24/09/2021 05:33 GMT+7

Khi Trung Quốc và Đài Loan chạy đua vào CPTPP

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Ngày 22-9, vùng lãnh thổ Đài Loan bất ngờ nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chỉ một tuần sau khi Trung Quốc có động thái tương tự.

Khi Trung Quốc và Đài Loan chạy đua vào CPTPP - Ảnh 1.

Trong cuộc phỏng vấn tháng 8-2021, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn thừa nhận trở ngại lớn của Đài Loan khi gia nhập CPTPP là không có quan hệ chính thức với các nước thành viên - Ảnh: REUTERS

Giới quan sát đang rất quan tâm tới cuộc cạnh tranh thú vị nhưng không kém kịch tính giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP trước, Đài Loan sẽ hết cơ hội và ngược lại.

Tính toán của Đài Loan

Ngày 23-9, New Zealand - quốc gia đang lưu giữ các tài liệu chính thức của CPTPP - cho biết đã nhận được đề nghị gia nhập của Đài Loan và sẽ sớm chia sẻ điều này với 10 thành viên còn lại.

Trong cuộc họp báo cùng ngày 23-9, Đài Bắc giải thích thêm về quyết định của họ. Trưởng đoàn đàm phán Đài Loan John Deng gián tiếp thừa nhận Đài Loan lo ngại nếu Trung Quốc là thành viên chính thức của CPTPP, Đài Bắc sẽ bị "bít cửa".

"Từ lâu, Trung Quốc đã cố siết chặt các quan hệ quốc tế của Đài Loan và đây là thực tế đã được biết đến. Vì vậy, nếu Bắc Kinh tham gia CPTPP trước chúng tôi, đó sẽ là rủi ro nhất định cho khả năng chúng tôi được kết nạp" - ông Deng nói.

Theo quy định của CPTPP, các ứng viên muốn trở thành thành viên mới phải nhận được sự đồng ý của 11/11 nước thành viên hiện tại gồm Canada, Úc, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Vì nguyên tắc đồng thuận này, việc Trung Quốc gia nhập trước có thể đồng nghĩa với chuyện Đài Loan bị khước từ và ngược lại. Do đó, Đài Bắc phải gấp rút nộp đơn dù đã nhiều lần công bố ý định từ cuối năm ngoái.

Khi được hỏi vì sao chọn thời điểm này, ông Deng cho biết năm nay Nhật Bản giữ ghế chủ tịch CPTPP nên đây là một cơ hội cho Đài Loan, theo Đài NHK của Nhật. "Hai bên đang hợp tác và giúp đỡ nhau trong nhiều lĩnh vực" - ông Deng nói, bày tỏ hy vọng Tokyo sẽ ủng hộ Đài Bắc.

Tương quan cuộc đua

Để giảm các rắc rối chính trị, Đài Loan nộp đơn gia nhập CPTPP với tên gọi "Vùng lãnh thổ có thuế quan riêng biệt tại Đài Loan - Bành Hồ - Kim Môn - Mã Tổ". Đây là tên Đài Loan đã dùng khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nhìn chung, truyền thông quốc tế và khu vực có cái nhìn thiện cảm với Đài Bắc, cho rằng nền kinh tế Đài Loan minh bạch và có thể đáp ứng được các tiêu chí cao của CPTPP. Trở ngại của Đài Loan là lệnh cấm nhập khẩu nông sản Nhật trồng tại các khu vực bị ảnh hưởng trong thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Các quan chức Đài Loan ám chỉ họ có thể dỡ bỏ lệnh cấm nếu Nhật đề nghị trong đàm phán.

Một trở ngại khác là Đài Loan không có quan hệ chính thức với các nước thành viên CPTPP, trái ngược với Trung Quốc. "Chúng tôi phản đối các quốc gia có quan hệ chính thức với Đài Loan, phản đối việc kết nạp Đài Loan vào bất kỳ tổ chức, hiệp ước chính thức nào" - người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu quan điểm về việc Đài Loan xin gia nhập CPTPP trong cuộc họp báo ngày 23-9.

Theo giới quan sát, Bắc Kinh sẽ khởi động chiến dịch tác động đến các nước CPTPP để "loại" Đài Bắc. Trung Quốc hiện là nền kinh tế số 2 thế giới và có quan hệ thương mại chặt

chẽ với một số thành viên CPTPP. Nước này đã phản đối gay gắt các tổ chức, diễn đàn quốc tế kết nạp và sử dụng danh xưng Đài Loan hoặc "Trung Hoa dân quốc" với lý do Đài Loan là một tỉnh của họ và không có tư cách quốc gia. Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và WTO.

Không có khung thời gian cụ thể cho quá trình đàm phán gia nhập CPTPP. Quá trình này bắt đầu bằng việc gửi đơn cho New Zealand và chờ xem xét. Vương quốc Anh nộp đơn tháng 2-2021 nhưng đến tháng 6 cùng năm mới bắt đầu đàm phán. Do đó việc đàm phán với Trung Quốc và Đài Loan sớm nhất cũng bắt đầu vào năm sau.

Nhật Bản coi Đài Loan là đối tác quan trọng

Trả lời báo giới tại New York (Mỹ) ngày 23-9, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu nhấn mạnh Tokyo hoan nghênh và gọi Đài Loan là "đối tác cực kỳ quan trọng". Các bộ trưởng Nhật Bản chịu trách nhiệm liên quan đến CPTPP đã không đưa ra những phát biểu tương tự khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập hôm 16-9, theo Hãng tin Kyodo News.

Việt Nam sẽ tham vấn các thành viên khác

Tại cuộc họp báo ngày 23-9, khi được hỏi về việc Đài Loan muốn gia nhập CPTPP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết đây là hiệp định mở, các thành viên CPTPP cũng đã thống nhất những quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục gia nhập.

"Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên khác của CPTPP về các đề nghị tham gia hiệp định này" - bà Hằng nói.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về bình luận của Việt Nam trước việc Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP, bà Hằng cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia hiệp định.

NHẬT ĐĂNG

Trung Quốc phản đối Đài Loan gia nhập CPTPP, điều 19 máy bay xâm nhập ADIZ Đài Loan Trung Quốc phản đối Đài Loan gia nhập CPTPP, điều 19 máy bay xâm nhập ADIZ Đài Loan

TTO - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối các nước thiết lập quan hệ chính thức với Đài Loan. Quân đội Trung Quốc cũng có động thái đáng chú ý sau khi Đài Bắc nộp đơn gia nhập CPTPP.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên