07/12/2012 07:00 GMT+7

Khi văn học dân gian lên sân khấu học đường

NGUYỄN NGỌC HÀ
NGUYỄN NGỌC HÀ

TT - Ngày nay, nói đến văn học, lại là văn học dân gian, hẳn không ít học sinh lắc đầu, một là ngao ngán, hai là chẳng biết gì!

Thế nhưng với học sinh Trường THPT Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM) lại khác. Các em không chỉ thích đọc văn học mà còn thuộc cả những câu đối, những bài vè, những câu hò... một cách đầy hứng thú. Đó là nhờ cô Võ Thị Lang “đạo diễn” và sự góp sức của toàn tổ văn của trường cho sân khấu ngoại khóa hằng tuần.

Không phải học thuộc lòng một cách sáo rỗng, cô Lang từng bước hướng dẫn học sinh bài hát và múa Trống cơm, Qua cầu gió bay... Cô khuyến khích học sinh tự viết kịch và diễn những vở kịch trong kho tàng cổ tích VN như Tấm Cám, Thằng Bờm... Cô còn hướng dẫn để học sinh tự sáng tác những bài vè, những câu hò đối đáp đậm chất Nam bộ.

Một học sinh lớp 10 hào hứng: “Học văn thường dài và khó. Thế nhưng các cô dạy văn trường tôi thường tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa, mang âm nhạc, thi ca và các tác phẩm văn học được viết thành kịch bản ngắn gọn dễ hiểu lên sân khấu, nhất là văn học dân gian thường dí dỏm, dễ hiểu và đậm chất nhân văn nên chúng tôi rất thích. Những giờ học văn vì thế không khô khan, nặng nề nữa, mà thường đem lại sự hứng thú”.

Đã gọi văn học dân gian lên sân khấu thì trang phục phải đậm chất dân gian, cô Võ Thị Lang đã chịu khó tới tận Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh thuê trang phục cho các bài ca múa dân ca và kịch dân gian. Cô cho biết: “Một mình tôi chẳng làm được gì nếu không có sự hỗ trợ từ phía ban giám hiệu, các thầy cô giáo, đặc biệt là tổ văn. Nhà trường đã chịu chi cho những khoản trang phục, âm nhạc... để các em tha hồ sáng tạo và học tập thông qua sân khấu. Riêng tôi mong rằng sau những tháng năm ở trường, ngoài kiến thức về văn học, nhất là văn học dân gian, các em còn có những kỷ niệm sâu sắc với mái trường thân yêu cũng như lòng tự hào về nền tảng văn hóa của dân tộc”.

Chuyện đưa văn học lên sân khấu kịch học đường xem ra không mới. Thế nhưng với một trường ngoại thành mà cách nay mười năm, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp chỉ nhỉnh hơn con số 50%, nay đã đạt ở hai số 9, trong đó môn văn có lớp đậu con số 100% thì đó là điều đáng suy nghĩ.

Cô Võ Thị Lang không chỉ là người trụ cột tổ chức “sân khấu học đường”, mà còn là một giáo viên giỏi với số lượng học sinh đoạt huy chương Olympic môn văn hằng năm, từ năm 2007 đến nay, năm nào học sinh Đa Phước cũng có tên trong danh sách đoạt huy chương.

“Tôi vốn học từ tiểu học đến cấp III ở Trường Đa Phước nên ngoài trách nhiệm của một giáo viên, tôi còn muốn xây dựng nền tảng đạo đức và giáo dục của học sinh theo cách riêng cho ngôi trường ngày xưa đã từng đào tạo tôi, và cái nhìn chung là thế hệ trẻ của xã Đa Phước, nơi tôi sinh ra và lớn lên” - cô Lang chia sẻ.

NGUYỄN NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên