TTCT - Thể thao không chỉ để giải trí, không chỉ để cho khỏe; mà thể thao còn dùng để chữa bệnh. Đó là câu chuyện rất cũ ở các nước tiên tiến, nhưng thật sự mới mẻ ở Việt Nam mà người đang nỗ lực đưa thể thao vào y học chính là TS Vũ Công Lập - một chuyên gia trong lĩnh vực vật lý y sinh. TTCT xin giới thiệu bài viết của ông... Y học, bệnh và tật Nói đến nghề y, trước tiên ta nghĩ đến bệnh, đến bệnh viện. Y tức là chữa bệnh. Có nhiều cách chữa bệnh, như uống thuốc, như phẫu thuật, như châm cứu... Và một cách chữa bệnh khá phổ biến là chữa bệnh bằng các tác nhân vật lý, như điện, nước, cơ học, siêu âm, từ trường, laser..., gọi chung là vật lý trị liệu. Nhưng rồi người ta nhận ra ngay, phòng bệnh còn hơn chữa bệnh. Không gì tốt hơn là chẳng bao giờ phải đến bệnh viện. Và ở đây ta có hai lĩnh vực quan trọng của y học: y học lâm sàng và y học dự phòng. Một mặt khác: bệnh thì hay để lại tật, những di chứng của bệnh. Tật cũng có thể do di truyền, bị từ khi mới sinh ra, do một tai nạn, hay nhiều lý do khác nữa. Nhiệm vụ quan trọng lúc này của y tế là tìm mọi cách trả lại hay bù trừ cho người bị tật những khả năng hoạt động mà không may họ đã bị mất đi. Đây là lúc chúng ta nói đến y học phục hồi với nhiệm vụ chính là phục hồi chức năng. Những năm đầu, người ta xây dựng chung chuyên ngành vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, sau rồi thống nhất về thuật ngữ: Chỉ nói gọn là phục hồi chức năng cũng đã bao hàm cả vật lý trị liệu như đã nói ở trên. Trong quá trình phục hồi, tác nhân vật lý thường dùng ở thời gian đầu tiên, khi chống đau, tạo khả năng cho vận động. Vận động là phần khởi đầu của phục hồi, khi giúp bệnh nhân vượt qua khủng hoảng trì trệ, tệ nhất là bất động. Phát triển vận động lên, ta tiến tới những vận động hướng đích, phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày hay lao động nghề nghiệp. Từ đây hình thành ngành lao động trị liệu. Một dạng đặc biệt khác của vận động là hoạt động thể dục thể thao. Người ta có thể chơi thể thao hay tập thể thao, chơi tập một mình hay chơi tập trong một tập thể, chơi tập có dụng cụ hay không có dụng cụ... Thể thao làm con người mạnh mẽ cả về thể chất lẫn về tinh thần, và đấy là một phương pháp điều trị mới: thể dục trị liệu (sporttherapy). Tập luyện trị liệu (MTT - Medical Training Therapy) là hình thức cao hơn cả trong các phương pháp phục hồi chức năng hiện nay. Trong luyện tập trị liệu, bệnh nhân thực hiện các đơn vị luyện tập được tính toán trên cơ sở của khoa học thể thao, phù hợp với tình hình bệnh tật và thể trạng của bệnh nhân theo những quy tắc y học. Nói đơn giản, thay vì kê đơn thuốc, bây giờ bác sĩ sẽ kê đơn tập luyện thể thao cho bệnh nhân. Đây là một chuyên ngành mới theo kiểu liên ngành. Nó là yếu tố mới, cơ bản của một ngành đang xây dựng và phát triển mạnh: y học vật lý và y học phục hồi (PRM - Physical and Rehabilitation Medicine). Tại hội nghị lần thứ 10 Hội Y học vật lý và y học phục hồi thế giới năm 2014 ở Berlin, người ta ước tính PRM hiện phục vụ cho cỡ 1 tỉ người trên toàn cầu. Thủy trị liệu là một phương pháp phục hồi cho hiệu quả tốt-geo wissen Tập luyện thể thao để trị bệnh Chữa bệnh và phục hồi như đã nói ở trên là một chuỗi liên hoàn các biện pháp gắn bó với nhau, từ vật lý trị liệu, qua vận động trị liệu rồi tới luyện tập thể thao trị liệu. Trong chuỗi này, bệnh nhân chuyển dần từ trạng thái hoàn toàn bị động, tới chủ động và cuối cùng, khi luyện tập thể thao thái độ của bệnh nhân là hoàn toàn tích cực. Từ đó, niềm tin tưởng và sự lạc quan của bệnh nhân cũng tăng dần trong toàn bộ quá trình. Theo mô hình sinh học - tâm lý - xã hội (biopsychosocial model) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe của con người không đơn thuần chỉ được xác định bởi những thiếu hụt về cấu trúc hay chức năng, mà chủ yếu được xác định bằng khả năng và mức độ hoạt động của con người. Một người khuyết tật, một người có bệnh thậm chí có thể “khỏe” hơn một người bình thường, không mang bệnh nếu người đó có khả năng và phạm vi hoạt động tốt, lành mạnh về tinh thần, tham gia tích cực vào cả những hoạt động xã hội. Nếu nhiệm vụ của y tế là chăm sóc cho sức khỏe của con người, thì phải tìm mọi biện pháp để chăm sóc và nâng cao khả năng hoạt động của con người nói chung, cho bệnh nhân, nói riêng. Trong đó, MTT là phương pháp hiệu quả nhất, phương pháp cuối cùng trong cả chuỗi chăm sóc người bệnh. Làm sao cho một bệnh nhân lúc đầu là gánh nặng của chính mình và gia đình, sau này có thể trở thành một nhân tố tích cực cho cả xã hội. Luyện tập thể thao khác hẳn với chơi thể thao hay tập thể dục thông thường. Đấy là hệ thống các bài tập thông qua các nguyên lý của huấn luyện thể thao, nhằm nâng cao sức mạnh, sức bền, độ khéo léo cũng như khả năng hoạt động toàn diện của cơ thể. Những bài tập cụ thể được phối hợp trong một đơn vị luyện tập, khối lượng vận động được xác định qua cường độ tập, độ nhắc lại cũng như số loạt tập. Rồi số lần tập trong tuần, phương pháp tập (tập liên tục hay tập có gián cách, tập tích cực hay tập thoải mái...). Bạn sẽ ngạc nhiên: bệnh nhân mà tập cứ như một VĐV vậy. Chỉ có điều là, mọi tham số được xác định theo nguyên lý huấn luyện thể thao, nhưng được thực hiện bởi các bác sĩ theo kiểu kê đơn bốc thuốc, nghĩa là phải đúng thuốc và đúng liều lượng. MTT được thực hiện trên một hệ thống thiết bị chuyên biệt, trông bề ngoài có vẻ giống như các máy tập thể lực nhưng khác hẳn về chất. Các máy MTT hiện đại dựa trên nguyên lý về sự thống nhất giữa phần mềm, máy và con người. Các nguyên lý tập luyện thể thao được gài sẵn trong phần mềm (chẳng hạn nguyên lý hình tháp để xác định khối lượng vận động, phù hợp với chế độ tập từng giai đoạn), các thiết bị đo đạc đầy đủ khiến cho tải tập được xác định chính xác, thường xuyên kiểm tra kết quả và điều chỉnh thích hợp trong khi luyện tập. Vị trí người tập - bệnh nhân được ghi nhớ và lặp lại hoàn toàn chính xác, tương tác giữa bệnh nhân và người hướng dẫn luyện tập rất gần gũi, gắn bó, tạo ra sự tin tưởng và niềm quyết tâm trong khi tập luyện. Mục tiêu cuối cùng: chính xác, an toàn và hiệu quả. Ngoài những thiết bị chung để tập cho các nhóm cơ khác nhau trong cơ thể, hiện đã có nhiều hệ chuyên dụng, như hệ tập phục hồi cho các bệnh nhân tim mạch, hệ tập cho các bệnh nhân đau lưng, các thiết bị tập vận động cho các bệnh nhân sau đột quỵ não. Những thành tựu mới mẻ nhất trong công nghệ thông tin, đo lường sinh học, các kết quả về y học vũ trụ cũng đã được ứng dụng nhanh chóng trong lĩnh vực này. MTT được triển khai và đào tạo chuyên viên trị liệu tại Viên Vật lý y sinh học (TP.HCM) Bước khởi động ở Việt Nam Phục hồi chức năng là chuyên ngành được Bộ Y tế khuyến khích phát triển trong những năm gần đây. Chúng ta đã thu được nhiều thành tích đáng kể khi tiếp tục du nhập những phương pháp vật lý trị liệu hiện đại, sử dụng vận động trị liệu, bao gồm cả lao động lẫn thể dục trong các hoạt động phục hồi. Nhiều trung tâm phục hồi chức năng ở các tỉnh và thành phố, nhiều khoa phục hồi chức năng trong các bệnh viện đa khoa đã được tổ chức, kiện toàn và tích cực phục vụ, chăm sóc người bệnh. So với ngành y học vật lý và y học phục hồi trên thế giới, chúng ta vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn, trong đó MTT là một điểm đáng chú ý. MTT đã có từ hơn trăm năm trước, được hình thành đầy đủ ở Na Uy vào những năm 1960. Rồi từ các nước Bắc Âu, MTT phát triển nhanh chóng và trở thành một hiện tượng toàn cầu. Bây giờ phương pháp này đã thực sự bắt đầu triển khai ở Việt Nam. Nhiều cán bộ đã được đào tạo theo những giáo trình tiêu chuẩn của châu Âu, từ xây dựng nền tảng của phương pháp tới những ứng dụng trên những căn bệnh cụ thể. Các hệ thống thiết bị tương ứng đã được lắp đặt tại Bệnh viện Tân Hưng, Bệnh viện Quân đội 175 và Viện Vật lý y sinh học (TP.HCM), Bệnh viện Thể thao (Hà Nội)... Năm 2017 sẽ có các chuyên gia đầu ngành của Đức sang giúp triển khai các kỹ thuật điều trị và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân đau thắt lưng, bệnh nhân với hội chứng cổ vai gáy, bệnh nhân tim do hẹp mạch vành, hay những bệnh nhân có vấn đề sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp (nhạc công, nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, vận động viên...). Đó là những bước đầu cho một sự phát triển mới. TS Max Klauss, người đang giảng dạy lớp MTT cho cán bộ Bệnh viện Quân đội 175 và Viện Vật lý y sinh học, nhấn mạnh: “Chúng ta đưa con tàu thể thao vào đường ray của y học”. Thể thao vốn là một tiền đề quan trọng để làm nên sức khỏe và vẻ đẹp của con người. Nhiều khi người ta nghĩ rằng khi bị bệnh thì phải “kiêng” thể thao. Nhưng với quan niệm mới, với công nghệ hiện đại và các bài tập thích hợp, luyện tập thể thao đã trở thành một phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi di chứng bệnh hết sức hiệu quả.■ Tags: Thể thao trị liệuTrị liệu và phục hồiChữa trị bằng thể thao
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.