19/09/2018 18:33 GMT+7

Khi văn bản có lợi không được đưa vào hồ sơ

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng quyết định trả hồ sơ vụ án. Lý do: tòa đã nhận được văn bản của Bộ Công thương khẳng định kết quả kiểm nghiệm lần ba là hợp pháp. Tuy nhiên, các văn bản này lại không được cơ quan điều tra đưa vào hồ sơ vụ án.

Khi văn bản có lợi không được đưa vào hồ sơ - Ảnh 1.

Ông Thanh nói mình bị oan và mong được sớm giải oan - Ảnh: H.Đ.

Hai nguyên cán bộ quản lý thị trường (QLTT) bị truy tố, xét xử vì đã mở niêm phong cho kho phân bón của một doanh nghiệp bán ra thị trường. Cơ quan tố tụng cho rằng dù có kết quả kiểm nghiệm các lô phân bón đó đạt chuẩn, nhưng việc kiểm nghiệm đến lần thứ ba là không đúng quy định.

Bị cáo kêu oan vì Bộ Công thương có hai văn bản khẳng định kết quả kiểm nghiệm lần thứ ba là hợp pháp. Thế nhưng, cả hai văn bản này đều bị cơ quan điều tra bỏ ngoài hồ sơ.

Làm theo chỉ đạo, bị khởi tố

Ngày 7-3-2016, ông Thanh (nhân viên Chi cục QLTT thuộc Sở Công thương Sóc Trăng) là thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Sở Công thương, Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục QLTT tỉnh) đi kiểm tra các lô phân bón đang được doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên kinh doanh. 

Đoàn thu giữ ba mẫu phân bón để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm (hai lần) tuy cho các thông số kết quả khác nhau nhưng các lô phân bón này không đạt chất lượng.

Sau đó, doanh nghiệp sản xuất các lô phân bón này là Con Cò Vàng có đơn khiếu nại đề nghị kiểm nghiệm lại, đoàn kiểm tra liên ngành đã họp xét khiếu nại. Các thành viên cho rằng kết quả hai lần kiểm nghiệm đều không giống nhau và cũng chưa có hướng xử lý nên chấp nhận yêu cầu kiểm nghiệm lần ba. 

Kết quả kiểm nghiệm này sẽ làm căn cứ để xử lý. Và kết quả lần ba từ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ lại cho kết quả các mẫu phân bón này đạt chất lượng. Đồng thời, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Sóc Trăng cũng đưa ra kết luận toàn bộ các mẫu phân bón đều đạt chất lượng. 

Do đó, ông Thanh nhận được chỉ đạo từ trưởng đoàn thông báo cho doanh nghiệp biết và tháo niêm phong các lô phân bón. Sau đó, số phân bón đã được doanh nghiệp bán hết ra thị trường.

Ngày 5-6-2017, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Thanh và ông Châu Hoài Phương (chi cục phó Chi cục QLTT, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành) về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Đến tháng 12-2017, cơ quan điều tra đổi sang tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Sóc Trăng có nêu: thông tư 26-2012 của Bộ KH&CN quy định kết quả kiểm nghiệm lần hai là kết quả cuối cùng để xử lý, nhưng các bị can đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để kiểm nghiệm lần thứ ba và tháo niêm phong cho doanh nghiệp.

Cả ông Thanh và ông Phương đều cho rằng mình không phạm tội. Theo ông Thanh, ông chỉ làm theo chỉ đạo của trưởng đoàn kiểm tra trong việc lấy mẫu kiểm nghiệm lần ba và thông báo cho doanh nghiệp biết việc mở niêm phong các lô phân bón nên không phạm tội.

Không đưa vào văn bản có lợi cho bị can

Ngày 22-8, sau khi mở phiên tòa xét xử, TAND tỉnh Sóc Trăng quyết định trả hồ sơ vụ án. Lý do: tòa đã nhận được văn bản của Bộ Công thương khẳng định kết quả kiểm nghiệm lần ba là hợp pháp.

Điều ngạc nhiên là hai văn bản của Bộ Công thương đã được gửi cho cơ quan điều tra từ tháng 4-2017. Tuy nhiên, các văn bản này lại không được cơ quan điều tra đưa vào hồ sơ vụ án.

Dù lý do là gì để cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ thì tôi cũng thấy như vậy là không vô tư. Bởi việc bỏ ra ngoài hai văn bản đó có thể gây oan sai cho bị can.

Luật sư NGUYỄN KHÁNH TRANG

Sau hơn bảy tháng bị tạm giam, ông Thanh được tại ngoại do gia đình bảo lãnh. "Việc cơ quan điều tra bỏ ra ngoài hai văn bản rất quan trọng và có lợi cho tôi là việc cố tình buộc tội tôi bằng được. Bản thân tôi không hề biết có hai văn bản này cho đến khi tòa công bố" - ông Thanh nói.

Về việc cơ quan điều tra không đưa vào văn bản có lợi cho bị can Thanh, luật sư Nguyễn Khánh Trang (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) nói cơ quan điều tra đã thiếu vô tư, khách quan. Nguyên tắc là cơ quan điều tra phải khách quan và công bằng, dù văn bản có lợi hay bất lợi cho bị can nhưng nằm trong quá trình điều tra thì đều phải đưa hết vào hồ sơ.

Còn ông Nguyễn Văn Chung - viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM - cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án. 

Theo ông Chung, ông không rõ động cơ, mục đích cơ quan điều tra để hai văn bản này ra ngoài là gì, hay do vô tình. Tuy nhiên điều này cho thấy kiểm sát viên kiểm sát quá trình điều tra đã không làm hết nhiệm vụ của mình, không làm rõ được những vấn đề nào cần hay không cần có trong việc đánh giá hành vi phạm tội của bị can.

"Do tôi không rõ mục đích họ bỏ hai văn bản này ra ngoài hồ sơ để làm gì, nên tôi không bàn được trách nhiệm hình sự, nhưng trách nhiệm hành chính là rõ ràng rồi" - ông Chung nói.

Theo ông Chung, hiện vụ án trong giai đoạn điều tra lại, tòa cũng đã yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung hai văn bản đó vào hồ sơ. Nếu đó là văn bản quan trọng, có thể chứng minh bị cáo không có tội thì cả điều tra viên và kiểm sát viên cùng phải chịu trách nhiệm.

Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nêu rõ: hai công văn số 3194 (ngày 17-4-2017) và 4743 (ngày 14-6-2018) của Bộ Công thương trả lời cơ quan điều tra đều khẳng định phiếu kết quả thử nghiệm do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ vẫn được coi là hợp pháp và các lô phân bón này đều đạt chất lượng.

Do đó, tòa yêu cầu cơ quan điều tra và Viện KSND xác định lại thiệt hại của vụ án do các bị cáo gây ra.

Bắt nguyên đồn trưởng công an Tiến Hóa làm sai lệch hồ sơ vụ án

TTO - Điều tra viên Đinh Văn Long - Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), vừa bị bắt để điều tra vì cố tình bỏ ngoài hồ sơ một số vật chứng, sửa biên bản khám xét hiện trường vụ đánh bạc.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên