03/12/2016 10:23 GMT+7

Khi Trung Quốc sản xuất ngay tại Mỹ

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Không đợi đến khi Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện kế hoạch “mang việc làm về lại nước Mỹ”, nhiều công ty Trung Quốc đang mở xưởng sản xuất ở Mỹ, tuyển dụng nhân công địa phương.

Bản đồ đầu tư của Trung Quốc giai đoạn 2005 -2016

Đây là một xu hướng được đánh giá có cả rủi lẫn may.

Theo Đài CNN, đang có sự dịch chuyển ngược trong đầu tư ra nước ngoài giữa Mỹ và Trung Quốc: thay vì dọn chỗ đón công ty Mỹ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất chế tạo từ đại lục mở nhà máy trên chính đất Mỹ, tận dụng các chính sách ưu đãi và cả nguồn lao động địa phương.

Chọn Mỹ để “cắt giảm chi phí”

Tháng 10 vừa qua, Công ty may mặc Trung Quốc Tianyuan ký thỏa thuận mua lại một nhà máy đúc kim loại đã ngừng hoạt động, rộng đến 9,2ha ở thành phố Little Rock (thủ phủ bang Arkansas), với kế hoạch cải tạo thành xưởng may.

CNN cho biết Tianyuan dự kiến thuê 400 công nhân Mỹ sau khi nhà máy mở cửa lại vào cuối năm 2017.

Tianyuan, vốn đang gia công quần áo cho các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Reebok và Armani, sẽ đầu tư 20 triệu USD cho kế hoạch trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên sản xuất quần áo ngay tại Mỹ.

Tianyuan là công ty Trung Quốc thứ hai tuyên bố kế hoạch mở rộng sản xuất sang Mỹ trong sáu tháng tính từ thời điểm đó.

Hồi tháng 4 vừa qua, Công ty giấy Sun Paper Industry cũng loan báo đã mở nhà máy Bắc Mỹ đầu tiên của họ ở miền nam bang Arkansas với mức đầu tư hơn 1 tỉ USD. Nhà máy này sẽ sản xuất các chế phẩm sinh học và dự kiến tạo ra 250 việc làm tại địa phương.

Đây là hai ví dụ cho thấy xu hướng công ty Mỹ mở nhà máy ở châu Á vốn từng phổ biến nay đã bị đảo ngược khi các nhà sản xuất Trung Quốc giờ lại muốn làm ăn ngay trên đất Mỹ.

Điều đặc biệt là làn sóng này cũng xuất phát từ chính các yếu tố đã thúc đẩy các công ty Mỹ tìm cơ hội làm ăn ở hải ngoại: chi phí lao động, tài nguyên, năng lượng và hạ tầng giao thông.

Các công ty Trung Quốc trong nước đang gặp nhiều khó khăn xoay quanh các yếu tố nói trên, và vì thế phải “đến với nước Mỹ để cắt giảm chi phí và gần gũi (về mặt địa lý) hơn với khách hàng của mình”, như lời ông Mike Preston, giám đốc Ủy ban Phát triển kinh tế bang Arkansas, giải thích với CNN.

Theo ông Preston, dù có đến năm nhà máy ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Tianyuan chính ra lại là Bắc Mỹ, do đó có nhà máy ở Mỹ sẽ mang đến các lợi thế về địa lý và cả khâu hậu cần.

“Bang Arkansas nằm giữa Canada và Mexico và hàng hóa vận chuyển bằng xe tải chỉ cần một ngày đường là tiếp cận được với 60% dân số Mỹ” - ông Preston lý giải.

Có vẻ như Tianyuan đã nghiên cứu rất kỹ thiên thời, địa lợi khi chọn Arkansas, bởi bang này có ngành trồng bông vải vốn sẵn hấp dẫn các nhà sản xuất dệt may và quần áo. Chính quyền bang này cũng đang tích cực thu hút các nhà sản xuất nước ngoài thông qua nhiều chính sách ưu đãi.

Cụ thể khi đầu tư tại đây, Tianyuan nhận được một khoản trợ cấp 1 triệu USD về cơ sở hạ tầng, kèm theo 500.000 USD hỗ trợ đào tạo nhân lực và mức hoàn thuế 3,9%, tương đương 1,6 triệu USD mỗi năm.

Ông Preston tỏ ra rất hoan hỉ khi đón nhà đầu tư Trung Quốc, bởi có thêm nhiều việc làm sẽ kèm theo nhiều tác động tích cực khác cho tất cả mọi người ở Little Rock.

“Từ những nông dân trồng bông sống cách đây 40 dặm cho tới các công ty vận tải và vận chuyển sản phẩm tới cho khách hàng, ai cũng được lợi” - ông phân tích.

Hào hứng và âu lo

Tương tự, chính quyền bang North Carolina, nổi tiếng với ngành dệt may và đồ nội thất, cũng đang hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước với các lý do tương tự như Arkansas.

Bộ trưởng thương mại của bang, ông John E. Skvarla, khoe với CNN các chính sách ưu đãi ở North Carolina đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà sản xuất nhờ điều kiện ưu đãi, thuế thấp...

Ông Skvarla khẳng định không cần lo lắng về việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khiến các công ty Mỹ phải cạnh tranh ngay trên sân nhà, bởi “tăng trưởng kinh tế chẳng có hại bao giờ cả”.

Trong khi đó, ông Eric Spackey, giám đốc điều hành Bluewater Defense, công ty Mỹ chuyên sản xuất quân phục, lại xem làn sóng các công ty nước ngoài mở nhà máy tại Mỹ là đáng lo ngại.

Bluewater Defense hiện đang có một cơ sở ở Puerto Rico với 523 công nhân và cũng muốn mở thêm nhà xưởng ở North Carolina.

“Các công ty nước ngoài sẵn có nguồn lực tài chính và vốn đầu tư để đặt nhà máy mới ở đây (North Carolina), mà lại còn nhận được nhiều ưu đãi quá tốt” - ông Spackey ngụ ý “phân bì” công ty nội sẽ không được nhiều ưu ái như vậy.

Theo ông Spackey, các công ty Mỹ một mặt đang cố gắng duy trì sản xuất trong nước, mặt khác lại phải cạnh tranh với đối thủ nước ngoài trong việc mở rộng sản xuất ngay trên sân nhà.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải gánh chịu những hậu quả không nhỏ nếu mang việc làm ra nước ngoài. Phát biểu trong chuyến thăm một nhà máy chuyên sản xuất máy điều hòa không khí Carrier ở bang Indiana hôm 1-12, ông Trump tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với công ty này giữ lại 1.100 việc làm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp thay vì bị đưa đến Mexico.

Vị tỉ phú New York ca ngợi cuộc đàm phán với Công ty Carrier như là một hình mẫu về cách thức ông sẽ tiếp cận với các doanh nghiệp khác của Mỹ có ý định đem việc làm ra nước ngoài, đồng thời cam kết sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh thông qua việc cắt giảm thuế và các quy định. Ông nhấn mạnh quan điểm của ông là làm những điều tốt đẹp cho các doanh nghiệp để họ không có lý do rời khỏi Mỹ, nhưng đồng thời phát đi cảnh báo là các công ty muốn rời đi sẽ phải đối mặt với “những hình phạt”.

“Chúng tôi bây giờ không chỉ cạnh tranh về chuyện làm ăn kinh doanh, mà còn phải cạnh tranh để giành được các nguồn tài nguyên như nhân công ngay tại Mỹ

 

Eric Spackey (giám đốc điều hành Công ty Bluewater Defense của Mỹ)
TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên