên gọi, chưa là một sản phẩm hoạt động theo các quy luật của kinh tế thị trường như lẽ ra bóng đá chuyên nghiệp phải vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận