Các chuyên gia lưu ý các bậc phụ huynh lựa chọn cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo chất lượng để trẻ được an toàn - Ảnh: HÀ QUÂN
Bảo vệ cả thân thể và tinh thần trẻ
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) - cho rằng trong vụ việc trẻ bạo lực trẻ, phụ huynh - nhà trường - chính quyền cần có sơ cứu, điều trị kịp thời cho trẻ là nạn nhân trước.
Theo ông Nam, vụ việc có thể không gây thương tích về mặt thân thể nhưng ảnh hưởng đến tâm lý. Do đó, phụ huynh cần kết nối với chuyên gia, trung tâm công tác xã hội hoặc gọi tới Tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia miễn phí 111.
"Bên đánh bạn và bên bị đánh cũng đều là nạn nhân. Đối tượng trẻ mầm non học theo hành vi của người lớn. Do vậy, cơ quan bảo vệ trẻ em cần có hướng dẫn cha mẹ hạn chế gây bạo lực trước mặt trẻ cho dù là cố ý, vô tình hay đùa giỡn, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân trẻ có hành vi bạo lực để giải quyết lâu dài", ông Nam nói.
Ông Nguyễn Bá Minh - vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và đào tạo) - cho biết: "Sự việc ở Bắc Giang rất đáng tiếc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ có thêm đợt tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý cấp cơ sở khối mầm non để đảm bảo an toàn cho trẻ, khi trẻ ở nhà tránh dịch cũng như ngay khi trẻ tới trường".
Theo ông Minh, kế hoạch tập huấn đã nằm trong kế hoạch của bộ và việc nghiệm thu tài liệu hướng dẫn diễn ra ngay sáng 25-10. Tuần đầu tháng 11, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ có đợt tập huấn toàn quốc.
"Bộ cũng sẽ có công văn hướng dẫn để các địa phương rà soát các điều kiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non. Đặc biệt là phòng chống dịch, phòng chống tai nạn thương tích…", ông Minh nhấn mạnh.
Giáo dục trẻ phải đúng cách
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ThS Lê Thanh Hải - chuyên gia giáo dục mầm non - cho biết: “Trẻ từ 0 - 3 tuổi nhận thức trong vô thức, chưa có ý thức hành vi. Trẻ từ 3 - 6 tuổi dù lớn hơn nhưng đang trong giai đoạn nhận thức có ý thức, hình thành nhân cách, bắt đầu học hiểu về hành vi đúng - sai nên đôi khi có hành vi chưa đúng. Do đó, khi có xung đột giữa trẻ với trẻ, người chăm sóc trẻ tuyệt đối không nên dùng quyền lực với trẻ để giải quyết vấn đề bạo lực học đường”.
Theo bà Hải, trường hợp phát hiện trẻ cư xử, sử dụng hành vi bạo lực trong lớp, giáo viên và cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và tìm giải pháp xử lý, chứ không nên phán xét hay lên án con, kể cả việc bạn đánh con hay con đánh bạn. Trẻ có hành vị “bắt nạt” bạn hay bị bạn bắt nạt là do ảnh hưởng của cuộc sống, phim ảnh, người lớn, bạn bè…
ThS Lê Thanh Hải đưa lời khuyên rằng phụ huynh cần làm mẫu thường xuyên hành vi “đúng” như nói lời nhã nhặn, lịch sự. Khi muốn dừng hành vi “chưa đúng” của trẻ dưới 3 tuổi cần dùng câu mệnh lệnh ngắn gọn như “không” và giơ bàn tay ngăn hành động sai khi con chạm tay vào ổ điện, cắn bạn…
Chuyên gia này cũng đưa ra 4 bước để phụ huynh giáo dục trẻ. Bước một, phụ huynh đồng cảm với con. Bước hai, cha mẹ thăm dò cảm xúc. Bước ba, người lớn tìm hiểu giải pháp cùng con. Bước cuối, cha mẹ cùng con giải quyết vấn đề.
Về chọn lớp cho con, vị chuyên gia này lưu ý phụ huynh cần tìm hiểu kỹ giấy phép hoạt động nơi gửi trẻ, bằng cấp sư phạm của cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất đủ điều kiện an toàn. Ví dụ, phòng học phải cửa cổng cao để trẻ không lọt ra ngoài, khu vực chứa nước được đậy kỹ tránh đuối nước, cầu thang có hàng rào tránh trẻ ngã…
“Trường hợp bất khả kháng thì phụ huynh lưu ý đồ dùng, đồ chơi tuyệt đối phải an toàn phù hợp lứa tuổi của trẻ. Phụ huynh thường xuyên quan sát con xem con có vui vẻ, mạnh khỏe, không sợ hãi khi đi học, nhất là trẻ dưới 18 tháng”, bà Hải cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận