Đội bắn tỉa phản công Sở Mật vụ Mỹ
Trên trang War History Online (Mỹ), nhà nghiên cứu sử Elisabeth Edwards ghi nhận đến khi Tổng thống William McKinley bị ám sát vào năm 1901, theo yêu cầu của Quốc hội, Sở Mật vụ mới được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho tổng thống, đồng thời vẫn tiếp tục thu thập thông tin tình báo trong nước và phản gián đến khi FBI ra đời vào năm 1908. Năm 1968, Sở Mật vụ mở rộng phạm vi bảo vệ đối với các ứng cử viên tổng thống.
Hiện nay, chủ đề 18 Bộ Pháp điển Mỹ mục 3056 (18 USC § 3056) mô tả các nhân vật được Sở Mật vụ Mỹ bảo vệ gồm có tổng thống, phó tổng thống, gia đình trực hệ của tổng thống và phó tổng thống; cựu tổng thống cùng với vợ/chồng và con nhỏ dưới 16 tuổi; nguyên thủ quốc gia nước ngoài và vợ/chồng đến thăm Mỹ; các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống quan trọng cùng vợ/chồng; các sự kiện được bộ trưởng Bộ An ninh nội địa chỉ định là "sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt".
Sở Mật vụ Mỹ ra đời cách đây gần 160 năm nhưng đến năm 1971, đội bắn tỉa phản công của sở mới được thành lập. Đơn vị này trực thuộc Đơn vị tác chiến đặc biệt (SOD) chuyên làm nhiệm vụ quan sát tầm xa và hỗ trợ chiến thuật cho các đặc vụ bảo vệ yếu nhân. Tùy theo yêu cầu, đội bắn tỉa phản công cũng có thể đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân, bảo vệ địa điểm và các sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt.
Theo trang web của Sở Mật vụ, đội bắn tỉa phản công gồm các xạ thủ bắn tỉa giỏi nhất nước Mỹ. Họ thường xuyên hoạt động theo nhóm hai người gồm một người quan sát và một người bắn tỉa.
Ngoài kỹ năng hạ gục mục tiêu chỉ bằng một phát súng ở cách xa hàng trăm mét, họ còn phải có khả năng tính toán tác động của gió, nhiệt độ không khí, trọng lực và các yếu tố môi trường khác có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của phát bắn. Ngoài ra, họ cũng được huấn luyện cách phát hiện mối đe dọa trước khi xảy ra.
Trong sự kiện cựu Tổng thống Donald J. Trump bị bắn trong cuộc vận động tranh cử tại khu triển lãm nông nghiệp ở quận Butler (bang Pennsylvania) hôm 13-7-2024, vụ ám sát bất thành nhờ đội bắn tỉa phản công tiêu diệt mục tiêu nhanh chóng.
Trong buổi điều trần trước Ủy ban Tư pháp và Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ của Thượng viện Mỹ vào cuối tháng 7-2024, quyền giám đốc Sở Mật vụ Ronald L. Rowe, Jr. đã tường trình cụ thể phản ứng của đội bắn tỉa phản công vào hôm xảy ra ám sát. Ông cho biết lúc 18h ngày 13-7, cựu Tổng thống Trump bước lên sân khấu phát biểu. Lúc 18h11, hung thủ Thomas Matthew Crooks bắn loạt đầu ba phát súng. Các phát súng thứ tư đến thứ tám diễn ra trong vài giây tiếp theo.
15 giây rưỡi sau phát súng đầu tiên, một tay súng đội bắn tỉa phản công Sở Mật vụ đã bắn một phát duy nhất tiêu diệt hung thủ. Ông giải thích xạ thủ đội bắn tỉa phản công có toàn quyền quyết định nổ súng chứ không cần báo cáo và chờ đợi cấp trên quyết định.
Ám sát tổng thống Mỹ bị xử đến tử hình
Trước năm 1965, không có đạo luật liên bang nào ở Mỹ hình sự hóa hành vi ám sát tổng thống. Sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1963, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Ám sát tổng thống vào năm 1965. Đạo luật được đưa vào Bộ Pháp điển Mỹ (18 USC § 1751) quy định các hành vi sát hại, bắt cóc hoặc tấn công tổng thống đương nhiệm, tổng thống đắc cử, phó tổng thống đương nhiệm, phó tổng thống đắc cử và những người tiếp theo trong danh sách kế nhiệm tổng thống nếu không có phó tổng thống là tội liên bang.
Đối với hung thủ sát hại tổng thống, chủ đề 18 Bộ Pháp điển Mỹ mục 1751 (18 USC § 1751) nêu rõ: "(a) Bất kỳ ai sát hại (1) cá nhân là tổng thống Mỹ, tổng thống đắc cử, phó tổng thống hoặc nếu không có phó tổng thống, quan chức tiếp theo theo thứ tự kế nhiệm nhiệm vụ tổng thống Mỹ, phó tổng thống đắc cử hoặc bất kỳ người nào đang giữ chức tổng thống phù hợp hiến pháp và luật pháp Mỹ... sẽ bị phạt (1) tù giam có thời hạn hoặc chung thân, hoặc (2) tử hình hoặc tù giam có thời hạn hoặc chung thân nếu cá nhân đó tử vong...".
Công ty luật Varghese Summersett (Mỹ) ghi nhận mặc dù đạo luật liên bang năm 1965 cho phép áp dụng mức án tử hình đối với người ám sát tổng thống nhưng thật ra án tử hình chưa bao giờ được tuyên theo luật này, vì bốn vụ ám sát tổng thống Mỹ đều xảy ra trước khi đạo luật này ban hành:
• John Wilkes Booth (ám sát Tổng thống Abraham Lincoln năm 1865) bị giết trong quá trình bắt giữ.
• Charles Guiteau (ám sát Tổng thống James Garfield năm 1881) bị treo cổ về tội giết người theo luật của quận Columbia.
• Leon Czolgosz (ám sát Tổng thống William McKinley năm 1901) lên ghế điện về tội giết người theo luật của bang New York.
• Lee Harvey Oswald (bị cáo buộc ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1963) bị sát hại trước khi đưa ra xét xử.
Hình phạt khác nhau giữa ám sát thành công và ám sát hụt. Ám sát hụt bị xử đến mức tù chung thân. Chủ đề 18 USC § 1751 quy định: "(c) Bất kỳ ai âm mưu sát hại hoặc bắt cóc cá nhân được chỉ định trong mục (a) của điều luật này sẽ bị phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân". Mặc dù luật cho phép phạt đến mức án tù chung thân nhưng trên thực tế nhiều hung thủ mưu sát cuối cùng cũng được ân xá hoặc trả tự do sau một thời gian dài thụ án.
Chủ đề 18 Bộ Pháp điển Mỹ mục 1751 còn nêu các hành vi khác:
• Bắt cóc tổng thống có thể bị phạt tù chung thân hoặc bị kết án tử hình nếu vụ bắt cóc dẫn đến tử vong.
• Âm mưu ám sát hoặc âm mưu bắt cóc có thể bị phạt tù chung thân.
• Âm mưu ám sát hoặc âm mưu bắt cóc có từ hai người trở lên tham gia có thể bị phạt tù chung thân (hoặc tử hình nếu dẫn đến tử vong) nếu có một hoặc nhiều người thực hiện hành động thúc đẩy thực hiện âm mưu.
• Hành hung có thể bị phạt tiền và phạt tù đến 10 năm.
Theo Công ty luật FindLaw, cơ quan công tố không cần chứng minh động cơ ám sát tổng thống miễn đó là hành vi cố ý. FBI là cơ quan phụ trách điều tra các vụ ám sát tổng thống. Trong quá trình điều tra, FBI có thể yêu cầu các cơ quan liên bang và tiểu bang (bao gồm quân đội và Sở Mật vụ) hỗ trợ. Ám sát tổng thống là tội liên bang nên bị cáo được đưa ra xét xử tại tòa án liên bang. Tổng chưởng lý sẽ phụ trách công tác truy tố và đứng đầu nhóm công tố viên. Phiên tòa xét xử thường diễn ra tại Washington D.C. hoặc tòa án ở Virginia.
-------------------
Ngày 31-10-1984, chính trường và người dân Ấn Độ rúng động trước sự kiện bi thảm nữ Thủ tướng Indira Gandhi bị chính hai lính cận vệ thân tín nã hàng chục phát đạn ngay thủ đô New Delhi. Điều tra sau đó cho thấy chính bà nữ thủ tướng xấu số này đã "góp phần" tự kết liễu mình khi bà khước từ các cảnh báo và yêu cầu bảo vệ.
Kỳ tới: Khi nạn nhân cũng chính là người "tiếp tay" kẻ ám sát
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận