Hải quan Trung Quốc kiểm tra lô chất thải rắn nhập vào nước này - Ảnh: Reuters
Các nước phát triển bắt đầu thấy lo bởi trong khi núi rác trong nước ngày càng cao, Trung Quốc - nhà nhập khẩu rác quen thuộc - đã nói "không" với 24 loại rác thải rắn/phế liệu kể từ tháng 9-2017.
Con gà đẻ trứng vàng
Những năm 1980, thời kỳ nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu có những dấu hiệu phát triển nóng, việc nhập khẩu các loại phế liệu như giấy, nhựa, thép tái chế được xem là lựa chọn không tệ của các doanh nghiệp Trung Quốc. Chúng rẻ hơn nhiều so với việc đốn cây để làm giấy mới hay khai thác dầu mỏ để sản xuất nhựa và nilông, nhưng quan trọng hơn là đáp ứng được sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trong nước. Điển hình như việc sản xuất thép tái chế tiết kiệm được tới 60% năng lượng và nguyên liệu cần thiết để sản xuất thép mới.
Ba thập kỷ nhập khẩu phế liệu đã lý giải lý do tại sao hàng hóa Trung Quốc có thể cạnh tranh với giá rẻ. Hàng triệu việc làm và một ngành công nghiệp tái chế rác thải trị giá hàng tỉ đôla đã được tạo ra ở Trung Quốc bằng cách đó.
Tuy nhiên, tháng 7-2017, Bắc Kinh thông báo lên Tổ chức Thương mại thế giới rằng kể từ đầu năm sau, 24 loại rác thải rắn sẽ không được phép nhập khẩu vào nước này với lý do bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. Và không chờ tới năm sau, hai tháng sau đó, Trung Quốc triển khai chiến dịch giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu và xử lý rác thải/phế liệu. Hàng trăm container rác thải rắn đã bị Trung Quốc trả lại Mỹ, Nhật Bản kể cả khi chúng đã đến bờ Trung Quốc.
Rác đi đâu?
Sau một thời gian dài chỉ chú trọng phát triển kinh tế, vốn đang cho thấy nhiều hậu quả môi trường nghiêm trọng, năm 2017, Trung Quốc - khi đã là nền kinh tế số 2 thế giới - quyết định thay đổi.
Một chuyên gia nhận xét lượng rác thải của mỗi nước tỉ lệ thuận với trình độ phát triển của quốc gia đó. Tức là càng phát triển sẽ càng tạo ra rác thải nhiều hơn. Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu rác được lý giải một phần rằng lượng rác thải trong nước của nước này đã quá lớn - đồng nghĩa với một nguồn nguyên liệu dồi dào và rẻ đang có sẵn, nên không cần nhập khẩu rác nữa.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới không còn xa. Hiện tại, trong khi Mỹ hay các nước phát triển trước Trung Quốc như Anh, Nhật Bản đã hướng tới việc xuất khẩu rác, Bắc Kinh sẽ sớm làm điều này trong tương lai. Nhưng trước mắt, việc Trung Quốc nói "không" với nhập khẩu rác thải rắn đã khiến nhiều nước phát triển loay hoay tìm giải pháp.
Thống kê của Tổ chức Greenpeace gần đây cho thấy tính từ năm 2012 đến nay, Anh đã xuất khẩu gần 2,7 triệu tấn rác thải nhựa sang Trung Quốc. Năm 2016, Trung Quốc chiếm tới 2/3 thị trường xuất khẩu nhựa tái chế của Anh. Đùng một phát, Trung Quốc không nhập khẩu rác thải nữa, người ta đang đặt ra câu hỏi xứ sở sương mù sẽ làm gì với 540.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm?
Theo báo Telegraph của Anh, trong khi London có thể tìm kiếm "sự hỗ trợ" từ các quốc gia chấp nhận nhựa tái chế như Malaysia và Việt Nam, sẽ còn khá lâu các nước này mới có thể bù đắp được sự mất mát của Anh ở thị trường Trung Quốc. Và đây không phải là câu chuyện của riêng nước Anh. Khi các nước như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu mất đi bạn hàng nhập khẩu rác thải lớn như Trung Quốc, vậy lượng rác thải kia sẽ đi về đâu?
Chi 18 tỉ USD nhập... rác
Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu tới 45 triệu tấn rác thải kim loại, giấy, nhựa và những nguyên liệu khác với tổng giá trị lên tới 18 tỉ USD. 56% lượng rác thải nhựa xuất khẩu trên thế giới trong năm 2016 (khoảng 7,3 triệu tấn) đã đổ về Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận