Các em nhỏ được tự do khám phá với các trò chơi tại sân chơi phiêu lưu - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Nhìn vào niềm hạnh phúc của trẻ em trong sân chơi phiêu lưu ấy, nhiều người lớn có thể giật mình nhận ra họ đang nợ trẻ em quá nhiều mà không hay biết.
Khao khát thoát khỏi... những chiếc hộp
Có mặt cùng với con gái An Nhiên 4 tuổi rưỡi tại sân chơi phiêu lưu đầu tiên ở khu đô thị Ecopark (Hà Nội) ngày 20-7, chị Nhung dù đang khá nặng nề khi sắp tới ngày sinh nở, vẫn say sưa hướng dẫn con chơi cầu trượt, leo cây, đào đất... Xung quanh chị, các phụ huynh khác đang hướng dẫn con mình cưa gỗ, đóng đinh, kiếm củi đốt lửa...
Con gái chị trước đây rất nhút nhát và lười vận động. Bé thích được một mình với chiếc iPad hoặc tivi cùng những bộ phim hoạt hình hấp dẫn. Bé có biểu hiện ngại giao tiếp và đi ra ngoài. Vợ chồng chị Nhung trước đây sống cạnh hồ Tây, tưởng là một nơi có không gian cho trẻ, nhưng thực ra cũng không được như ý. Vậy là vợ chồng chị quyết chuyển tới một nơi ở mới xa trung tâm nhưng lại có không gian chơi cho con cái.
Cũng chung mong muốn tạo cho con những giờ phút được thực sự vui chơi, gia đình anh Nguyễn Hồng Hải - một cư dân của khu đô thị này - đã dẫn con trai 10 tuổi tới sân chơi vào chủ nhật hằng tuần từ khi sân chơi khánh thành hồi tháng 6. Anh Hải muốn con được thoải mái sáng tạo các trò chơi theo cách mình muốn, tự quản lý rủi ro khi chơi.
"Ở đây các bé được tạo điều kiện tự lên kế hoạch chơi, tự quản lý các rủi ro, tự sáng tạo các cách chơi mà chúng muốn thay vì chơi theo cách mà người lớn muốn. Thế nên dù mỗi lần chơi là quần áo bê bết, chân tay trầy xước nhưng các con đều rất sảng khoái và cha mẹ cũng vậy", anh Hải nói.
Một bà mẹ khác là chị Hoàng Yến thậm chí còn cùng các con vượt 20 cây số sang đây để các con nghịch những trò mà cha mẹ không dám chơi ở ngôi nhà chật chội trong thành phố.
Ông Hitoshi Shimamura - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Chơi tự do rất quan trọng với trẻ em. Người lớn cần hỗ trợ và chơi cùng các em để các em tự tạo ra một thế giới của chúng. Nhiều người lớn muốn dạy trẻ em, nhưng chúng ta cần những người lớn biết lắng nghe trẻ em.
Ông Hitoshi Shimamura
Thời gian chơi tự do rất có lợi
Tham gia trong đoàn các chuyên gia của Nhật Bản tới hỗ trợ thiết kế, xây dựng sân chơi phiêu lưu đầu tiên ở Việt Nam, nghe những tiếng cười hạnh phúc giòn tan của trẻ con hôm khai trương sân chơi, ông Hitoshi Shimamura nói "các ký ức hạnh phúc khi chơi sẽ đi cùng trẻ em mãi về sau".
Trẻ em Nhật Bản và cả Việt Nam hiện nay rất thiếu thời gian để chơi tự do vì thời gian học quá nhiều, nhưng chính thời gian chơi tự do lại rất có lợi cho trẻ. Và đó là lý do các em cần được chơi tự do trong khung cảnh thiên nhiên.
Ông Hitoshi Shimamura cho biết hiện nay có khoảng 1.000 sân chơi phiêu lưu trên thế giới thì có tới 400 sân chơi ở Nhật. Tại khu vực Shetagaya, chính quyền thành phố yêu cầu quận nào cũng phải có một sân chơi phiêu lưu.
Những trò cưa đục, đóng đinh cuốn hút trẻ nhỏ - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Tất nhiên có lý do cho việc sân chơi phiêu lưu phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản trong vài chục năm qua. Theo ông Hitoshi Shimamura, lý do bởi trẻ em Nhật Bản phải dành quá nhiều thời gian ở trường luyện thi, lớp học thêm, bị áp lực bị so sánh với bạn bè đồng lứa... Nhiều trẻ em Nhật Bản nghĩ rằng mình không đủ tốt, không đủ giỏi và gặp vấn đề về tâm lý. Trong khi đó, các không gian công cộng dần bị lấy mất để xây bãi đỗ xe, nhà cao tầng.
Và những điều này cũng đang diễn ra ở các thành phố lớn ở Việt Nam.
Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - một trong những người sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds - chia sẻ ngày xưa cứ ra khỏi nhà là phiêu lưu rồi, vì vẫn còn nhiều không gian tự nhiên là những sân chơi tuyệt vời nhất, trẻ em có thể tha hồ chơi với các bạn ngoài đồng, leo trèo cây, tự mót khoai nướng khoai ăn... Nhưng nay thì những điều đó đã biến mất với trẻ em thành phố.
Đó cũng là lý do khiến Think Playgrounds quyết tâm xây dựng những sân chơi phiêu lưu mở cửa miễn phí ở Việt Nam.
Sân chơi phiêu lưu ra đời ở Đan Mạch
Theo ông Hitoshi Shimamura, sân chơi phiêu lưu đầu tiên ra đời ở Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 1943, phát triển mạnh ở châu Âu vào những năm 1950-1980. Nó bắt đầu được du nhập vào Nhật Bản năm 1975 và từ đó phát triển mạnh tại đất nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận