Là một tín đồ hàng hiệu, theo như chỗ tôi biết, phải có những chuyến mua sắm ở tận Ý, Mỹ, Pháp... Còn nếu ở Sài Gòn thì phải là khách ruột ở các cửa hàng thời trang trên đường Đồng Khởi hoặc các trung tâm thương mại như Plaza hay Parkson.
Nhưng sao một người không phải tín đồ hàng hiệu như tôi lại đột nhiên quan tâm tới hàng hiệu? Thật ra là tôi quan tâm đến tin tức: mới đây cảnh sát thu giữ những lô hàng (được cho là hàng hiệu) của một cửa hàng thời trang rất nổi tiếng trên đường Đồng Khởi, khiến những tín đồ hàng hiệu nổi giận. Vì sao? Vì họ phát giác mình bị lừa. Tại cửa hàng này, lâu nay những chiếc áo sơmi hay túi xách được bán với giá vài triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng; thì nay cảnh sát khui ra trong tờ khai hải quan chỉ có giá vài ba USD, tức khoảng 100.000 đồng/chiếc. Nhiều người bảo rằng đây là chiêu trốn thuế, nhưng cũng nhiều người khẳng định đây là trò tráo hàng thật giả để bán kiếm lời khủng.
Nhưng đâu là hàng thật đâu là hàng giả? Tại sao chính những tín đồ hàng hiệu cũng không nhận biết thật giả? Điều oái oăm và khôi hài nhất có lẽ là ở chỗ này đây. Chẳng lẽ cứ nhái hàng hiệu, đóng mác hàng hiệu là thành hàng hiệu và qua mắt được tất cả tín đồ hàng hiệu? Sao lại có thể đơn giản như thế. Tôi không tin là dễ dàng như vậy.
Nhưng tôi biết có những người thích xài... hàng hiệu nhái để “giật le”. Những người này cũng là tín đồ hàng hiệu nhưng túi tiền không cho phép xài hàng hiệu chính hãng, nên họ phải ra... chợ đầu mối để mua hàng nhái, giá bèo. Có lẽ chính những người này “giác ngộ” rằng khi họ chi ra một món tiền lớn để mua một món đồ hàng hiệu là đồng thời trả chi phí khá cao để mua thương hiệu của món đồ đó. Giờ thì dễ dàng hơn nhiều, họ vẫn sở hữu được món đồ có thương hiệu nhưng chỉ trả bằng giá bèo. Và khi khoác lên người bộ thời trang hàng hiệu, họ vẫn nghĩ mình “oách xà lách” như ai (!).
Như thế đó, tín đồ hàng hiệu thứ thiệt lại không biết cách phân biệt thật giả (?). Còn tín đồ... hàng hiệu nhái thì có vẻ rất yên tâm với sự giả hiệu hàng chợ. Và Sài Gòn hiện nay có rất nhiều nơi bán hàng nhái, hàng giả hàng hiệu một cách công khai.
Như thế nghĩa là gì? Là ăn cắp thương hiệu và trí tuệ cũng như công sức lao động của người khác. Mới đây, trong một bữa ăn tối tại nhà hàng Maxim Đồng Khởi, một ông bạn sành hàng hiệu của tôi gần như phẫn nộ khi nhìn thấy một quý bà sang trọng lại mang chiếc túi xách, mà theo ông là giả hàng hiệu. Ông bạn gần như không giữ được bình tĩnh, muốn đi đến để nói với quý bà kia rằng bà đã xài một món hàng hiệu giả. Bà ấy không biết hay là cố tình?
Lúc này tôi chợt nghĩ ra rằng chơi hàng hiệu quả là khó, vì nó không chỉ đòi hỏi phải có nhiều tiền, mà còn cần một tri thức hay văn hóa tiêu dùng. Nói chung, hàng hiệu là đẳng cấp. Cô bạn của tôi tán đồng ý kiến này bằng một ví dụ về một bộ sưu tập thời trang của Pull & Bear trong năm 2012 này lấy ý tưởng từ bài hát Our last summer (Mùa hè cuối của chúng ta) của ABBA, gợi nhớ về những tháng năm rồ dại của tuổi trẻ ngời hoa, nên phong cách sẽ là vintage (gọi nôm na là cổ điển) với tông màu sáng trên chất liệu cotton, người mẫu trẻ, chụp ảnh trên bãi biển, ngồi xích đu...
“Đó, anh bỏ tiền triệu ra mua một sản phẩm hàng hiệu nghĩa là anh phải sở hữu tất cả những thứ đó” - cô bạn tôi tủm tỉm cười. Cô không chia sẻ sự nổi giận của ông bạn tôi, bởi cô hiểu VN có ít người “mua hàng thông thái” chỉ có nhiều người “xài tiền sành điệu”. Hiểu vậy nên hơi đâu mà nổi giận (!).
Nhưng thực tế thì rất nhiều tín đồ hàng hiệu ở VN đang nổi giận vì ăn quả lừa. Khi những tín đồ hàng hiệu nổi giận thì biết đâu họ sẽ chuyển sang dùng hàng VN chất lượng cao chăng? Tôi nghĩ điều này nhưng không dám nói ra với ông bạn, vì ông thật sự là một tín đồ hàng hiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận