Bức tranh cổ động cho khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên trên trang 1 số báo Tuổi Trẻ ngày 1-4 quả là đầy “ý nghĩa”!
Lạc quan mà ngắm, bức ảnh cụ già tươi cười như thế có vẻ như là “cái kết có hậu” hứa hẹn của “hợp đồng xã hội hóa” giữa công ty S. có tên trưng ra ở cuối tấm bảng với bệnh viện này.
Hoài nghi mà nhìn, không thể không đặt câu hỏi liệu có bao nhiêu cụ già nghèo khổ ở độ tuổi đó (hoặc thấp hơn vài chục tuổi) có phước phần được “chụp cắt lớp” như trong bức ảnh quảng cáo của hãng “cung cấp” máy chụp cắt lớp đó, khi mà giá biểu chụp cắt lớp hiện vẫn ở mức tiền triệu và chụp mới chỉ là một phần của khâu chẩn đoán, giả định như không chỉ định thừa khi mà “chỉ tiêu” mà “chủ đầu tư” đưa ra là mỗi ngày chụp CT tối thiểu cho 5 bệnh nhân mới đủ sở hụi!?
Kiếm đâu ra cho đủ 5 bệnh nhân để chụp cắt lớp mỗi ngày, khi mà không phải bệnh gì cũng chụp cắt lớp?
Thiết tưởng có hoài nghi cũng không là thừa hay quá đáng, khi mà đây là một vấn nạn đã được phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu ra tại hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám, chữa bệnh” tháng 9-2015: “Xã hội hóa chỉ tập trung vào các thành phố lớn, các dịch vụ thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao...
Điển hình như chuyện liên kết lắp đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, theo thống kê của cơ quan bảo hiểm, hiện nay các bệnh viện “xã hội hóa” vào lĩnh vực này tới 80% vì không những thu hồi vốn nhanh mà còn sinh lời”.
Hậu quả của cám dỗ “thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao” đã được cụ thể hóa bằng trên dưới 2.000 máy “xã hội hóa” trên toàn quốc, mà từ 40% (tự lắp đặt) đến 60% (thuê) số máy không có đề án, mặc dù theo quy định của Bộ Y tế phải có đề án rồi mới được thực hiện.
Từ đó dẫn đến thực tế là, cũng theo quan chức trên, do chụp CT được bảo hiểm thanh toán đồng hạng 500.000 đồng nên bệnh viện lắp máy tốt thì không đủ thu, bệnh viện khác lắp máy Trung Quốc trị giá chỉ có mấy trăm triệu đồng thì lại có lời!
Do mỗi nơi lắp đặt một kiểu, không kiểm soát được cả máy móc lẫn chất lượng thực tế nên các bệnh viện hoài nghi kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của nhau!
Trong trường hợp này, “xã hội hóa” y tế chính là tai họa, vừa cho người bệnh khi “được” chỉ định cận lâm sàng quá hớp mà lại phải tự chi trả do không có bảo hiểm y tế hay đi khám không đúng tuyến, vừa đe dọa quỹ bảo hiểm y tế nếu như bệnh nhân có bảo hiểm...
Nói xin lỗi, cái cám dỗ “thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao” đó dẫn đến nghịch cảnh “khoa học mà thiếu lương tâm, chỉ là sự hủy hoại tâm hồn”!
Nói như thế không có nghĩa là ngành y chỉ có mảng tối. Thật ra nếu không phải cậy đến “xã hội hóa”, nếu Nhà nước đầu tư ở một mức tối thiểu nào đó khả dĩ để các bệnh viện hoạt động được thì vẫn có thể thấy những bệnh viện cấp huyện thật đấy, song chất lượng khám chữa bệnh, tính chuyên nghiệp và cả cái tâm có thừa như Bệnh viện huyện Nhà Bè.
Một bệnh nhân, có tiền sử bệnh tim mạch, hai lần vào cấp cứu đều được đo ngay điện tâm đồ kèm xét nghiệm men tim xem có nguy cơ nhồi máu cơ tim không!
Nhà nước khi nghĩ đến chi tiêu sắm mới xe cộ, xây thương xá ngầm... cũng nên nghĩ đến sắm thiết bị y tế, mà cân đối chi tiêu sao cho cái ách “chỉ tiêu” sử dụng các thiết bị “xã hội hóa” bớt nặng nơi các bệnh viện.
Lúc đó, các thiết bị đó mới không “làm chủ” các thầy thuốc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận